Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Lạm phát quý I tăng do giá năng lượng tăng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển hồ sơ sai phạm tại VEAM sang Bộ Công an; Lạm phát Quý 1 tăng chủ yếu do sự gia tăng của giá năng lượng; Năm 2025, Việt Nam sẽ có 3-5 ngân hàng lên sàn nước ngoài... là nội dung chú ý tuần qua.rn

Bộ Công Thương chuyển hồ sơ sai phạm tại VEAM sang Bộ Công an
Ngày 11/4, Bộ Công Thương cho biết đã chuyển hồ sơ về sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) sang cơ quan điều tra (Bộ Công an). Bộ Công an đang thụ lý vụ việc và xử lý theo đúng các quy định pháp luật.
 Chuyển hồ sơ của VEAM sang Bộ Công an.
Cùng đó, việc thanh tra toàn diện các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công tác tổ chức cán bộ... từ năm 2010 đến nay tại VEAM đang được Bộ Công Thương tiến hành.
Vì thế, Bộ này yêu cầu trước khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng "đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông không đăng tải các nội dung liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác cán bộ,... của VEAM.
Việc đăng tải này, theo giải thích, nhằm tránh ảnh hưởng tới hoạ động thanh tra, điều tra đang diễn ra tại VEAM, cũng như hoạt động kinh doanh, quan hệ đối tác của doanh nghiệp này. "Khi có kết luận từ các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương sẽ thông báo rộng rãi tới báo chí, dư luận", Bộ này nêu.
Trước đó, đầu tháng 4 VEAM công bố thông tin lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc HĐQT có nghị quyết bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM với ông Trần Ngọc Hà. Người thay thế ông Hà điều hành VEAM là ông Ngô Văn Tuyển - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc.
Việc ông Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc liên quan tới việc cuối năm 2017 ông này tự quyết định và giao Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện ôtô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mà không thông qua HĐQT.
Trong các vản bản giải trình sau đó, VEAM cho rằng việc ông Hà đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có "thiếu sót" về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Lạm phát quý 1 tăng chủ yếu do sự gia tăng của giá năng lượng
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2029 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố tuần qua cho thấy, lạm phát tăng nhẹ trong quý 1/2019 chủ yếu do sự gia tăng của giá năng lượng.
 Ảnh minh họa. 
So với cùng kỳ năm 2018, lạm phát toàn phần tăng nhẹ liên tục trong ba tháng đầu năm lần lượt đạt 2,56%, 2,64% và 2,7%. Tuy nhiên, tháng 3/2019 giảm 0,06%.

VEPR đánh giá, lạm phát lõi Quý 1/2019 kiểm soát ở mức tăng 1,83%, phản ánh chính sách tiền tệ được điều chỉnh ổn định. CPI bình quân quý 1/2019 tăng 2,63%, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Chỉ riêng tháng 2/2019, CPI tăng 0,8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng, nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,73%, lương thực tăng 0,53%; thực phẩm tăng 2,13% so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, sang đến tháng 3/2019, do lo ngại về dịch tả lợn châu Phi cũng như nhu cầu tiêu dùng sau tết giảm khiến CPI giảm 0,21%. So với tháng liền trước, giao thông tăng 2,22% do tăng giá xăng, dầu vào ngày 2/3/2019; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78%; giá gas trong tháng tăng 4,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
Nhìn chung, so với cùng kỳ năm năm ngoái, CPI trong 3 tháng được giữ ổn định tại mức 2,6% - 2,7%. Đóng góp vào mức tăng thấp của CPI là do sự điều chỉnh giảm của giá xăng dầu. Tuy nhiên nền kinh tế trong Quý 2/2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá điện tăng 8,36% vào ngày 20/3 có thể làm CPI tăng khoảng 3,3%.
VEPR cho rằng, trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới lên xuống thất thường, cùng với việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu từ 01/01/2019, NHNN vẫn cần theo dõi rủi ro lạm phát trong thời gian tới để có những biện pháp ứng phó phù hợp.
Năm 2025: Việt Nam sẽ có 3-5 ngân hàng lên sàn nước ngoài
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 11/4 đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hành động ngành ngân hàng, thực hiện chiến lược phát triển ngành tới năm 2025 và định hướng đến 2030.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh, chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính.
 Ảnh minh họa.
Mục tiêu tổng quát ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được thực hiện theo hai cấp độ là hiện đại hóa NHNN và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng. Chương trình hành động chia làm ba giai đoạn 2018 - 2020, 2021 - 2025 và 2026 - 2030, gồm 7 mục tiêu và 11 nhóm nhiệm vụ.
Riêng với nhóm ngân hàng thương mại, mục tiêu của ngành ngân hàng ở giai đoạn đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý triệt để nợ xấu theo cơ chế phù hợp thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định hệ thống. Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có ít nhất 1 - 2 ngân hàng trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á (về tổng tài sản).
Về hoạt động, giai đoạn đầu tiên đặt mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập lên 12 - 13%, và dần lên 16 - 17% vào giai đoạn sau. Ngành cũng kỳ vọng hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (bao gồm cả nợ nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại).
Ở giai đoạn 2, mục tiêu của hệ thống là nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đến cuối năm 2025, hệ thống ngân hàng đặt mục tiêu ít nhất 2-3 ngân hàng trong Top lớn nhất châu Á và có 3 - 5 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Tất cả ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2 sẽ phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Nhà điều hành cũng kỳ vọng sẽ thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và các ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho rằng, để hoàn thành những mục tiêu này cơ quan quản lý cần xây dựng các giải pháp hỗ trợ, trong đó bài toán tăng vốn là vấn đề nan giải nhất.
Việc tăng vốn điều lệ, theo đánh giá của người đứng đầu Vietcombank, là "vô cùng cấp thiết". Để đảm bảo hoạt động theo thông lệ quốc tế, duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới, việc gia tăng nền tảng vốn với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có vốn Nhà nước, là điều rất quan trọng. Tuy nhiên theo Chủ tịch Vietcombank, NHNN, Bộ tài chính và các cơ quan liên quan đã vào cuộc nghiên cứu vấn đề này nhưng giải pháp cụ thể để thực hiện vẫn chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, liên quan đến mục tiêu có 2-3 ngân hàng trong nhóm những nhà băng lớn nhất châu Á, Chủ tịch Vietcombank kiến nghị nên bổ sung thêm những chỉ tiêu xét duyệt khác như vốn chủ sở hữu, lợi nhuận, để đảm bảo có góc nhìn bao quát hơn. Với mục tiêu thí điểm Basel II nâng cao, ông Thành kiến nghị NHNN nên đưa ra những thông tin hướng dẫn để các ngân hàng đã đáp ứng Basel II tiêu chuẩn có thể xúc tiến thực hiện.
Sẽ bỏ loại hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng BT?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi các bộ ngành đề nghị góp ý các vấn đề trong xây dựng dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trong đó, đề cập tới một trong 2 hợp đồng được áp dụng phổ biến ở Việt Nam và nhận được sự quan tâm của dư luận là BT (đổi nguồn lực công lấy dự án).
 Ảnh minh họa.
Đối với hợp đồng BT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, từ năm 1997 đến nay, quy định pháp lý có bốn lần thay đổi lớn về hình thức thanh toán (bằng tiền, quỹ đất, tài sản công, quyền kinh doanh khai thác công trình). Theo cơ chế hiện hành, nguồn lực công đối ứng được xác định nganh giá với giá trị công trình BT.
Thực tiễn triển khai cho thấy, việc thực hiện các dự án BT còn tồn tại, đặc biệt là việc xác định giá trị đất đối ứng còn chưa phản ánh giá trị thị trường. Tại kết luận ngày 28/9/2018, Kiểm toán còn cho rằng, việc xác định giá trị tài sản công (bao gồm quyền sử dụng đất) trong dự án BT theo cơ chế Hội đồng thẩm định giá thẩm định, UBND cấp tỉnh phê duyệt mà không thông qua đấu giá là chưa thể hiện được sự công khai, minh bạch khi thanh toán cho nhà đầu tư.
Đáng lưu ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số ý kiến cho rằng “không nên tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT”.
“Đề nghị các cơ quan góp ý nêu quan điểm về nhận định này. Trường hợp không duy trì loại hợp đồng BT, đề nghị cung cấp thêm thông tin và lập luận để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở báo cáo Chính phủ trong quá trình dự thảo luật”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trong trường hợp tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về 2 phương án.
Phương án 1, đấu thầu dự án BT, nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng; sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Tiền sử đụng đất, tiền thuê đất thu được sau khi có kết quả đấu giá sẽ được thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư BT, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chậm thanh toán, nhà đầu tư vẫn được tính chi phí lãi vay trong thời gian chậm thanh toán.
Phương án 2, thực hiện kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT. Nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng. Tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, không phải xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên thực tế, cách tiếp cận nêu trên xoay quanh nguyên tắc ngang giá và thanh toán trên cơ sở tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một lần tại thời điểm giao đất, cho thuê đất theo pháp luật về đất đai, pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Một số nước trên thế giới có biện pháp chia sẻ lại với nhà nước, người dân giá trị thăng dư của đất (địa tô chênh lệch) thông qua cơ chế cùng thực hiện dự án, mà không dựa vào nguyên tắc hiện đang áp dụng tại Việt Nam cho dự án BT (do giá trị địa tô phụ thuộc vào các yếu tố thị trường và chỉ hiện thực hoá khi có đầu tư”.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành liên quan nêu quan điểm về 2 phương án nêu trên hoặc đề xuất phương án khác để tối đa hoá giá trị nguồn lực đất đai nhờ phát triển cơ sở hạ tầng như kinh nghiệm của một số nước để báo cáo các cấp lãnh đạo trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư.

Kiểm toán “soi” xử lý nợ xấu tại hàng loạt ngân hàng

Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

 Ngân hàng Phương Đông là một trong những ngân hàng vào danh sách

kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Theo Đề cương được ban hành, thời kỳ kiểm toán sẽ kéo dài từ 15/8/2017 đến 31/12/2018. Đơn vị được kiểm toán là Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có kết hợp đối chiếu tại 18 tổ chức tín dụng không có vốn Nhà nước hoặc vốn Nhà nước không chi phối, bao gồm: Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CB Bank); Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank); Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank);

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP An Bình (ABB); Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank); Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank); Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank); Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank); Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank).

2 ngân hàng có vốn Nhà nước là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng sẽ là những đơn vị được kiểm toán trong chuyên đề lần này.

Trọng tâm kiểm toán là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42; trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết; việc thanh, kiểm tra trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, tại Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của toàn hệ thống. Xác định trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết 42 trên các mặt như: Giải pháp hạn chế nợ xấu; tính công khai, minh bạch trong việc phát mại, bán các khoản nợ và/hoặc tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu để bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan…

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán việc chỉ đạo, giám sát, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện Nghị quyết. Đánh giá việc phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành có liên quan trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).

Tại các tổ chức tín dụng và VAMC, hoạt động kiểm toán sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của các đơn vị. Đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 tại tổ chức tín dụng,VAMC thông qua việc: Xây dựng các phương án và lộ trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 42; chế độ thông tin báo cáo theo quy định. Riêng VAMC đánh giá thêm việc mua bán, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo theo Nghị định 61/2017/NĐ-CP.

Thông qua hoạt động kiểm toán cũng sẽ phân tích, đánh giá thực trạng các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, đặc biệt lưu ý đánh giá vi phạm pháp luật trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại tổ chức tín dụng, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan). Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp xử lý nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 có hiệu quả.

Hà Nội bổ sung gần 2.000 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2019

Tại Kỳ họp thứ 8, nhiệm kỳ 2016 - 2021 hôm 9/4, với tỷ lệ 92,16% tổng số đại biểu có mặt biểu quyết nhất trí, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019.

 Kỳ họp thứ 8 HĐND TP Hà Nội khóa XV

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XV cuối năm 2018, HĐND TP đã thông qua kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019 của TP với tổng mức vốn 29.019,5 tỷ đồng. Đến nay, tiếp tục có những dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn khởi công mới theo quy định. Ngoài ra trong quá trình rà soát, còn một số dự án chuyển tiếp đang thực hiện dở dang cần bố trí vốn để tiếp tục thực hiện hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo hiệu quả đầu tư. Theo đó, UBND TP đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019 để bố trí kế hoạch vốn cho các dự án triển khai thực hiện.

Cụ thể, đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với một số dự án có tiến độ triển khai chậm, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện hoặc sau khi rà soát xác định dư vốn để chuyển sang các dự án khác có nhu cầu vốn và tạo nguồn vốn bổ sung cho quỹ phát triển đất để các nhiệm vụ ứng vốn GPMB. Bố trí, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, có nhu cầu vốn và khả năng thực hiện.

Với những dự án có quyết định đầu tư sau ngày 31/10/2018, chỉ bố trí vốn kế hoạch từ nguồn tăng thu, kết dư ngân sách theo quy định tại Nghị định 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ. Đối với một số dự án thực hiện dở dang từ giai đoạn trung hạn trước, đề nghị HĐND TP thống nhất bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí kế hoạch vốn năm 2019 để tiếp tục triển khai hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng.

UBND TP sẽ tổng hợp các dự án trên vào phương án cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn trình HĐND TP phê duyệt tại kỳ họp cuối năm 2019 của HĐND TP. Đối với một số dự án hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các huyện ngoài định mức hỗ trợ tại Nghị quyết 18/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, mức vốn hỗ trợ năm 2019 của từng dự án tối đa bằng mức vốn trung hạn đã được HĐND TP phê chuẩn tại Nghị quyết 08/NQ-HĐND ngày 4/12/2018, phù hợp tiến độ và khả năng thực hiện của dự án.

Sau khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, tổng vốn đầu tư năm 2019 sẽ tăng từ 29.019,503 tỷ đồng lên thành 30.992,003 tỷ đồng, tăng thêm 1.972.500 triệu đồng; số dự án được bố trí vốn tăng từ 328 dự án lên thành 490 dự án, tăng thêm 162 dự án.

Xét đề nghị của UBND TP tại tờ trình này và Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách, theo kết quả biểu quyết của đại biểu HĐND TP, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019, trong đó quyết nghị phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019 với tổng kinh phí 1.972.500 triệu đồng, gồm các nội dung:

Thứ nhất, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn XDCB tập trung của 38 dự án trong đó: Điều chỉnh giảm vốn của 9 dự án với mức vốn giảm 1.492.000 triệu đồng; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn của 29 dự án (26 dự án bổ sung danh mục kế vốn năm 2019; 3 dự án đã trong danh mục bổ sung vốn) với tổng mức vốn tăng 713.300 triệu đồng.

Thứ hai, bổ sung vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình đầu tư của TP 11.000 triệu đồng.

Thứ ba, bổ sung danh mục và kế hoạch vốn của 1 dự án sử dụng vốn theo cơ chế đặc thù với mức vốn 100.000 triệu đồng.

Thứ tư, bổ sung danh mục và kế hoạch vốn của 1 dự án sử dụng nguồn vốn huy động, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân với mức vốn 13.000 triệu đồng.

Thứ năm, bổ sung danh mục và kế hoạch vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã, gồm: Bổ sung danh mục và kế hoạch vốn hỗ trợ đặc thù thuộc vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn 1 dự án, với mức vốn 500 triệu đồng; bổ sung danh mục và kế hoạch vốn cho 134 dự án hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho 14 huyện đã được HĐND TP quyết nghị tại Nghị quyết 08/NQ-HĐND ngày 4/12/2018; mức vốn 1.626.700 triệu đồng.

Thứ sáu, bổ sung nguồn vốn cho quỹ phát triển đất ủy thác qua Quỹ Đầu tư phát triển TP để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn GPMB 1.000.000 triệu đồng.

Thứ bảy, chấp thuận phương án cân đối nguồn vốn 3.464.500 triệu đồng cho nhu cầu bổ sung vốn năm 2019.