Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Lộ diện 19 tập đoàn, tổng công ty lớn có thể về 'siêu Uỷ ban'

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lộ diện 19 tập đoàn, tổng công ty lớn có thể về 'siêu Uỷ ban'; Bộ Tài chính công bố cắt một nửa số điều kiện kinh doanh; Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm 14 ngân hàng Việt... là nội dung chú ý tuần qua.

Lộ diện 19 tập đoàn, tổng công ty lớn có thể về 'siêu Uỷ ban'
 
Theo dự thảo lần hai Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, số tập đoàn, tổng công ty chuyển về cơ quan này quản lý là 19, giảm 2 so với dự kiến trước đây. Hai doanh nghiệp là Tổng công ty Viễn thông VTC và Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long sẽ không còn nằm trong diện "siêu Ủy ban" quản lý.
Với quyết định trên, khoảng 1,5 triệu tỷ đồng tổng tài sản và 820.000 tỷ đồng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ sẽ được đưa vào thị trường theo đúng cam kết.
Trong 19 đơn vị trong diện quản lý của Siêu Ủy ban theo dự thảo mới có Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Trực thuộc Ủy ban vốn, SCIC vẫn tiếp tục là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh.
18 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thông tin & Truyền thông và Giao thông & Vận tải.
Trong số này có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
11 tổng công ty còn lại gồm Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2, ông Nguyễn Hoàng Anh -cựu Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng giữ chức Chủ tịch. Uỷ ban này là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Cũng theo dự thảo này, việc chuyển giao quyền, trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải đảm bảo thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ và cụ thể; có kế thừa; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; tiến độ thực hiện lộ trình sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp... Thời điểm chuyển giao và việc lập hồ sơ chuyển giao là khi doanh nghiệp lập báo cáo tài chính quý, năm.
Bộ Tài chính công bố cắt một nửa số điều kiện kinh doanh
 
Theo thông tin vừa được Bộ Tài chính công bố, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Theo phương án này, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 51,4% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính; sửa đổi, bổ sung 16 Nghị định thuộc nhiều lĩnh vực gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán, thẩm định giá, hải quan, kế toán, kiểm toán, kinh doanh xổ số, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ưu tiên xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được áp dụng các quy định thuận lợi hơn về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách nhanh chóng, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Theo đó, đối với lĩnh vực kế toán, bãi bỏ 03 điều kiện đối với cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Điều 30 Nghị định 174/2016/NĐ-CP như điều kiện không vi phạm về hoạt động kinh doanh kế toán tại nơi doanh nghiệp nước ngoài đóng trụ sở chính; điều kiện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kế toán viên hành nghề tại Việt Nam; điều kiện không bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam trong thời gian 12 tháng.
Đối với kinh doanh dịch vụ kiểm toán, bãi bỏ điều kiện tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 17/2012/NĐ-CP, theo đó người đại diện phần vốn góp của tổ chức tại Công ty TNHH kiểm toán sẽ không cần điều kiện là kiểm toán viên hành nghề.
Đối với điều kiện của tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, giảm điều kiện về thời gian hoạt động kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán tối thiểu từ 36 tháng còn 24 tháng; bỏ điều kiện yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm toán được tối thiểu 20 đơn vị có lợi ích công chúng hàng năm; bỏ các quy định yêu cầu về hệ thống kiểm soát chất lượng, thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khi cấp phép mà chuyển sang hậu kiểm.
Đối với điều kiện kinh doanh bảo hiểm, bãi bỏ các điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng khi thành lập như quy định phải có Điều lệ công ty; có Quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đối với tổ chức Việt Nam thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, dự thảo Nghị định bãi bỏ điều kiện là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, để mở rộng các đối tượng là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác cũng có thể tham gia thành lập doanh nghiệp bảo hiểm.
Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm 14 ngân hàng Việt
 
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s vừa điều chỉnh xếp hạng và triển vọng tín dụng cho 14 ngân hàng Việt. Theo đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) được nâng xếp hạng nhà phát hành và xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng ngoại tệ, nội tệ.
Với xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA), các nhà băng có cải thiện là Vietinbank, BIDV, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng Phát triển Nhà TP HCM (HDBank) và Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Trong khi đó, Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) được nâng xếp hạng tiền gửi bằng ngoại tệ dài hạn.
Moody’s cũng nâng xếp hạng tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn và xếp hạng nhà phát hành cho 5 nhà băng, gồm Ngân hàng An Bình (ABB), Ngân hàng Liên Việt, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank).
Triển vọng xếp hạng nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ và nội tệ, cũng như triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ của 8 ngân hàng - Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABB, Liên Việt, TPBank, VIB và VP Bank được điều chỉnh từ tích cực sang ổn định.
Trước đó vài ngày, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 lên Ba3. Đây là lý do cho động thái nâng xếp hạng hàng loạt ngân hàng sau đó, do tín nhiệm quốc gia ảnh hưởng đến đánh giá của Moody’s về khả năng chính phủ hỗ trợ các ngân hàng trong thời kỳ khó khăn.
Mỗi người Việt gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018
 
Kịch bản về dư nợ công năm 2018 và 3 năm tới được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025.
Theo đó, dự báo về nợ công Việt Nam năm 2018, Bộ Kế hoạch cho biết, nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Trong đó nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỷ đồng (52,5% GDP), nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỷ và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỷ. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,6% GDP.
Dữ liệu dự báo nợ công năm nay được đưa ra dựa trên kịch bản cơ sở với tăng trưởng bình quân 6,53%, tương ứng GDP danh nghĩa 5,53 triệu tỷ đồng và lạm phát dưới 4%. Đây cũng là kịch bản được cơ quan ngành kế hoạch đánh giá "nhiều khả năng xảy ra nhất". Như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm nay, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,3 triệu đồng).
Xét trong cả giai đoạn 2018 - 2020, thì tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 sẽ cao nhất 63,92%, sau đó sẽ giảm nhẹ về 63,46% năm 2019 và 62,58% năm 2020. Các chỉ tiêu này đều nằm dưới ngưỡng trần 64%GDP Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thì nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000 - 380.000 tỷ đồng. Cụ thể, nợ công sẽ tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ vào năm 2019, 2020, tương ứng với GDP các năm này là 6,15 triệu tỷ và 6,85 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách 3 năm tới sẽ lần lượt là 3,71%; 3,59% và 3,4%.
Bộ Kế hoạch cho biết, các dự báo về con số nợ công và kịch bản đưa ra dựa trên cơ sở có tính tới rủi ro của 3 yếu tố là tái cấp vốn với danh mục trái phiếu Chính phủ trong nước, lãi suất và tỷ giá.
Ở khía cạnh rủi ro tái cấp vốn, việc điều chỉnh sẽ kéo dài kỳ hạn phát hành theo các Nghị quyết của Quốc hội sẽ giảm rủi ro tái cấp vốn với danh mục nợ trong nước giai đoạn 2018 – 2020.
Rủi ro lãi suất hiện ở mức thấp do Chính phủ chưa huy động nhiều các khoản vay nước ngoài có lãi suất thả nổi, phát sinh chủ yếu từ yêu cầu đảo nợ ngắn hạn của danh mục nợ trong nước. Tuy nhiên, cơ quan ngành kế hoạch cho rằng, rủi ro này sẽ gia tăng cùng với động thái lãi suất bình quân giảm xuống 6,1% một năm vào 2020, do tỷ lệ các khoản nợ áp dụng lãi suất thả nổi có xu hướng tăng dần.
Còn với rủi ro tỷ giá, diễn biến cơ cấu nợ nước ngoài trên dư nợ Chính phủ ở dưới mức 50% trong 3 năm tới. Đây là xu hướng tích cực, hạn chế rủi ro tỷ giá hối đoái danh mục nợ Chính phủ, phù hợp với mục tiêu chiến lược nợ công và nước ngoài quốc gia.
Dù vậy, trường hợp các đồng tiền ngoại tệ (USD, JPY, EUR) biến động bất lợi trong tương lai cùng việc điều chỉnh tỷ giá mạnh của Ngân hàng Nhà nước có thể làm tăng chi phí trả nợ và giá trị danh nghĩa các khoản nợ nước ngoài theo đồng Việt Nam.
Bộ Kế hoạch đánh giá, giai đoạn 2018 – 2020 Việt Nam vẫn cần tranh thủ, tận dụng vốn ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương. Song, việc huy động và sử dụng cần được xem xét trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư công, hạn mức vay nợ và khả năng cân đối trả nợ của ngân sách; cũng như xem xét, đánh giá tác động đến giai đoạn sau 2021 - 2025 để đảm bảo định hướng giảm dần bội chi, nợ công, chủ trương tái cơ cấu đầu tư công và khả năng cân đối nguồn trả nợ của các cấp ngân sách.
Cần nghiên cứu cơ chế để doanh nghiệp vay nguồn vốn của WB, ADB và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác mà không cần bảo lãnh Chính phủ... cho các dự án năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu.