Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Sẽ siết chặt tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang tin

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020: Sẽ siết chặt tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang tin tổng hợp; Flappy Bird lọt top 25 ứng dụng có ảnh hưởng nhất thập kỷ; Vietnam Airlines cấm vận chuyển pin Lithium trên mọi chuyến bay... là nội dung chú ý tuần qua.

Năm 2020: Sẽ siết chặt tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang tin tổng hợp
 Ảnh minh họa
Bộ TT&TT tuần qua đã có công văn gửi Sở TT&TT các tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương về định hướng công tác thanh tra chuyên ngành TT&TT năm 2020.
Theo đó, đối với việc xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2020, Bộ TT&TT đề nghị các Sở TT&TT căn cứ vào nguồn lực hiện có và tình hình, đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương để xác định số lượng cuộc thanh tra có thể thực hiện trong năm, lĩnh vực cần chú trọng để xây dựng kế hoạch thanh tra, đảm bảo tỷ trọng số cuộc thanh tra theo kế hoạch chiếm 65% và cần nắm bắt thông tin để thực hiện khoảng 35% số cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.
Cùng với đó, các Sở TT&TT cũng được đề nghị tập trung thanh tra các vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội như: Buôn lậu,vận chuyển hàng cấm qua đường bưu chính; Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí, tình trạng sách nhiễu doanh nghiệp; Tình trạng báo hóa tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; Hoạt động liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản; Quảng cáo lừa đảo, sai sự thật;
Cuộc gọi rác, tin nhắn rác, SIM rác; Công tác đảm bảo an toàn thông tin cho người sử dụng của các mạng xã hội; Việc tuân thủ các tiêu chuẩn, kỹ thuật về an toàn cho các hệ thống thông tin; Đảm bảo kết nối trục liên thông văn bản quốc gia từ tỉnh, thành phố xuống quận, huyện.
Các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chủ động trao đổi, phối hợp với các Cục chuyên ngành thuộc Bộ TT&TT để triển khai hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm.
Về cách thức triển khai nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, văn bản của Bộ TT&TT định hướng công tác thanh tra chuyên ngành TT&TT năm 2020 hướng dẫn rõ, các Sở TT&TT cần tăng cường đẩy mạnh hoạt động giám sát, tận dụng các nguồn lực, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật của các Cục thuộc Bộ nhằm phát hiện các dấu hiệu vi phạm để chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời; xử lý nghiêm đối với những trường hợp đã được nhắc nhở, cảnh báo đến lần thứ hai nhưng vẫn cố tình tiếp tục vi phạm.
Các Sở TT&TT cũng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm có tác động, ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với xã hội, gây thiệt hại cho người dân.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo các sai sót, vi phạm đã được chỉ ra tại kết luận phải được tuân thủ và khắc phục triệt để.
Bên cạnh đó, các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng được đề nghị gửi về Bộ TT&TT kế hoạch thanh tra hàng năm của Sở. Khi thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra cần đảm bảo đúng thành phần, đúng điều kiện, thủ tục quy định.
Flappy Bird lọt top 25 ứng dụng có ảnh hưởng nhất thập kỷ
 Ảnh minh họa
Trang công nghệ Mỹ Cnet đã bình chọn ra 25 ứng dụng có nhiều ảnh hưởng nhất trong một thập kỷ qua (2010 - 2019). Trong danh sách này có Flappy Bird - tựa game do lập trình viên người Việt Nguyễn Hà Đông phát triển.
Còn nhớ, Flappy Bird được phát hành vào năm 2013, nhưng hầu như không được biết tới cho đến khi đầu năm 2014. Chính Nguyễn Hà Đông - “cha đẻ” của tựa game cũng thú nhận rằng anh không biết tại sao Flappy Bird - một tựa game vô cùng đơn giản và không mất quá nhiều công sức để lập trình, lại thành công tới vậy.
Vào thời kỳ “đỉnh cao”, Flappy Bird từng được tải đến 2 - 3 triệu lượt mỗi ngày. Trong một phỏng vấn hồi năm 2017, Hà Đông tiết lộ rằng Flappy Bird đã được chơi hơn 20 tỷ lần trong tháng 2/2014 và được tải xuống hơn 90 triệu lần trên App Store và Google Play.
Nguyễn Hà Đông sinh năm 1985. Anh bắt đầu lập trình game từ năm 16 tuổi. Năm 2012, anh thành lập GEARS Studios và bắt đầu xuất bản các trò chơi dạng arcade trên điện thoại thông minh, phần lớn được thiết kế riêng cho iPhone.
Một số nguồn tin khi đó cho rằng Flappy Bird đem về cho nhà phát triển game trẻ tuổi này khoảng 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) mỗi ngày từ quảng cáo.
Ngoài Flappy Bird, Top 25 ứng dụng của Cnet còn có những tên tuổi nổi tiếng trong ngành công nghệ như Facebook, Instagram, Pokemon Go...
Danh sách 25 ứng dụng ảnh hưởng nhất trong 10 năm qua, theo bình chọn của Cnet (thứ tự được xếp ngẫu nhiên): Instagram; Twitter; Facebook; Tinder/Grindr/Bumble; Google Maps/Apple Maps; Spotify; Slack; Uber/Lyft.
Vietnam Airlines cấm vận chuyển pin Lithium trên mọi chuyến bay
 Ảnh minh họa
Vietnam Airlines cho biết, hãng cấm vận chuyển trên tàu bay dưới mọi hình thức: pin Lithium bị hư hỏng hoặc nằm trong danh sách bị triệu hồi bởi nhà sản xuất; các thiết bị điện tử sử dụng pin Lithium bị hư hỏng.
Các thiết bị điện tử sử dụng pin Lithium không bị hư hỏng nhưng nằm trong danh sách bị triệu hồi bởi nhà sản xuất chỉ được phép mang dưới dạng hành lý xách tay và tắt nguồn, cấm vận chuyển dưới dạng hành lý và hàng hóa ký gửi.
Các thiết bị điện tử sử dụng pin Lithium hư hỏng hoặc nằm trong danh sách bị triệu hồi bởi nhà sản xuất, nhưng đã được thay pin bởi nhà sản xuất và không nằm trong danh sách bị triệu hồi thì không bị cấm vận chuyển.
Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách lưu ý và tuân thủ quy định nêu trên để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Hành khách mang theo thiết bị điện tử có sử dụng pin Lithium nằm trong danh sách bị nhà sản xuất triệu hồi dưới dạng hành lý xách tay phải tắt nguồn thiết bị trước khi lên tàu bay và trong toàn bộ thời gian bay.
Hành khách cần thông báo ngay cho tiếp viên hàng không khi phát hiện các thiết bị có dấu hiệu hỏng hóc, nóng, tạo khói, bị mất hoặc rơi vào cấu trúc ghế trên tàu bay.
Vietnam Airlines cũng cho biết hãng đã phối hợp với các bên liên quan để xây dựng quy trình kiểm soát, câu hỏi an ninh đối với hành khách khi làm thủ tục lên tàu bay để đảm bảo thực hiện quy định. Hành khách cố ý làm trái quy định có thể bị từ chối vận chuyển và xử phạt theo quy định.
Việc Vietnam Airlines triển khai cấm vận chuyển pin Lithium và thiết bị điện tử sử dụng pin Lithium ảnh hưởng tới an toàn bay trên tất cả chuyến bay của hãng kể từ ngày 15/11/2019 là thực hiện theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam tại Chỉ thị 4721 ngày 28/10/2019.
Chỉ thị 4721 của Cục Hàng không Việt Nam cho hay, căn cứ công tác đánh giá rủi ro an toàn của Cục về việc vận chuyển bằng đường hàng không đối với pin Lithium bị hư hỏng hoặc bị triệu hồi bởi nhà sản xuất và các thiết bị sử dụng pin Lithium, đồng thời nhằm đảm bảo an toàn đối với hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam ban hành Chỉ thị cấm vận chuyển pin Lithium và thiết bị điện tử sử dụng pin Lithium ảnh hưởng tới an toàn bay, với đối tượng áp dụng là tất cả các hãng hàng không Việt Nam và các hãng hàng không nước ngoài đi và đến Việt Nam.
Các nhà mạng phải tăng cường dùng chung hạ tầng viễn thông
 Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường dùng chung hạ tầng viễn thông như: nhà trạm viễn thông, cột ăng-ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Tại Chỉ thị 52 về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông mới được ban hành, Bộ TT&TT cho biết, những năm gần đây, sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của thị trường viễn thông, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông nhanh trong khu vực và trên thế giới. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã được xây dựng cơ bản khá đồng bộ.
Tuy nhiên, công tác quản lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vẫn còn hạn chế, nhất là trong việc chia sẻ, sử dụng chung các công trình hạ tầng viễn thông thụ động. “Việc các doanh nghiệp viễn thông thiếu chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông, mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân”, Bộ TT&TT nhận định.
Để tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, Chỉ thị 52 của Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông được yêu cầu triển khai việc chia sẻ, sử dụng chung trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan, quy hoạch hạ tầng kĩ thuật viễn thông thụ động của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xây dựng kế hoạch phát triển cột ăng-ten, cống bể cáp, cột treo cáp và nhà trạm viễn thông của doanh nghiệp theo từng tỉnh, thành phố; định kỳ hàng năm (trong quý IV) báo cáo các Sở TT&TT để tập hợp, quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và phương án sử chung hạ tầng tại địa phương.
Trong đó, với các doanh nghiệp viễn thông di động, nhiệm vụ Bộ TT&TT yêu cầu tập trung là trao đổi, thống nhất một số mẫu thiết kế các loại cột ăng-ten bảo đảm các yêu cầu về an toàn xây dựng, mỹ quan đô thị và tăng cường khả năng sử dụng chung; tối ưu hóa tải trọng, dung lượng cả các cột ăng-ten và nhà trạm viễn thông đã xây dựng để có thể chia sẻ, sử dụng chung.
Tại Chỉ thị 52, Bộ TT&TT còn yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tham dự các buổi làm việc do Sở TT&TT tổ chức định kỳ 6 tháng/ lần vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm để trao đổi kế hoạch phát triển cột ăng-ten, cống bể cáp, cột treo cáp, nhà trạm viễn thông theo từng tỉnh, thành phố; đồng thời báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện với các Sở TT&TT, Bộ TT&TT (Cục Viễn thông) để kịp thời tháo gỡ.