Sự kiện kinh tế tuần: Tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất 10 năm qua

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất 10 năm qua; Giá xăng dầu tiếp tục tăng; Techcombank "chào sàn" HoSE với vốn hóa lên đến 6,5 tỷ USD... là nội dung chú ý tuần qua.

Tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất 10 năm qua

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV sáng 21/5, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018.
Phó thủ tướng cho hay, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt trên 1% so với kế hoạch; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% trong khi kế hoạch là 4%; xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...
Với đà tăng của năm 2017, 4 tháng đầu năm 2018 kinh tế xã hội đã đạt kết quả khả quan. Tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38%, mức cao nhất 10 năm qua. Nổi bật là cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 4,05%; 9,7% và 13,56%.
Trong 4 tháng có trên 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 11.000 hoạt động trở lại với tổng vốn đăng ký, bổ sung đạt hơn 1,16 triệu tỷ đồng. Nợ xấu được kiểm soát mức 2,18% đến cuối tháng 3.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Chính phủ, vẫn còn nhiều hạn chế đang cản đường phát triển kinh tế xã hội đất nước. "Chúng ta đã làm và nỗ lực xử lý được nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục dành thời gian, nguồn lực và tập trung khắc phục", ông Trương Hoà Bình nói.
Những điểm nghẽn của nền kinh tế được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra, kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc; mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát; cân đối ngân sách Trung ương khó khăn...
Đáng chú ý là phát triển doanh nghiệp tăng chậm lại, số doanh nghiệp thành lập mới quý I chỉ tăng 1,2% (quý I/2016 tăng 24,8%; quý I/2017 tăng 11,4%); 4 tháng tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2017 tăng 14%); doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp...
Trước những thách thức, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó đầu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể như, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước; phấn đấu bội chi dưới 3,7% GDP.
Chính phủ cam kết cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh; thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở...
Về phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng
 
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông báo về việc điều hành giá xăng dầu vào chiều 23/5. Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường điều chỉnh như sau:
Xăng E5 RON92 tăng 500 đồng/lít; Xăng RON95-III: tăng 600 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 587 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 523 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 678 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 19.940 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 21.511 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 17.694 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 16.440 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.437 đồng/kg.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết, do tình hình bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông và sụt giảm nguồn cung dầu từ Venezuela, giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng rất cao.
Nếu như giá thành phẩm thế giới xăng RON 92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON 92) cao nhất trong 15 ngày của kỳ điều hành giá xăng dầu lần trước là 81,890 USD/thùng (ngày 07 tháng 5 năm 2018) thì giá thành phẩm thế giới xăng RON 92 cao nhất trong 15 ngày của kỳ điều hành giá xăng dầu lần này là 89,780 USD/thùng (ngày 22 tháng 5 năm 2018).
Đây cũng là mức giá thành phẩm thế giới xăng RON 92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON 92) cao nhất trong vài năm trở lại đây.
Tại kỳ điều chỉnh trước đó, ngày 8/5, Liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng đã đồng loạt tăng giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường.
Theo đó, xăng E5 RON92 tăng 508 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 411 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 373 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 336 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 399 đồng/kg.
Techcombank "chào sàn" HoSE với vốn hóa lên đến 6,5 tỷ USD
 
Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) vừa thông báo về kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vào ngày 4/6 tới.
Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết là 1.165.530.720 cổ phần với giá niêm yết tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng/cổ phần. Trước đó, hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông đã được bán thành công cho các quỹ đầu tư trên thế giới, với giá trị thị trường của ngân hàng đạt 6,5 tỷ USD.
Theo tính toán sơ bộ, với giá 128.000 đồng/cổ phần, Techcombank lên sàn sẽ có vốn hóa 149.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD, cao thứ 2 trong số các ngân hàng đã niêm yết, chỉ sau Vietcombank - hiện có vốn hóa hơn 192.000 tỷ đồng. Còn so với 2 ngân hàng BIDV và VietinBank, vốn hóa của Techcombank cao gấp rưỡi.
Nói về về mức giá chào sàn 128.000 đồng/cổ phiếu, đại diện Techcombank cho hay, yếu tố quyết định giá cổ phiếu là giá trị của ngân hàng, Techcombank được định giá 6,5 tỷ USD.
Cầu của nhà đầu tư cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, lượng đăng ký mua cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài là trên 4 tỷ USD, rất cao so với số lượng cổ phiếu của Techcombank. Sau niêm yết, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 1/3 thì giá cổ phiếu sẽ quay về vùng giá khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu.
Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Techcombank đạt 269.392 tỷ đồng. So với các ngân hàng đang niêm yết/đăng ký giao dịch thì Techcombank thuộc nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản cao.
Techcombank đạt kết quả đột phá về kinh doanh với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 8.036 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2016. Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế trên Vốn chủ sở hữu bình quân tăng mạnh và đạt 27,7% - cao nhất trong số các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.
Thép xuất khẩu Việt Nam bị Mỹ áp mức thuế trên 250%
 
Bộ Thương mại Mỹ hôm 21/5 đã đánh thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép của Việt Nam được Bộ này cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc sau khi cho rằng thép Việt Nam đã trốn lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
Cơ quan hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá là 199,76% và thuế chống trợ cấp là 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng chất nền có nguồn gốc Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Bên cạnh đó, thép chịu mài mòn của Việt Nam phải đối mặt với thuế chống bán phá giá là 199,43% và thuế chống trợ cấp là 39,05%.
Bộ này cũng cho biết sẽ áp dụng cùng một tỷ lệ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc đối với thép chịu mài mòn và thép cán nguội từ Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.
Các mức thuế này sẽ được bổ sung vào mức thuế 25% đối với hầu hết thép được nhập khẩu vào Mỹ do kết quả của cuộc điều tra an ninh quốc gia về nhập khẩu thép và nhôm.
Đáng nói, mặc dù việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép Việt đã được thực thi để hạn chế việc Việt Nam sản xuất thép có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng 90% tổng sản phẩm thép của Việt Nam vẫn có nguồn gốc từ nước này, Bộ Thương mại Mỹ cùng các nhà sản xuất Mỹ cho biết.
Trong khi đó, ngành công nghiệp thép toàn cầu đang phải vật lộn vì việc sản xuất dư thừa đã đẩy giá xuống, mà phần lớn nằm ở Trung Quốc.
Quyết định tăng thuế này đã được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu phát hiện rằng các lô hàng thép từ Việt Nam vào EU cũng lách thuế hồi tháng 11 vừa qua.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, sau khi thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với sản phẩm thép của Trung Quốc trong năm 2015, các lô hàng thép cán nguội từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng tới 215 triệu USD mỗi năm từ mức chỉ 9 triệu USD, trong khi nhập khẩu thép chịu mài mòn tăng lên 80 triệu USD từ mức 2 triệu USD.
Theo nhiều nguồn tin, vụ việc bắt đầu phanh phui từ một bản kiến ​​nghị của các nhà sản xuất trong nước ArcelorMittal USA (MT.AS), Tập đoàn Nucor (NUE.N), Tập đoàn thép AK (AKS.N) và Tập đoàn thép Mỹ (X.N) cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu các lô hàng thép đến Việt Nam ngay lập tức sau khi thuế cho thép Trung Quốc được áp dụng.