Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sự kiện kinh tế tuần] Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thông báo khoản nợ khổng lồ của Tổng công ty Sông Đà; Coca-cola bị truy thu hơn 800 tỷ tiền thuế là những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau năm 2020

Tại Hội nghị triển khai Hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ diễn ra chiều 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nên đổi tên Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sau năm 2020 và có thể nghiên cứu các tên gọi như Ủy ban Cải cách Đổi mới hoặc Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển để thấy rõ hết vai trò mới, sứ mệnh mới.

 Thủ tướng tham dự Hội nghị và phát biểu chỉ đạo tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu bật những thành tựu của kinh tế Việt Nam như năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh; vốn FDI thu hút cao kỷ lục 38 tỷ USD; số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt 138.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu hàng loạt vướng mắc, khó khăn và tồn tại mà Bộ cần khắc phục, trong đó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT cần nhanh chóng triển khai Luật Đầu tư để giải quyết các vướng mắc về thể chế, thực hiện; Xây dựng một số luật vẫn còn vướng mắc, cần nhanh chóng hoàn thiện; Công tác quản lý đấu thầu, quản lý đầu tư các dự án đầu tư công còn để tình trạng đấu thầu kéo dài, tham nhũng, đấu thầu kém công khai; Tham mưu một số chính sách có hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng thể chế với các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, nhất là khi thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Đông không bị ảnh hưởng

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết thương mại song phương giữa Việt Nam và Iran giai đoạn 2010 - 2017 ở mức rất thấp và tăng trưởng chậm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm: chè, gạo, tiêu, điều, thủy sản, cao su, thức ăn gia súc; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: chất dẻo, cao su, kim loại thường.

[Sự kiện kinh tế tuần] Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ảnh 2

Xuất khẩu gạo ít bị ảnh hưởng với vận của Hoa Kỳ. nếu Hoa Kỳ áp đặt trở lại các lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran - Ảnh: C.QUỐC

Do đó, việc Mỹ áp đặt trở lại các lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran do các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Iran không nằm trong các mặt hàng dân sinh, không nằm trong danh sách các mặt hàng/lĩnh vực cấm vận của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, ông Tống Hải Nam - cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến lúc này toàn bộ gần 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Trung Đông vẫn an toàn.

Theo ông Nam, với căng thẳng giữa Mỹ và Iran những ngày qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng rất quan tâm, theo dõi sát sao tình hình bởi hiện có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Sông Đà ôm nợ hơn 11.000 tỷ đồng

Thông tin từ Bộ Tài chính, nợ phải trả của Tổng công ty Sông Đà vào cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ.

Nhiều khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty Sông Đà không mang lại hiệu quả - Ảnh: N.M

Cụ thể, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Đà khoảng 2,8 lần. Tình hình công nợ của công ty mẹ Sông Đà chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết.

Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý tới khoản đầu tư tài chính khoảng 1.100 tỷ đồng của Tổng công ty Sông Đà vào Công ty CP Điện Việt Lào. Sông Đà là cổ đông sáng lập Công ty CP Điện Việt Lào, nhưng đến nay công ty này đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bộ Tài chính yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Sông Đà phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, rà soát, cơ cấu lại các khoản nợ, bảo đảm hệ số này không vượt quá 3 lần để giảm rủi ro tài chính. Sông Đà cần có biện pháp cần thiết để thu hồi số nợ phải thu quá hạn để không làm thất thoát, hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước tại tổng công ty.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường công tác giám sát với Sông Đà và chịu trách nhiệm về các nội dung giám sát được phân cấp.

Coca-Cola Việt Nam bị phạt, truy thu thuế hơn 821 tỷ đồng

Ngày 9/1, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Coca-Cola Việt Nam) với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cụ thể, Tổng cục Thuế ra quyết định truy thu thuế với số tiền hơn 471 tỷ đồng với Coca-Cola Việt Nam. Trong đó, số thuế GTGT bị truy thu là hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỷ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16/12/2019. Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, Coca-Cola Việt Nam phải có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau ngày 16/12/2019 đến thời điểm nộp số thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước. Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, qua thanh tra còn giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỷ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002 - 2006) không được chuyển lỗ là hơn 202,3 tỷ đồng. Giảm thuế GTGT còn được khấu trừ (tháng 12/2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỷ đồng.

Tổng Cục Thuế yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, Coca-Cola Việt Nam phải nộp số tiền trên vào ngân sách.

Quá thời hạn trên, Coca-Cola Việt Nam sẽ bị cưỡng chế nếu không chấp hành, Coca-Cola Việt Nam cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này.