Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành tiếp tục lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp
Chiều tối 13/10, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt lãnh đạo các hiệp hội DN trên toàn quốc để tiếp tục lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các DN.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cả nước hiện có 500 hiệp hội DN ngành nghề, hầu hết là thành viên VCCI.
Thời gian qua, các hiệp hội đã làm được nhiều việc rất có ý nghĩa, nhất là tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo và tham gia xây dựng chính sách, xóa đói giảm nghèo.
Nhiều bộ, ngành đã thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên với hiệp hội, DN. Một số bộ, ngành, địa phương đã giao cho hiệp hội DN làm nhiều việc như tổ chức “Cà phê doanh nhân”, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở; thực hiện một số dịch vụ công…
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, một tín hiệu vui mà các DN đón nhận trước thềm “Tết doanh nhân” 13/10 là việc Chính phủ ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW).
Kỳ vọng văn bản này sẽ đem lại ý nghĩa to lớn như “Khoán 10” năm xưa, ông Vũ Tiến Lộc cho biết đây sẽ là niềm động viên, khích lệ to lớn các doanh nhân yên tâm sản xuất kinh doanh, làm giàu cho xã hội và đất nước.
Đề cập đến mục tiêu đạt 1 triệu DN, Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành tiếp tục lắng nghe tiếng nói của DN, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đồng hành với DN trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng mong muốn DN tăng cường nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị; có tầm nhìn chiến lược với những bước đi cụ thể.
Các hiệp hội làm tốt hơn nữa vai trò duy trì đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần “muốn đi xa thì cùng nhau đi”. Cùng với đó đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa DN; quan tâm công tác an sinh xã hội, chia sẻ với người nghèo. Thủ tướng cũng mong muốn kết hợp giữa DN trong nước và DN FDI để cùng phát triển.
Hà Nội tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp
Tối 11/10, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội tổ chức Gala Doanh nhân Thăng Long 2017, hướng tới kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Tới dự buổi lễ có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Phát biểu tại Gala, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chúc mừng các doanh nhân Thủ đô nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian qua, các DN, doanh nhân đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô. Nhiều sự kiện quan trọng của TP đã được các DN, doanh nhân tham gia ủng hộ, hưởng ứng như sửa chữa, xây dựng 8.000 căn nhà cho người có công; chương trình trồng cây xanh; chương trình cấp nước sạch...
“Đây là những việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự đóng góp, trách nhiệm của cộng đồng DN, doanh nhân với Thủ đô. Thay mặt lãnh đạo TP, tôi ghi nhận và biểu dương dương những đóng góp của DN vì sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, cũng như trách nhiệm xã hội” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 10/10/2017, UBND TP Hà Nội phối hợp với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức lễ khai trương Cổng thông tin Hệ sinh thái Khởi nghiệp TP Hà Nội - StartupCity.vn và Không gian khởi nghiệp UP@VPBank.
UBND TP Hà Nội đã xây dựng thành công Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp - StartupCity.vn với mục đích tạo nền tảng trực tuyến kết nối những cơ hội kinh doanh khởi nghiệp một cách đơn giản, tinh gọn và có hệ thống.
Startupcity.vn chính thức đi vào hoạt động sẽ được biết đến như một công cụ hữu ích để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. StartupCity được phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá dự án kêu gọi đầu tư của mình.
StartupCity.vn là dịch vụ công của TP Hà Nội, trực tiếp đóng góp vào Hệ sinh thái Khởi nghiệp của Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác trên khắp cả nước hiện nay. Sự kết nối đơn giản, dễ dàng, minh bạch với thông tin đa dạng, đầy đủ là điều StartupCity hướng đến.
Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển chiều 9/10 đã công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel Kinh tế 2017 là Giáo sư Richard H. Thaler tại Đại học Chicago.
Ông Thaler được mô tả là người đi tiên phong trong việc kết hợp giữa tâm lý học và kinh tế. Công trình nghiên cứu của ông được đánh giá là đã mở đường cho một lĩnh vực mới trong kinh tế học.
Công trình nghiên cứu của Giáo sư Thaler đã chỉ ra cách thức tâm lý học ảnh hưởng tới kinh tế học, từ đó giải thích cho các hành vi trong kinh tế học. Những đóng góp của ông trong ngành kinh tế học hành vi đã được Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển ghi nhận.
Giáo sư Thaler cũng khởi động một chương trình có tên gọi “Tiết kiệm nhiều hơn cho ngày mai” với mục đích giúp mọi người đưa ra các quyết định tài chính cá nhân dựa tên các kế hoạch dài hạn. Theo ông Thaler, các tác nhân kinh tế thực chất chính là con người, do vậy các mô hình kinh tế phải gắn liền với con người.
Giải Nobel Kinh tế năm 2016 thuộc về hai nhà kinh tế học Oliver Hart và Bengt Holmstrom vì những đóng góp toàn diện khi phân tích nhiều vấn đề trong thiết kế hợp đồng, như mức thanh toán dựa trên phần công việc cho các vị trí lãnh đạo, tiền khấu trừ và các bên cùng thanh toán bảo hiểm… Ông Hart là giáo sư kinh tế tại Đại học Havard (Mỹ) còn ông Holmstrom là giáo sư kinh tế và quản lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).