Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Tỉnh Nghệ An gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt sai sót của Tổng Công ty Sông Đà; Sẽ đưa thêm 5 thành tố tính vào GDP năm 2020; Sai phạm hàng chục triệu USD ở dự án Gang thép Thái Nguyên;... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư tại Nghệ An

Chiều 23/2, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi - 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự và chỉ đạo Hội nghị.

Sự kiện kinh tế tuần: Tỉnh Nghệ An gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Về tổng thể, thời gian qua tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn thay đổi tư duy, áp dụng cách làm mới mang tính đột phá trong xúc tiến đầu tư. Về các nhiệm vụ cụ thể, trong năm 2019, tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện thí điểm một số cải cách và biện pháp theo tinh thần "chính quyền kiến tạo và phục vụ", thực hiện “Năm cải cách hành chính”, bao gồm 3 nhiệm vụ. Trong đó, trọng tâm là nỗ lực xây dựng sự bình đẳng với tất cả nhà đầu tư, nhất là trong tiếp cận đất đai. Thể hiện tinh thần đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý, để đất đai luôn sẵn sàng trong công cuộc kiến thiết và phát triển của Tỉnh; kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: "Chính các Nhà đầu tư đã góp phần tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ cho Nghệ An trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng chính là thước đo phản ánh khách quan nhất môi trường đầu tư của Nghệ An, giúp Tỉnh nhận thấy rõ những gì mình đã làm được và chưa làm được cần phải thay đổi".

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì môi trường đầu tư của tỉnh Nghệ An vẫn còn tồn tại những vấn đề chưa đạt như kỳ vọng như: Xử lý thủ tục còn chậm, thẩm định dự án và hướng dẫn nhà đầu tư có khi còn chung chung, thủ tục còn có chỗ chưa rõ ràng, quan điểm các sở ban ngành có khi không đồng nhất, tiếp cận đất đai còn gặp khó khăn… Theo Chủ tịch UBND tỉnh chính những tồn tại này, là lực cản khiến Nghệ An chưa phát huy hết tiềm năng của mình.

"Trong năm 2019, sẽ phục vụ các nhà đầu tư trên tinh thần “chính quyền kiến tạo và phục vụ”. Chủ động xây dựng các công cụ để thực hiện mục tiêu, đó là đất đai dễ tiếp cận, cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành. Chủ động hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp, xem việc hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp là nghĩa vụ của chính quyền" - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Trước hơn 700 đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đưa ra cam kết: “Nghệ An quyết tâm phát triển mạnh mẽ về mọi mặt để trở thành một tỉnh công nghiệp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nghệ An sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem sự thành công của doanh nghiệp là thước đo về sự hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền; cam kết dành nguồn lực tương xứng để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó”.

Hội nghị cũng đã ghi nhận ý kiến của các chuyên kinh tế, doanh nghiệp, các nhà đầu tư để Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu nâng cao khả năng thu hút đầu tư.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây không chỉ là cuộc gặp mặt mà còn là sự kết nối giữa các nhà đầu tư với tỉnh nhà Nghệ An. Những con “sếu”, “đại bàng” kinh tế của Việt Nam, và thế giới đã về đây.

Ghi nhận những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đã đạt được về kinh tế - xã hội, đồng thời Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nghệ An cần phải tăng gấp đôi nền kinh tế đến năm 2025, chắc chắn địa phương sẽ đạt được. Kỳ tích sông Lam cần phải khát vọng. Năm 2018, Nghệ An đạt nhiều kết quả về kinh tế xã hội, nhiều tiềm năng 8,7%, cao hơn mức bình quân cả nước.

Thế xứ Thanh, Thành xứ Nghệ đó là những vùng đất địa linh nhân kiệt. Thanh - Nghệ - Tĩnh phải là cực tăng trưởng mạnh của Việt Nam. Mong Nghệ An là nơi đất lành chim đậu, thu hút doanh nghiệp lớn về sản xuất, đầu tư kinh doanh. Vì vậy, tĩnh Nghệ An phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Tại Hội nghị, tỉnh Nghệ An trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án với tổng mức đầu tư 7.703 tỷ đồng và 18 dự án ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 14.274 tỷ đồng.

Dịp này, tỉnh Nghệ An tặng hoa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn thành dự án năm 2018, chuẩn bị triển khai dự án trong năm 2019 và tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 15 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động đầu tư năm 2018.

Chính phủ kỳ vọng thị trường chứng khoán phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững

Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2019.

Sự kiện kinh tế tuần: Tỉnh Nghệ An gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi - Ảnh 2
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phát biểu tại hội nghị, đồng tình với các nhận định năm 2018 là một năm vượt khó và thành công của TTCK Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra nguyên nhân là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của các thành viên thị trường, vai trò điều phối của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết củng cố và tăng cường hơn nữa ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của các chủ thể thị trường với tầm nhìn tới năm 2045, trong đó có thị trường vốn - chứng khoán. Thứ hai, Chính phủ cam kết duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng, muốn TTCK, các nhà đầu tư, các DN đã niêm yết hay chưa niêm yết chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu này.

Với TTCK, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể với tham vọng là cơ cấu lại và phát triển TTCK trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025 chứ không phải “ăn đong” từng năm.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) để tạo khung khổ pháp lý cho TTCK phát triển trở thành kênh huy động vốn trung - dài hạn, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế, tạo ra sự phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững, chuyên nghiệp tiếp cận thông lệ quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các DN, nhà đầu tư tích cực góp ý giúp Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện luật ở các nội dung quan trọng như bổ sung phạm vi điều chỉnh cả công cụ chứng khoán phái sinh, trái phiếu Chính phủ, thí điểm TTCK chuyên biệt cho Start-up phát triển.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán phát triển thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết năm 2020 tăng ít nhất 12% so với 2017, nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay chỉ 2,2%).

Cơ cấu lại nhà đầu tư, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường để tạo ra sự chuyên nghiệp. Cơ cấu lại thị trường với các giải pháp ngay trong năm nay như sớm thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo lộ trình mà Thủ tướng đã phê duyệt nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, bảo đảm thông suốt, ổn định cho các hoạt động của nhà đầu tư.

Hoàn thành và đưa vào hệ thống thông tin mới, hoạt động đồng bộ tại sở chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán; nghiên cứu khả năng từng bước áp dụng chuỗi công nghệ blockchain cho một số mảng thị trường và một số công đoạn của quá trình giao dịch, thanh toán, nâng cao tính toàn vẹn, minh bạch của dữ liệu nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra các giải pháp cơ cấu lại thị trường như nghiên cứu áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh và quy định trong luật; nghiên cứu mô hình vay và cho vay chứng khoán trên cơ sở phù hợp với năng lực tài chính khả năng quản trị rủi ro của các tổ chức liên quan; phát triển các hệ thống nhà tạo lập thị trường ở cả thị trường sơ cấp và quốc tế; nâng cao năng lực quản lý giám sát và thực thi...

Phó Thủ tướng nhắn gửi: “Dù là DN đại chúng hay DN chưa niêm yết, hãy cùng nắm tay nhau để đi xa và về đích theo mục tiêu Chính phủ kỳ vọng về TTCK phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, an toàn”.

Kết luận thanh tra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Theo đó, TISCO (chủ đầu tư), Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC - nhà thầu), Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS - đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO), Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có hàng loạt khuyết điểm, sai phạm.
Sai phạm hàng chục triệu USD ở dự án Gang thép Thái Nguyên
Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421 tỉ đồng (tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là gần 3.900 tỉ đồng, hiện phải trả lãi vay trên 40 tỉ đồng/tháng). Trong đó, TISCO đã thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.
TISCO đã thanh toán tiền thuế thay MCC, chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị gần 12 triệu USD vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là gần 39 triệu USD. Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.
Thanh tra Chính phủ khẳng định TISCO thành lập ban quản lý dự án không đủ năng lực, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu không đúng quy định; lập, trình xin phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC từ hơn 143 triệu USD lên gần 161 triệu USD không đúng quy định…
TISCO đã ký hợp đồng với MCC không chặt chẽ, không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện, không quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, không phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ tiến độ tổng thể của dự án; quản lý dự án không đúng quy định gây bất lợi cho TISCO, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án; gây thất thoát vốn đầu tư, không đúng hợp đồng.
TISCO còn ký các phụ lục thỏa thuận với MCC, trong đó có việc tiếp nhận nhiều máy móc, thiết bị không đúng quy cách, chủng loại, sai xuất xứ, tên nhà cung cấp, thông số kỹ thuật…
Thanh tra cũng cho là Tập đoàn MCC không thực hiện các điều khoản đã cam kết; chậm bàn giao thiết kế cơ sở; chậm bàn giao thiết bị, cung cấp nhiều máy móc, thiết bị không theo hợp đồng…
Từ những cơ sở trên, tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo VNS và TISCO thu hồi tiền thuế TISCO đã nộp thay và gần 50 triệu USD khác.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị xử lý việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỉ đồng không có cơ sở, không đúng quy định. Đồng thời, giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các bộ liên quan theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại kết luận thanh tra.
Thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự (Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an) đối với các vi phạm của lãnh đạo và cán bộ TISCO.
Hàng loạt sai sót của Tổng Công ty Sông Đà
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đối với Tổng công ty Sông Đà năm 2017, tính đến 31/12/2017, Tổng công ty Sông Đà và các công ty có liên quan có dư nợ phải thu 10.786 tỉ đồng, trong đó số quá hạn 1.907 tỉ đồng.
 Hàng loạt sai sót của Tổng Công ty Sông Đà
KTNN cho biết công ty gặp phải khó khăn trong việc thu hồi nợ, do các trong trình xây lắp thi công kéo dài nhiều năm, chậm quyết toán, chậm thanh toán; chủ yếu do Tổng công ty làm thầu chính (trong đó có nhiều dự án như thủy điện Nậm Chiến, Điện Xekaman 3, Điện Xekaman 1, Thủy điện Đồng Nai, tòa nhà Quốc hội...
Trong nợ quá hạn 1.907 tỉ đồng thì phải thu khó đòi 305 tỉ đồng, số nợ phải thu chưa được đối chiếu xác nhận 621 tỉ đồng. KTNN cho biết, một số đơn vị có tỷ lệ đối chiếu nợ phải thu thập, phân lại nợ phải thu khách hàng theo ngắn hạn và dài hạn chưa chính xác. Một số khoản nợ có số dư lớn, trên ba năm chưa thu hồi được.
Công ty chưa kịp thu hồi các khoản cho vay vốn lưu động theo hợp đồng tín dụng ngắn hạn, với giá trị tính đến hết năm 2017 là 1.932 tỉ đồng. Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 3.225 tỉ đồng chưa phù hợp với quy định.
Về việc quản lý hàng tồn kho, nhiều dự án nhà máy thủy điện đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại nhưng chưa được thanh quyết toán dẫn đến tồn đọng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang kéo dài. (Hàng tồn kho tính đến hết năm 2017 của Tổng công ty Sông Đà là 3.072 tỉ đồng).
KTNN cũng lưu ý đến việc ghi nhận nguyên giá tài sản cố định, trích khấu hao chưa phù hợp quy định. Ghi nhận phí ủy thác vào giá trị vốn góp của khoản đầu tư chưa phù hợp, phần lớn khoản đầu tư tài chính vào công ty con không hiệu quả, trích lập dự phòng đầu tư tài chính cũng chưa phù hợp…
Ngoài ra, báo cáo cho biết, tổng công ty quản lý, sử dụng 46 khu đất với tổng diện tích hơn 64,3 triệu m2, trong đó có 44 khu đất được giao để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của Tổng công ty và các đơn vị phụ thuộc. Ngoài ra còn có 2 khu đất được giao để thực hiện dự án khu dân cư.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, về cơ bản, các đơn vị được kiểm toán đã quản lý, sử dụng đất đai, nộp tiền sử dụng đất và trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định. Công ty mẹ đang tiến hành các thủ tục bàn giao quyền quản lý và sử dụng đối với diện tích 263m2 tại cơ sở II Hà Đông do không còn nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại và yêu cầu Tổng công ty chấn chỉnh công tác quản lý đất đai tại hàng loạt khu đất.
Cụ thể, Tổng công ty chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý để thuê khu đất diện tích 2.193m2 tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Hồ sơ pháp lý của khu đất này còn thiếu quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, quyết định phê duyệt giá… nên từ năm 2006 đến nay công ty tạm nộp tiền thuê đất theo mức giá thuê tạm tích 10.500 đồng/m2.
Bên cạnh đó, Sông Đà cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với các khu đất diện tích 2.163m2 tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Khu đất này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho CTCP Sông Đà Thăng Long thực hiện dự án Khu nhà ở Văn Khê; CTCP Sông Đà 6 là đơn vị đầu tư thứ cấp và ký hợp đồng mua bán với CTCP Sông Đà Thăng Long để đầy tư xây dựng tại khu đất này. Theo báo cáo của CTCP Sông Đà 6, do thiếu văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hà Tây (nay đã sát nhập về TP. Hà Nội) nên Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chưa chấp nhận hồ sơ.
Tổng công ty cũng chưa được gia hạn thuê đất đối với khu đất diện tích 68.087,3m2 để xây dựng tuyến đường vận hành VH1 - Công trình Nhà máy thuỷ điện Nậm He. Khu đất có địa chỉ tại xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã hết hạn thuê từ tháng 12/2012, Công ty đang quản lý làm Văn phòng công ty.
Một trong những tồn tại được nhắc đến nữa là, Tổng công ty chưa được điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 135.879,8m2 đất của khu đất xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Nậm He. Với khu đất này, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã có quyết định ngày 18/12/2012 về việc thu hồi và giao đất cho BQL các dự án giao thông trọng điểm tỉnh để đầu tư xây dựng công trình khác.
Đáng lưu ý, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Sông Đà kê khai thiếu tiền thuê đất 41 triệu đồng và chưa phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện bàn giao diện tích 3.448,9m2 đất tại phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình và ký lại hợp đồng thuê đất theo quy định.
Khu đất diện tích 770,7m2 tại phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình mới có thông báo của cơ quan thuế Hoà Bình về tiền thuê đất bổ sung nhưng chưa có hợp đồng điều chỉnh diện tích đất thuê thay đổi và chưa phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện bàn giao 3.448,8m2 đất không còn nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, tại báo cáo lần này, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu Tổng công ty Sông Đà chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng tại Dự án Khu đô thị Hồ Xương Rồng, thành phố Thái Nguyên.
Theo đó, Tổng công ty phải phối hợp với các đơn vị có liên quan (tư vấn giám sát, nhà thầu thi công) hoàn tất thủ tục, hồ sơ theo quy định làm cơ sở quyết toán những nội dung chưa đủ điều kiện thanh, quyết toán. Đồng thời, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những tồn tại thiếu sót trong công tác lập, thẩm định, quyết định đầu tư, thiết kế, lập dự toán, nghiệm thu thanh quyết toán.
Sẽ đưa thêm 5 thành tố tính vào GDP năm 2020
Năm 2019 sẽ hoàn thiện danh mục các hoạt động khu vực kinh tế chưa được quan sát được và năm 2020 sẽ đưa 5 thành tố vào tính toán GDP. Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã thông tin như vậy tại buổi họp báo ngày 20/2.
 Ảnh minh họa.
Theo đề án, phạm vi của khu vực kinh tế chưa quan sát được gồm có 5 thành tố cơ bản, bao gồm:
Hoạt động kinh tế ngầm là hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội.
Hoạt động kinh tế bất hợp pháp là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép.
Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa quan sát được, là bộ phận kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh. .

Hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của gia đình đó.
Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê là hoạt động kinh tế lẽ ra phải được thu thập thông tin biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê khác, nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập thônng tin đó.
Để thực hiện đề án, ông Lâm cho biết sẽ khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết, toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế; loại hình sở hữu; ngành nghề lĩnh vực và địa bàn..., từ đó xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa quan sát được.
Sẽ xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quân sát, đảm bảo toàn diện, khả thi và phù hợp.
Các hình thức được sử dụng như điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thong tin. Cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có...
Đồng thời sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách quản lý kinh tế và đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách, nghĩa vụ xã hội...
"Câu chuyện thu thập đúng, đủ hay không? Ví dụ điều tra hằng năm của kinh tế hộ gia đình, hoạt động sản xuất tự sản tự tiêu... nhưng vẫn còn nhiều hoạt động kinh tế bị bỏ sót, hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp chưa được nhận diện đầy đủ", ông Lâm cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hương, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tới đây sẽ xác định và tính toán thu nhập của những nghệ sĩ có thu nhập cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và điện tử để phản ánh đúng sự đóng góp phần lao động của lĩnh vực này vào GDP.
Ngoài ra, với quan điểm ngay cả những đối tượng như xe ôm hay bán hàng rong cũng đưa ra thống kê để tận thu thuế, bà Hương cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh phải có đóng góp với xã hội và đảm bảo trật tự an ninh xã hội.
Do đó, mục tiêu cao nhất trong việc thống kê khu vực chưa quan sát được là nhận diện các hoạt động, tổ chức quản lý tốt hoạt động sản xuất kinh doanh từ hộ cá thể đến tập đoàn, chứ không phải bất kỳ hoạt động nào cũng thống kê để đánh thuế.
Trả lời báo chí, ông Lâm cho biết năm 2019 sẽ xác định từng hoạt động cụ thể của các thành tố, nhận diện đầy đủ thì sẽ trao đổi các bộ ngành để từ đó theo quy định để tính toán.
"Chúng tôi sẽ thực hiện theo lộ trình, không tham vọng xác định danh mục xong và thu thập thông tin hết tất cả. Như hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy, bất hợp pháp trong kinh tế ngầm, hàng giả, buôn lậu qua biên giới thì sẽ xác định đưa vào tính toán cái gì. Riêng hoạt động mại dâm dù một số nước tính toán xem đây là hoạt động bình thường, nhưng ở Việt Nam ta với thuần phong mỹ tục và không thừa nhận nên sẽ xác định là hoạt động bất hợp pháp thì có thể không đưa vào" - ông Lâm nói.
Amazon sẽ đào tạo thương mại điện tử cho doanh nghiệp Việt Nam
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu thông qua thương mại điện tử, ngày 27/2 tới đây tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Amazon Global Selling sẽ tổ chức hội thảo “Xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử: Cơ hội với Amazon”.
 Ảnh minh họa.
Sự kiện sẽ có các nội dung chính bao gồm hỗ trợ DN Việt Nam, trong đó ưu tiên cho các DN nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com; phát triển thương hiệu của DN và hàng hóa Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử của Amazon.com.
Lãnh đạo Amazon Global Selling sẽ trực tiếp nói về cách tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng toàn cầu khi bán hàng trên Amazon cho DN Việt Nam.
Ngoài ra, sự kiện còn có chương trình đào tạo cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam về thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon.com.
Có thể nói, chiến lược này là bước đi quen thuộc của Amazon khi thâm nhập vào các thị trường mới. Điều này sẽ giúp Amazon tạo được sự quen thuộc với người tiêu dùng rồi mới tiến hành “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam.
Việc Amazon xuất hiện với mục đích hỗ trợ các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa thông qua Amazon và việc hợp tác với bên thứ ba. Khi đưa hàng lên Amazon, DN sẽ bán hàng trong nước tốt hơn.
Khi sản phẩm của người Việt Nam xuất hiện trên kệ của Amazon, các nhà phân phối có thể liên hệ trực tiếp với người bán hàng. Vượt ra khỏi câu chuyện bán lẻ, đây là cơ hội lớn cho những DN sản xuất hay người bán hàng tiếp cận với thị trường lớn hơn.
Được biết, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling sẽ thí điểm lựa chọn 100 DN tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu có sản phẩm đáp ứng với các tiêu chí của Amazon để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trực tuyến của Amazon.