Từ 1/1/2019, thuế môi trường với xăng tăng kịch khung
Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1/1/2019.
Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít. Dầu hỏa sẽ tăng thuế môi trường từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít; Dầu mazut tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; Dầu nhờn và mỡ nhờn cũng tăng từ mức 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như: Than đá, thuốc giệt cỏ, thuốc trừ mối, túi nylon, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng.
Tại báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, trước đó Chính phủ đã đề nghị chuyển thời điểm hiệu lực của Nghị quyết bắt đầu tư đầu năm 2019 sẽ không tác động làm tăng chỉ số CPI của năm 2018 đã được Quốc hội quyết định.
Đồng thời, đảm bảo dư địa cho Chính phủ điều chỉnh chỉ số lạm phát trong năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động đến đời sống người dân và hoạt động của nền kinh tế.
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, giá xăng dầu chỉ tác động 0,07% đến 0,09% CPI cả năm 2019 do xăng dầu chỉ là 1 trong 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ tính CPI và quyền số của mặt hàng này chỉ chiếm 4% mặt bằng giá cả.
Mặt khác, với phương án tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước trong khu vực. Một số ví dụ được dẫn ra là: Campuchia khoảng 49%, Lào khoảng 56,5%, Philippines khoảng 49,5%, Trung Quốc khoảng 52%, Singapore khoảng 67%, Hongkong khoảng 76%.
Ngoài ra, cơ quan này cho biết, việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ tác động đến chỉ số giá vận tải khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Đối với sản xuất điện, kinh doanh kính, gốm cơ bản không tác động.
Viettel Global lên sàn từ ngày 25/9
Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đã được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nộị chấp thuận hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM của với mã chứng khoán VGI. Theo đó, hơn 2,24 tỷ cổ phiếu của Viettel Global sẽ được giao dịch trên sàn UPCOM kể từ ngày 25/9, với giá chào sàn là 15.000 đồng mỗi cổ phần.
Với số lượng cổ phiếu như trên, Viettel Global sẽ trở thành công ty có vốn điều lệ lớn nhất sàn UPCoM, vượt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị có vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 18/9, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM của với mã chứng khoán VGI.
Viettel Global là đơn vị phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) được thành lập cuối năm 2007 với vốn điều lệ 960 tỷ đồng. Khi lên sàn, Viettel Global có 6.348 cổ đông, trong đó Tập đoàn Viettel nắm giữ 98,68% cổ phần.Hiện Viettel Global đã đầu tư vào 9 thị trường tại 3 khu vực gồm Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Đông Timor và Myanmar), Mỹ Latin (Haiti) và châu Phi (Cameroon, Tanzania, Burundi và Mozambique).
Trong số đó, Viettel đang giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/9 quốc gia là Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi. Riêng thị trường Peru do Viettel Global trực tiếp quản lý và vận hành kinh doanh nhưng kết quả kinh doanh chưa được tính vào Viettel Global do chính phủ nước này quy định chủ đầu tư phải đứng tên Tập đoàn Viettel, mặc dù đây là thị trường có lãi lớn nhất năm 2017.
Tính đến hết năm 2017, Viettel Global đang phục vụ gần 40 triệu khách hàng quốc tế. So với năm 2016, Viettel Global tăng trưởng khách hàng 13%, gấp hơn 4 lần trung bình thế giới (khoảng 3%).
Tổng doanh thu hợp nhất năm 2017 của Viettel Global tăng trưởng mạnh, đạt 19.023 tỷ đồng - tăng 24%. Lợi nhuận trước thuế đạt 27 tỷ đồng (tương đương 1,18 triệu USD). Đây là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh phải đầu tư lớn ở thị trường Myanmar và một số thị trường ở châu Phi mới ở giai đoạn đầu nên chi phí vận hành lớn.
Năm 2018, Viettel Global đặt mục tiêu đạt lợi nhuận dương dù mới vận hành thị trường quốc tế lớn nhất là Myanmar (khai trương ngày 9/6/2018). Tăng trưởng khách hàng năm 2018 của Viettel Global dự kiến đạt 15% so với năm 2017.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào giữa tháng 6/2018, cổ đông của Viettel Global đã bỏ phiếu thông qua việc tăng vốn điều lệ lên 30.430 tỷ đồng bằng phương án phát hành riêng lẻ 800 triệu cổ phần phổ thông với giá 10.000 đồng/cổ phần (trị giá 8.000 tỷ đồng) cho công ty mẹ (Tập đoàn Viettel).
Toàn bộ số vốn này sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động phù hợp với nhu cầu đầu tư cho các dự án của Viettel Global đến năm 2020. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tính đến cuối tháng 6/2018, 3 thị trường của Viettel đã hoàn vốn đầu tư là Lào, Campuchia, Đông Timor và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông. Đặc biệt, trong số 9 thị trường quốc tế của Viettel, Myanmar là thị trường lớn nhất và được kỳ vọng nhất trong năm 2018 về tăng trưởng.
Tập đoàn Viettel có vốn đăng ký đầu tư ở các thị trường quốc tế là hơn 2 tỷ USD, trong đó hơn 50% đã được giải ngân. Tổng lợi nhuận đã được chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, chiếm gần 45% số vốn đã đầu tư. Mục tiêu tới năm 2020 của Viettel Global là mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400 - 500 triệu dân và vào Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.
Chánh Văn phòng Bộ Công Thương làm Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
Bộ Công thương vừa có Quyết định số 3331/QĐ-BCT về việc điều động và bổ nhiệm công chức.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã quyết định điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Hữu Linh - Chánh Văn phòng Bộ này nhận nhiệm vụ tại Tổng cục Quản lý thị trường, giữ chức vụ Tổng cục trưởng. Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2018.
Tân Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh sinh năm 1977, có bằng cử nhân Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Cử nhân Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Linh được bổ nhiệm chức Chánh văn phòng Bộ này kể từ tháng 6/2016.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Tổng cục Quản lý thị trường có Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2018 và thay thế Quyết định số 19/2009/QĐ-TTg ngày 06/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.
Bộ máy Tổng cục ở trung ương được tổ chức tinh gọn trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, gồm 6 đơn vị là Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế, Vụ Thanh tra - Kiểm tra và Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.
Tổng cục Quản lý thị trường là Tổng cục ngành dọc duy nhất hiện nay không tổ chức thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại địa phương, thành lập Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục, có Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh thay cho mô hình Chi cục trực thuộc Sở Công Thương hiện nay.
Cũng theo Quyết định số 34 và Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường phê duyệt kèm theo, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương thực hiện sắp xếp các đơn vị trực thuộc Tổng cục ở địa phương theo lộ trình để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường địa phương, không để khoảng trống trong quá trình thực hiện chuyển giao, giảm thiểu xáo trộn về tổ chức, nhân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hoá, thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Giá xăng tăng 320 đồng/lít từ 15h chiều 21/9
Theo thông báo từ Liên Bộ Công Thương - Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 sẽ tăng 320 đồng mỗi lít; xăng RON 95 là 293 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 26 - 124 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại.
Trong kỳ điều hành lần này, liên Bộ giữ nguyên mức trích sử dụng Quỹ bình ổn với xăng, dầu như cách đây 15 ngày với mức chi cho xăng E5 RON 92 là 1.563 đồng mỗi lít; RON95 960 đồng; dầu diesel và dầu hoả lần lượt 400 và 300 đồng mỗi lít.
Theo nhà điều hành, giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây tiếp tục xu hướng tăng. Cụ thể, xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 tăng 1,818 USD/thùng (tương đương +2,14% so với kỳ trước); xăng RON95 tăng 1,556 USD/thùng, dầu diesel 0.05S tăng 0,385 USD/thùng…
Giá Etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 là 14.874,60 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Cũng theo Liên Bộ, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 6/9), Liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng 300 đồng mỗi lít E5 RON 92 và RON 95. Các loại dầu cũng được điều chỉnh tăng, trong đó dầu diesel tăng 383 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 296 đồng/lít; Dầu mazut tăng 173 đồng/kg.
Sau khi điều chỉnh, xăng E5 RON92 không cao hơn 19.911 đồng/lít; Xăng RON95 không cao hơn 21.477 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 18.069 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 16.559 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 14.916 đồng/kg.