Vingroup chính thức tuyên bố rút khỏi mảng bán lẻ, giải thể VinPro
Ngay sau khi bất ngờ ngưng hoạt động sàn thương mại điện tử Adayroi trong ngày 17/12, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp - công nghệ.
|
Vingroup chính thức tuyên bố rút khỏi mảng bán lẻ |
Với thông báo này, đại diện Vingroup cho biết trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID, toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.
Đây là động thái mới nhất sau 2 tuần kể từ khi thương vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ và nông trại VinEco cho Masan.
Theo đại diện Vingroup, đây cũng là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp - công nghệ.
Quá trình tái cơ cấu, bao gồm sáp nhập và giải thể các công ty trong mảng bán lẻ, sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của đối tác và khách hàng.
Các cán bộ nhân viên có năng lực phù hợp và có nhu cầu cũng sẽ được giữ lại để chuyển sang làm việc tại các công ty thành viên khác trong tập đoàn.
"Tất cả các nhân viên VinPro sẽ được nhận lương tháng 13 thưởng Tết và phần thưởng thêm từ tập đoàn nhằm tri ân những đóng góp trong thời gian qua", thông cáo cho biết.
Theo kế hoạch này, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, Vingroup quyết định nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình "New Retail" - kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O).
Việc sáp nhập Adayroi với ứng dụng VinID không chỉ giúp dữ liệu hóa hành vi người dùng mà còn tạo ra nền tảng mới, trong đó khách hàng là trọng tâm với mục tiêu dự đoán đúng nhu cầu, đáp ứng chính xác và kịp thời hơn mong muốn của khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Trang thương mại điện tử Adayroi đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2014, còn hệ thống siêu thị điện máy VinPro ra mắt vào tháng 3 năm 2015, nhằm hoàn thiện khối bán lẻ của Vingroup.
Tuy nhiên, với việc thay đổi chiến lược phát triển, lĩnh vực bán lẻ không còn là ưu tiên cốt lõi của tập đoàn, do đó, VinPro sẽ được giải thể trong tháng 12/2019.
Giá xăng RON 95 giảm gần 200 đồng/lít
Thông tin từ Liên bộ Công thương - Tài chính, từ 15h chiều 16/12/2019, xăng E5RON92 sẽ giảm 90 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 192 đồng/lít.
Mức giá được điều chỉnh giảm trên cơ sở thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít; xăng RON95 trích lập ở mức 400 đồng/lít, dầu mazut trích lập ở mức 800 đồng/lít.
Đồng thời điều chỉnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước chi 200đồng/lít).
Như vậy sau khi trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92 giảm 90 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 192 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 75 đồng/lít; dầu hỏa tăng 54 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 170 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92 không cao hơn 19.729 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 20.886 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.063 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 15.016 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 11.358 đồng/kg.
Cơ quan điều hành cho biết việc điều chỉnh giá bán như trên là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm giá với xăng và tăng giá đối với các loại dầu.
Dừng đề xuất dự án điện mặt trời
Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm dừng đề xuất, thỏa thuận với các dự án điện mặt trời theo cơ chế FIT (giá cố định) đến khi có hướng dẫn mới.
|
Dừng đề xuất dự án điện mặt trời |
Cụ thể, Bộ Công thương cho biết sau khi Thủ tướng ban hành quyết định số 11 (năm 2017) về cơ chế khuyến khích các dự án mặt trời tại Việt Nam, đã có khoảng 135 dự án với tổng công suất khoảng 9.935MW điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.
Đến nay, các dự án đã hoàn thành, vận hành thương mại ước đạt khoảng 4.500MW, góp phần đảm bảo cung ứng điện.
Ngày 22/11, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 402 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam áp dụng từ ngày 1/7/2019, trong đó thống nhất biểu giá khuyến khích cố định (FIT) chỉ áp dụng với một số trường hợp.
Cụ thể, giá FIT áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công, đưa vào vận hành năm 2020. Theo Bộ Công thương, hiện bộ đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo cơ chế mới, thay thế quyết định số 11 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6.
Do đó, để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, chủ đầu tư, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành và EVN tạm dừng đề xuất, thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế FIT đến khi có hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền.
Trước đó, thông báo số 402 cũng chỉ rõ ngoại trừ những dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công đưa vào vận hành trong năm 2020, các dự án còn lại, các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT, mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời.
Mỹ áp thuế 456% với thép Việt Nam
Bộ thương mại Mỹ vừa ban hành lệnh áp thuế lên tới 456% với một số sản phẩm thép cụ thể từ Việt Nam xuất sang sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan.
Theo hãng tin Reuters, các mặt hàng thép bị áp thuế 456% trong thông báo ngày 16/12 (giờ Mỹ) của Bộ thương mại Mỹ là các loại thép có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan được đưa sang Việt Nam, sau đó qua công đoạn gia công đơn giản rồi mới xuất khẩu sang Mỹ.
Trong thông báo của Bộ thương mại Mỹ, cơ quan này đã phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam, sử dụng thép chất nền của Hàn Quốc hoặc Đài Loan vốn đã né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá của Mỹ.
Trước đó, trong tháng 7 năm nay, theo hãng tin Bloomberg, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã áp mức thuế hơn 400% này (cụ thể là 456,23%) với các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội Việt Nam cũng sử dụng vật liệu có xuất xứ Hàn Quốc và Đài Loan.
Giá thịt lợn tuần qua tăng cao 'chóng mặt'
Giá thịt lợn gần đây tăng cao, dần dịch chuyển đến mốc 200.000 đồng/kg khiến giá cả thị trường “nhảy múa” liên tục, liên tiếp lập kỷ lục mới. Nhiều mặt hàng thực phẩm có sử dụng thịt lợn làm nguyên liệu cũng biến động không ngừng.
Bà Nguyễn Thị Bình, chủ một cửa hàng giò chả có tiếng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, do giá thịt lợn tăng mạnh đã kéo theo giá giò chả lần đầu tiên lập đỉnh. Đơn cử, giá giò lụa từ 130.000 đồng/kg nhảy lên mức 150.000 đồng/kg và hiện tại là 200.000 đồng/kg, giá giò tai nấm từ 150.000 đồng/kg tăng thêm 7 giá là 220.000 đồng/kg. “Tôi làm nghề từ năm 1994, tính đến bây giờ là 25 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy giá giò chả ở mức cao như vậy” – bà nói.
Trước diễn biến giá thịt lợn tăng cao, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm thay vì đóng cửa lại chọn cách cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí sản xuất. Đây là phương án tạm thời mà nhiều doanh nghiệp áp dụng để ứng phó với tình hình hiện tại và ổn định sức khỏe tài chính.
Ông Nguyễn Đức Tín, chủ một doanh nghiệp giò chả hữu cơ tại Hà Nội cho hay, ông đã cắt giảm toàn bộ số thợ phụ, chỉ giữ lại thợ chính trong khâu sản xuất. Các phương án phân phối, bán hàng phục vụ Tết âm lịch đều được chuẩn bị và tính toán lại.
Ngay từ tháng 12, ông Tín đã làm việc, ký kết với các trang trại lợn để cung cấp nguyên liệu cho dịp Tết. Do nguồn cung khan hiếm, ngoài lấy hàng ở thị trường Hà Nội, ông Tín còn mở rộng sang các khu vực ở Nam Định, Hòa Bình.
Trước diễn biến giá thịt lợn tiếp tục tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nội dung chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.
WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8%
Ngày 17/12, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Điểm lại, nhận định kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực năm nay, dù toàn cầu chững lại. Tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam ước tính vào khoảng 6,8%. 2 năm tới, tốc độ này có thể lùi về 6,5%.
Dự báo của WB tương đương số liệu ADB và Chính phủ đưa ra gần đây. Tuần trước, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,9% năm nay. Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10, Chính phủ cho biết "nhiều khả năng GDP Việt Nam đạt trên 6,8%", trong khi mục tiêu đưa ra là 6,6 - 6,8%.
WB cho rằng tăng trưởng của Việt Nam được duy trì nhờ kinh tế đối ngoại vững mạnh. Xuất khẩu dự kiến tăng 8% năm nay - cao gấp gần 4 lần bình quân thế giới. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực tăng trưởng của Việt Nam, với vốn cam kết bình quân gần 3 tỷ USD mỗi tháng. Tiêu dùng cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng, nhờ tầng lớp trung lưu và mức lương tăng lên.
Việt Nam được WB đánh giá cao về các yếu tố căn bản. Nợ công giảm gần 8% so với 2016 và thặng dư thương mại tăng liên tiếp 4 năm qua. Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam - ông Jacques Morisset nhận xét.
WB cho rằng Việt Nam cần phát triển thị trường vốn để có nền tảng tiếp tục phát triển. "Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, kể cả Đông Nam Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn", báo cáo cho biết.