Sự kiện lịch sử của thể thao Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phiên họp của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) vừa kết thúc vào chiều qua đã đi đến quyết định, trao cho TP Hà Nội của Viêt Nam quyền đăng cai Asiad năm 2019. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai một sự kiện thể thao mang tầm cỡ như Asiad.

Đối thủ rút lui, Việt Nam đắc lợi

Với sự ủng hộ của nhiều thành viên trong Hội đồng Olympic châu Á, TPHà Nội của Việt Nam đã vượt qua ứng viên Surabaya (Indonesia) để giành quyền đăng cai Asiad 2019. Được biết, vào phút chót, một ứng viên nặng ký nhất là TP Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE) đã bỏ cuộc vì những "lý do khách quan" nên ưu thế tuyệt đối thuộc về Việt Nam. Thế nên, trong cuộc bỏ phiếu, các thành viên Hội đồng Olympic châu Á đã dành sự tín nhiệm đối với Thủ đô Hà Nội bởi theo họ, giao Asiad cho Hà Nội có "hệ số an toàn cao hơn".

Sự kiện lịch sử của thể thao Việt Nam - Ảnh 1

Chủ tịch OCA Al Sabah tiếp Đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp Đại hội đồng Ủy ban Olympic châu Á.

Trong cuộc chạy đua này, TP Hà Nội nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ ông Al Sabah - Chủ tịch OCA. Hơn một lần, các quan chức hàng đầu của OCA đã đến Việt Nam khảo sát hệ thống cơ sở vật chất của Hà Nội, nơi diễn ra phần lớn các hoạt động của Asiad. Tại đây, các quan chức hàng đầu của OCA và đặc biệt là Chủ tịch Al Sabah đã công khai bày tỏ sự ủng hộ với Việt Nam.

Lý do khiến OCA ủng hộ Việt Nam là do nhận được sự đảm bảo từ Chính phủ thông qua việc phê chuẩn đề án đăng cai Asiad. Chính phủ Việt Nam và TP Hà Nội cam kết đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ Asiad thông qua phát triển các dự án giao thông đến năm 2020. Hơn thế nữa, Việt Nam đang có được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật khá tốt, có thể đảm bảo được vai trò của nước chủ nhà Asiad. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện thể thao lớn như: Asian Indoor Games 2009, giải đấu đã tạo được tiếng vang tốt đối với dư luận thể thao châu lục.

Trao đổi với báo chí ngay sau khi có thông tin trên,  Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, đây là tin vui và là một sự kiện đặc biệt với thể thao Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử hội nhập thể thao quốc tế, Việt Nam giành quyền đăng cai một đại hội thể thao lớn tầm cỡ châu Á như Asiad.

Sẽ có một Asiad tiết kiệm

Dự kiến, tại Asiad 2019 do Việt Nam đăng cai sẽ có 35 môn thi đấu, trong đó có 26 môn Olympic bắt buộc. Đại hội dự kiến sẽ tổ chức kéo dài 16 ngày trong khoảng tháng 11 hoặc 12/2019. Dự kiến Asiad 2019 có sự tham dự của 45 quốc gia với 12.000 VĐV, 1.000 quan khách quốc tế, 1.000 trọng tài, 8.000 hướng dẫn viên, 2.000 - 3.000 phóng viên. Ngoài Thủ đô Hà Nội là địa điểm chính, 14 địa phương gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và Phú Thọ sẽ có cơ hội đăng cai các môn thi đấu tại Asiad 2019.

Theo tính toán của Ủy ban Olympic Việt Nam, để tổ chức thành công Asiad 2019, cần có một khoản kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng (150 triệu USD). Số tiền này không tính chi phí đầu tư cho hệ thống giao thông cũng như chi phí của các địa phương dùng để cải tạo và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, đây là một Asiad tiết kiệm, phù hợp với điều kiện tài chính của Việt Nam.

Chuẩn bị cho Asiad, Chính phủ sẽ phải đầu tư hoàn thiện Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình; hoàn thiện Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội từ 5ha lên 20ha; Xây dựng làng VĐV tại Thượng Thanh, quận Long Biên trên diện tích 39,5ha với sức chứa 11.000 VĐV, làng VĐV sẽ được bán sau khi đại hội kết thúc. Xây mới khu liên hợp thể thao Xuân Trạch (Hà Nội) với năm nhà thi đấu: bóng chày 3.000 chỗ ngồi, khúc côn cầu 3.000 chỗ ngồi, bóng bầu dục 2.000 chỗ ngồi… Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải xây mới là sân đua xe đạp lòng chảo với số lượng chỗ ngồi khoảng 3.000 chỗ; khu thi đấu tennis riêng biệt…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần