70 năm giải phóng Thủ đô

Sự kiện tuần qua: 8 người tử vong sau khi ăn cỗ đám ma

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT chưa thông qua chứ không cấm Uber hoạt động; 8 người tử vong sau khi ăn cỗ đám ma; Khiển trách hiệu trưởng trường có nữ sinh bị bỏng nặng... là những sự kiện trong nước được dư luận quan tâm tuần qua.

“Bộ GTVT chưa thông qua chứ không cấm Uber hoạt động”
Dù chỉ mới vào Việt Nam trong một thời gian ngắn, nhưng loại hình vận tải hành khách thông qua phần mềm dịch vụ gọi xe của Uber đã hấp dẫn khách hàng bởi giá thành dịch vụ và tiện ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Uber lại không tuân thủ những điều kiện kinh doanh vận tải ở Việt Nam. Và để hợp thức hóa dịch vụ, mới đây Uber đã trình lên cơ quan chức năng đề án thí điểm kinh doanh theo hợp đồng điện tử. Mặc dù vậy, đề án này sớm bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bác bỏ bởi vẫn không hội đủ các điều kiện và yêu cầu cần thiết.
  Ảnh minh họa.
Theo lý giải của Bộ GTVT, đề án mà Uber gửi cho Bộ là đề xuất tham gia thí điểm sử dụng công nghệ để thay cho hợp đồng vận tải. Nếu như trước đây, theo Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải hợp đồng này bằng giấy, thì bây giờ Uber đề xuất làm hợp đồng vận tải bằng điện tử.

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhấn mạnh, đề án của Uber đã được Bộ GTVT xem xét cũng như xin ý kiến các bộ ngành liên quan và thấy rằng chưa đủ điều kiện để thông qua chứ không phải là không đồng ý cho Uber hoạt động như dư luận đang hiểu.

“Bộ GTVT có văn bản trao đổi và hướng dẫn cho Uber hoàn thiện đề án đấy, chứ điều đó không liên quan đến việc Uber đang hoạt động ở Việt Nam có bị cấm hay không. Bộ GTVT hết sức ủng hộ các phần mềm tương tự như Uber ở Việt Nam bởi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng, tiết giảm thời gian đi lại, tăng năng suất lao động, nó tiết giảm chi phí và góp phần giảm ách tắc giao thông…”, ông Trần Bảo Ngọc cho biết.

Mặc dù quan điểm của Bộ GTVT như vậy nhưng đối với những người lái xe tham gia Uber trong những ngày qua không khỏi băn khoăn. Bởi, nếu không đủ điều kiện hoạt động đồng nghĩa với việc có nhiều lái xe taxi Uber hiện nay sẽ bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi mong muốn là sẽ có hành lang pháp lý cho taxi Uber hoạt động. Quan trọng hơn là làm cho tài xế yên tâm về tính pháp lý của dịch vụ trong kinh doanh, để hoạt động taxi được hợp pháp, ổn định và an toàn”, anh Phạm Hữu Duyệt - Lái xe taxi Uber mong muốn.
Khiển trách hiệu trưởng trường có nữ sinh bị bỏng nặng
Ngày 15/2, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã tổ chức Hội đồng kỷ luật để đưa ra hình thức xử lý theo quy định đối với tập thể và cá nhân Ban giám hiệu trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình - Hà Nội).
Theo đó, Hội đồng kỷ luật Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra hình thức khiển trách đối với Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng trước việc chậm trễ xử lý vụ việc liên quan đến trường hợp em Nguyễn Diệp Anh bị bỏng do cháy nổ trong phòng thí nghiệm từ đầu tháng 1/2017. Đối với tập thể Ban giám hiệu nhà trường, Hội đồng kỷ luật Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệp trước tập thể sư phạm nhà trường.
 Hội đồng kỷ luật Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra hình thức khiển trách đối với Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Ông Dũng cũng cho biết, ngay trong sáng 15/2, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã báo cáo bằng văn bản tới Chủ tịch UBND TP về kết quả xử lý nói trên. 

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội, kiểm tra, xử lý vụ nổ cồn gây bỏng cho nữ sinh trong phòng thực hành Hóa học, Trường THPT Phan Đình Phùng. 

Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở GD&ĐT kiểm tra thông tin báo chí phản ánh; tổ chức thăm hỏi, chăm sóc, ổn định tâm lý và phục hồi sức khỏe cho học sinh bị tai nạn; bố trí giáo viên bồi dưỡng kiến thức cho học sinh sau khi phục hồi đảm bảo chương trình học tập. 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân và tập thể liên quan đến sự việc. Việc chậm xử lý vụ việc cũng được lãnh TP Hà Nội yêu cầu kiểm điểm.
8 người chết sau khi ăn cỗ đám ma
Ngày 10/2/2017, gia đình ông Phu Vần Lẻng, dân tộc Hà Nhì bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến tối cùng ngày ông Lẻng có triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn và tử vong lúc 22h. Sau khi ông Lẻng chết, gia đình tổ chức làm ma theo tập tục, nhân dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong 3 ngày (11; 12; 13/2). Đến ngày 13/2 xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử và tử vong.
Đến ngày 15/2, đã có 7 người tử vong, 31 người bị ảnh hưởng (27 nam, 4 nữ) trong đó 20 người nhập viện điều trị (8 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 12 người tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Thổ và phòng khám khu vực); 11 người sau khi thăm khám đã được về nhà theo dõi thêm. Chiều 16/2, có thêm một người chết trong vụ ngộ độc rượu tại Phong Thổ, Lai Châu, nâng tổng số người chết trong vụ ngộ độc này lên 8 người. 
Về nguyên nhân, chiều 15/2, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã có kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu.
Một trong số các nạn nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh Cổng TTĐT tỉnh Lai Châu
Theo đó, 3 mẫu rượu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Do vậy, nguyên nhân dẫn tới bảy người tử vong bước đầu được xác định là do rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép.
Ba mẫu rượu đã được xét nghiệm có nồng độ cồn lần lượt là 970 mg/lít cồn 1000, 556.000 mg/lít cồn 1000 và 475.000 mg/lít cồn 1000. Trong khi đó, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không được lớn hơn 100 mg/lít cồn 1000 .
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, đây chỉ là một kết quả với rượu. Còn phải tiếp tục chờ kết quả kiểm nghiệm các thực phẩm khác cũng như kết quả trưng cầu giám định mới có thể đưa ra nguyên nhân đầy đủ được.
Nhiều vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội
Tuần qua, tại Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy. Cụ thể, khoảng 20 giờ 25 phút tối ngày 14/2, một đám cháy lớn bốc lên ngùn ngụt tại kho hàng nằm sâu bên trong ngõ 199 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Diện tích cháy ban đầu ước tính khoảng 100m2, được biết đây là kho chứa đồ bảo hộ lao động. Mặc dù lực lượng chức năng nỗ lực dập lửa, tuy nhiên lửa bốc quá nhanh khiến kho hàng này bị thiêu rụi. Thông tin ban đầu từ lực lượng chức năng, đám cháy không gây thiệt hại gì về người.
Tiếp đó, vụ cháy  tại số nhà 40 Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), xảy ra vào khoảng 15 giờ 20 phút ngày 15/2. Đây là ngôi nhà 2 tầng, nằm ngay sát các nhà cổ. Tầng 1 là phòng khám răng hàm mặt, tầng 2 là nhà dân. 
Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Đại tá Trần Văn Vụ cho biết vụ cháy đã được dập tắt. Ban đầu xác định có 1 nạn nhân tử vong.
Cháy lớn tại ngôi nhà 2 tầng trên đường Giải Phóng
Vụ tiếp theo xảy ra vào khoảng 13 giờ 15 phút chiều 16/2, tại ngôi nhà số 69 Giải Phóng (TP Hà Nội). Vụ hỏa hoạn khiến cả khu phố náo loạn. Đây là căn nhà 3 tầng, chuyên cung cấp mực in, máy văn phòng. Theo chủ nhà, nguyên nhân vụ cháy có thể là do chập điện ở tầng trên, ngay sau khi phát hiện ngọn lửa cháy lớn chủ nhà đã thông báo cho lực lượng PCCC.
Đại án tham nhũng tại Vinashinlines: Đề nghị tử hình Giang Kim Đạt 
Giữ quyền công tố tại phiên tòa, đại diện VKS Nhân dân TP Hà Nội đã đề nghị tử hình đối với bị cáo Giang Kim Đạt.
Chiều 18/2, sau hơn hai ngày thẩm vấn, đại diện VKS Nhân dân TP Hà Nội đã thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, đề nghị các mức án cho bị cáo trong đại án tham ô 260 tỷ đồng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines.

Tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng, các bị cáo đã thay đổi lời khai so với khi ở cơ quan điều tra, phủ nhận lời buộc tội nêu tại cáo trạng. “Mặc dù các bị cáo khai như vậy nhưng không đưa ra được bằng chứng gì” - Vị đại diện VKS nói và cho biết VKS Nhân dân D TP Hà Nội vẫn giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã truy tố.

VKS cho rằng, đây là vụ án tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài. Hành vi của các bị cáo đã xâm hại trực tiếp đến quan hệ sở hữu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội... 
Vị đại  diện VKS khẳng định, cáo trạng truy tố các bị cáo là hoàn toàn có cơ sở, đúng người, đúng tội.
Theo đó, Trần Văn Liêm được xác định là người chỉ đạo, đã chiếm đoạt số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Giang Kim Đạt, thời gian công tác tại Vinahinlines từ 2006-2008, với vai trò là quyền trưởng phòng kinh doanh, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, được sự đồng ý của Trần Văn Liêm, Đạt đã đàm phán với các đối tác nước ngoài nhận hoa hồng từ việc mua ba con tàu và cho thuê chín tàu. Đạt là đồng phạm tích cực, có trách nhiệm bồi thường 249 tỷ đồng cho Vinashinlines.
Trần Văn Khương, từ 2006-2008 là kế toán trưởng Vinashinlines. Quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác kinh doanh cho thuê tàu, bị cáo biết được khoản 110.000 USD Liêm đưa là tiền hoa hồng nhưng đã không hạch toán, để ngoài sổ sách, không giải trình được số tiền này tiêu vào việc gì. Khương có trách nhiệm bồi thường 110.000 USD. Bị cáo Giang Văn Hiển đã 92 lần nhận tiền do các công ty nước ngoài chuyển về, sau đó rút ra chuyển cho Đạt. Hiển rút tiền ra mua gần 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 ô tô kiếm lời.
Từ những phân tích trên, đại diện VKS đã đề nghị tòa tuyên phạt:  Bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) bị đề nghị mức án chung thân vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng.
 Các bị cáo tại phiên tòa
Bị cáo Giang Kim Đạt (SN 1977, ở Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines - bị đề nghị mức án tử hình vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Văn Khương (SN 1950, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines - bị đề nghị mức án 20 năm tù vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 110 nghìn USD.
Bị cáo Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt) bị đề nghị 8-9 năm tù về tội Rửa tiền.
Đồng thời, VKS cũng đề nghị thu hồi số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt trả lại cho Vinashinlines.
Liên quan đến vụ án này, theo cáo trạng: Từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2007, Trần Văn Liêm đã ký hợp đồng mua 3 con tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix và giao cho Giang Kim Đạt thực hiện đàm phán mua tàu.

Trong quá trình thỏa thuận, Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Sumer của Panama với giá 6,25 triệu USD và sẽ được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu.

Trong số 2%, công ty môi giới trích lại 10% và số tiền còn lại là hơn 1,9 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển... Tàu Vinashin Island được mua với giá 5,95 triệu USD của Croatia. Đạt thỏa thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 3,75% và cũng trích lại 10% của tổng số tiền hoa hồng. Số tiền lần này chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển là hơn 3 tỷ đồng.

Đối với tàu Vinashin Phoenix được mua với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp, Đạt cũng thỏa thuận để được hưởng 2% hoa hồng. Số tiền chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển lần này là gần 6,5 tỷ đồng. Tổng số tiền “hoa hồng” từ hợp đồng mua ba con tàu nêu trên mà công ty môi giới gửi vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển là gần 11,5 tỷ đồng.

Từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, thông qua các công ty môi giới, Liêm, Đạt và Khương đã thỏa thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê 9 con tàu để chiếm đoạt tiền của Vinashinlines với tổng số tiền hơn 249 tỷ đồng.

Cáo trạng cho rằng, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương 110.000 USD...