Sự kiện tuần qua: Công bố kết luận về "quan lộ thần tốc" của hot girl Quỳnh Anh

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bố kết luận về quan lộ thần tốc của "hot girl" Quỳnh Anh; Chìm tàu Hải Thành 9 người mất tích; Công bố kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận... là những sự kiện được dư luận quan tâm tuần qua.

Thanh Hóa kết luận "quan lộ thần tốc" của hotgirl Quỳnh Anh 
Ngày 30/3,UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo về kết quả thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng từ năm 2010-2015, trong đó có trường hợp của bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Theo thông báo này, ngày 07/5/2013, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 1469/QĐ-UBND phê duyệt kết quả kỳ thi tuyển công chức ngạch chuyên viên năm 2012-2013, trong đó có danh sách trúng tuyển đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh; Ngày 13/9/2013, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 3212/QĐ-UBND phê duyệt kết quả tuyển dụng công chức ngạch chuyên viên năm 2012-2013, trong đó bà Trần Vũ Quỳnh Anh trúng tuyển công chức vào Sở Xây dựng.
Bà Quỳnh Anh được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Xây dựng (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Ảnh: Tư liệu
Ngày 27/9/2013, Giám đốc Sở Xây dựng có Quyết định số 2991/QĐ-SXD tuyển dụng công chức đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, công tác tại phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, kể từ ngày 30/9/2013.
Tuy nhiên, việc Giám đốc Sở Xây dựng liên tiếp bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, trong khoảng thời gian chưa đến 7 tháng (từ 18/4/2014 đến 7/11/2014), là sai quy định.
Cụ thể, ngày 18/4/2014, Giám đốc Sở Xây dựng ban hành Quyết định số 1634/QĐ-SXD bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh - giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản. Tiếp đó, ngày 07/11/2014, Giám đốc Sở Xây dựng ban hành Quyết định số 6216/QĐ-SXD bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh - Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, giữ chức vụ Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản.
Thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: "Việc Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản khi chưa đủ các tiêu chuẩn: “thời gian công tác ở lĩnh vực mình phụ trách về chuyên môn nghiệp vụ ít nhất từ ba năm trở lên”; “có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên”; “đã qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý nhà nước”, là không đúng quy định tại Mục c, Khoản 2, Điều 4, Quyết định số 1138/2002/QĐ-UB ngày 16/4/2002, của UBND tỉnh ban hành Quy chế bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo".
Cũng theo thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/9/2016, bà Trần Vũ Quỳnh Anh có đơn gửi Giám đốc Sở Xây dựng xin thôi việc tự nguyện. Và chỉ 3 ngày sau, tức ngày 23/9/2016, Giám đốc Sở Xây dựng ban hành Quyết định số 5406/QĐ-SXD cho thôi việc đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Việc Giám đốc Sở Xây dựng cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh thôi việc là đúng quy định.
Về kết quả thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng từ năm 2010-2015, thông báo có nêu: "Tuy nhiên, việc Giám đốc Sở Xây dựng chưa báo cáo Sở Nội vụ là không đúng theo quy định tại Quyết định số 685/QĐ-UBND ngày 02/3/2007 của UBND tỉnh; không thông báo công khai cho cán bộ, công chức trong cơ quan biết là không đúng với Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015, của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính.
Hiện hồ sơ công chức (hồ sơ gốc) của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, đã không còn lưu giữ tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Vì ngày 23/9/2016, ông Chánh Văn phòng Sở Xây dựng đã bàn giao hồ sơ cho bà Quỳnh Anh, khi bà này nhận quyết định thôi việc.
Việc giám đốc Sở Xây dựng quản lý không chặt chẽ, để Chánh Văn phòng Sở giao hồ sơ công chức cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh khi thôi việc là không đúng quy định tại khoản 4, điều 9 thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012, của Bộ Nội vụ về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức".
Hai tàu đâm nhau trên biển Vũng Tàu, 9 người mất tích
Sáng 28/3, tàu Hải Thành 26 - BLC, trên lộ trình từ Hải Phòng đi Cần Thơ đã bị chìm tại vùng biển Vũng Tàu. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xác định, nguyên nhân ban đầu là do va chạm với một tàu khác.
Theo báo cáo sơ bộ của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, khoảng 4 giờ 37 ngày 28/3, Trung tâm nhận được tín hiệu báo nạn từ phao EPIRB của tàu Hải Thành 26 - BLC tại vị trí 10018’N - 107045’E trên vùng biển cách Vũng Tàu khoảng 44 hải lý về phía Đông.
Theo khai báo ban đầu của Thuyền phó 3, tàu Hải Thành 26 - BLC Hoàng Tiến Khôi, có 1 tàu đã va chạm và đâm ngang Hải Thành 26 - BLC nên tàu chìm rất nhanh. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu Hải Thành 26 - BLC có 11 thuyền viên, trong đó có 5 người đang đứng trên bong. 
 
Ngay khi nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu Hải Thành 26 - BLC, Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã xác định vị trí các tàu gần khu vực xảy ra tai nạn đến ứng cứu.

Tại thời điểm đó, tàu Petrolimex 14 cách vị trí báo nạn khoảng 4,5 hải lý, theo sự điều động của cơ quan chức năng đã đến ngay vị trí để thực hiện công tác cứu nạn. Đồng thời 2 tàu tìm kiếm cứu nạn (SAR) xuất phát từ Vũng Tàu cũng được điều gấp đến hiện trường. 

Khoảng 6 giờ 30, tàu Petrolimex 14 phát hiện 1 phao bè và đến 7 giờ 15 đã tiếp cận được và đưa lên tàu 2 thuyền viên của tàu Hải Thành 26 - BLC. 8 giờ 10, các tàu tìm kiếm cứu nạn tiếp cận được phao bè thứ hai nhưng không có người. Cơ quan chức năng đã điều động 5 tàu trong đó có 2 tàu Sar tiếp tục tìm kiếm 9 thuyền viên mất tích.
Đến 9h sáng nay 1/4, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 3 thi thể cuối cùng của thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu Hải Thành 26.Như vậy lực lượng cứu hộ đã tìm thấy cả 9 người mất tích trong vụ tàu Hải Thành 26 bị đụng chìm ngoài khơi Vũng Tàu 
Công bố kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Ngày 31/3, ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã chủ trì cuộc họp công bố Kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Theo Kết luận thanh tra số 283/KL-TTCP ngày 15/2/2017 của Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian qua UBND tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thanh tra; thực hiện kịp thời các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu quản lý của địa phương, ngành; trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Bình Thuận đã thực hiện 701 cuộc thanh tra ở 2.461 đơn vị; đã kiến nghị thu hồi hơn 11 tỷ đồng, hơn 100ha đất nông lâm nghiệp…
Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 7,8 tỷ đồng. 112 tập thể và 115 cá nhân bị kiểm điểm, có 9 vụ được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra…
Nội dung các cuộc thanh tra được thực hiện tương đối đều khắp các lĩnh vực theo yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, địa phương.
Công bố kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Thông qua hoạt động thanh tra đã chỉ ra những thiếu sót, tồn tại của từng đơn vị, yêu cầu chấp hành đúng các quy định pháp luật.
Công tác thanh tra chuyên ngành được quan tâm, góp phần chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được thanh tra.
Việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được UBND tỉnh quan tâm; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh; công tác thụ lý, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã có nhiều tiến triển; các trình tự thủ tục đều được giải quyết theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng đã được cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện; nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về phòng, chống tham nhũng được nâng cao.
Công tác thanh tra phòng chống tham nhũng được chú trọng, qua thanh tra đã phát hiện và xử lý kịp thời một số vụ tham nhũng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tỉnh Bình Thuận đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế và vi phạm tại một số sở, ngành, huyện, thị xã, TP.
Đơn cử như về chất lượng các cuộc thanh tra, Trưởng một số đoàn thanh tra chưa thực hiện đúng thẩm quyền được quy định tại Điều 46, Luật Thanh tra 2010 hoặc vượt quá thẩm quyền hoặc không kiến nghị xử lý theo thẩm quyền được pháp luật cho phép.
Về công tác tiếp công dân, một số nơi công tác tiếp công dân của lãnh đạo chưa được coi trọng, thủ trưởng đơn vị tiếp công dân không đủ số ngày theo quy định; chất lượng tiếp công dân, xử lý đơn thư nhìn chung chưa cao, còn nhiều sai sót.
Việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng còn một số hạn chế như việc công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị khi lập, triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hoặc mua sắm công chưa công khai đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 Luật số 27/2012/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; còn xảy ra nhiều vi phạm, thiếu sót trong qua trình lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
Cá biệt có một số ít trường hợp dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu chưa chính xác, biểu hiện chưa minh bạch trong hoạt động đấu thầu như tại gói thầu xây lắp Trường tiểu học Đức Thắng 1 và Trường tiểu học Đức Thắng 2 do UBND TP Phan Thiết làm chủ đầu tư…
Trên cơ sở báo cáo kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/7 tới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Kết luận thanh tra.
Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ trước ngày 1/7/2017, để tổng hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
Thay mặt UBND tỉnh Bình Thuận, ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu và khẳng định chấp hành toàn bộ nội dung Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
UBND tỉnh Bình Thuận giao Chánh Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, yêu cầu giám đốc các sở, ngành; các Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm, thiếu sót mà kết luận thanh tra đã nêu.
Vụ kiểm soát viên không lưu ngủ quên: Kỷ luật hàng loạt cán bộ
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) vừa báo cáo Bộ GTVT về hình thức xử lý kỷ luật đối với hàng loạt lãnh đạo, cán bộ liên quan trong vụ việc kiểm soát viên không lưu ngủ quên tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) ngày 9/3 vừa qua.
 Minh họa. Nguồn Internet
Theo đó, Chi bộ Đảng, Đài kiểm soát không lưu Cát Bi bị cảnh cáo tập thể vì để xảy ra tình trạng vi phạm quy định duy trì kíp trực nhiều lần. Cách chức Bí thư chi bộ đối với ông Nguyễn Chí Mạnh; khiển trách đảng viên Lương Văn Bình do chưa hoàn thành nhiệm vụ, thiếu kiên quyết, thiếu kiểm tra giám sát. Cảnh cáo đảng viên Nguyễn Văn Chanh vì đã vi phạm kỷ luật lao động, không hoàn thành nhiệm vụ, rời vị trí trực không báo cáo cán bộ phụ trách.
Đối với một số cá nhân khác, VATM cũng đã khiển trách Phó giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc Nguyễn Đức Hiệu vì chưa hoàn thành nhiệm vụ được phân công phụ trách chỉ đạo Đài kiểm soát không lưu Cát Bi; khiển trách ông Nguyễn Tiến Thanh, Phòng An toàn - An ninh Công ty Quản lý bay miền Bắc vì thiếu giám sát thực hiện khuyến cáo an toàn của Đoàn kiểm tra của Tổng công ty đối với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi. 

Kiểm soát viên không lưu “ngủ quên” Lương Minh Thư không được tiếp tục bố trí làm kiểm soát không lưu, điều chuyển làm công việc khác thấp hơn, hạ ngạch lương, kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng do vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy định duy trì kíp trực. 

VATM cũng đã tổ chức Hội nghị an toàn toàn tổng công ty, trực tuyến với các công ty quản lý bay miền Trung, miền Nam và tất cả các đài kiểm soát không lưu trên toàn quốc. Hội nghị đã nghiêm túc rút kinh nghiệm sự cố gián đoạn cung cấp dịch vụ không lưu tại Cát Bi, đánh giá công tác đảm bảo an toàn và quản lý an toàn, đề ra các biện pháp, phương thức nhằm duy trì kỷ luật lao động, cơ chế giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất nâng cao năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần