Sự lên ngôi của chiến lược dài hơi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đúng như phán đoán của các nhà quan sát, cuộc tranh luận lần thứ ba giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là đại diện đảng Dân chủ Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney đã kết thúc với ưu thế nghiêng về đương kim Tổng thống.

Trong cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuối cùng về chính sách đối ngoại diễn ra sáng 23/10 (theo giờ Việt Nam) tại bang Florida, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không ngừng "mỉa mai" đối thủ Mitt Romney vì đã đưa ra lựa chọn những chính sách ngoại giao sai lầm.
 
Dưới sự điều hành của người dẫn chương trình kỳ cựu Bob Schieffer của đài CBS News, Tổng thống Obama đã liên tục tấn công, trong khi ông Romney lại chọn phương án đáp trả thận trọng để tránh lỡ lời như trong tranh luận lần hai và thường xuyên lái sang vấn đề thương mại quốc tế để phản đòn.
 
Vấn đề Syria, Libya đã trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng khi ứng viên Romney đã cảnh báo sự trỗi dậy của những phần tử Hồi giáo cực đoan cho thấy sự yếu kém trong chính sách ngoại giao tại Trung Đông - Bắc Phi của ông Obama.
 
Sự lên ngôi của chiến lược dài hơi - Ảnh 1
 
Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitt Romney (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama tham gia cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ ba.

 
 
Tuy nhiên, đại diện đảng Dân chủ cho rằng, chính sách an ninh quốc gia mà ông thực thi vẫn đang đi đúng hướng. Với thế mạnh là có gần 4 năm kinh nghiệm đảm nhiệm vị trí Tổng tư lệnh quân đội, ông Obama nhấn mạnh, thay vì phát động một cuộc chiến tại Syria, Mỹ nên làm nhiều hơn để mang lại cái kết cho tình trạng bạo lực tại quốc gia này cũng như chế độ của Tổng thống al-Assad.
 
Đặc biệt, trong khi ông Romney duy trì quan điểm hải quân Mỹ cần phải tăng quy mô, Tổng thống Obama lại mỉa mai "bản chất quân đội chúng ta đã thay đổi" vì đã có "những thứ được gọi là tàu sân bay, nơi các chiến đấu cơ đậu ở đó".
 
Ngoài ra, các chính sách ngoại giao "thêm bạn, bớt thù" của ông Obama với các đối tác quan trọng bậc nhất hiện nay như Nga, Trung Quốc... đã thuyết phục được hầu hết cử tri hơn là chính sách cứng rắn của đối thủ Romney. Theo kết quả thăm dò sau cuộc tranh luận, phần thắng đã nghiêng hẳn về phía đương kim Tổng thống.
 
Đây được coi là kết thúc có hậu cho một chiến thuật tranh cử dài hơi mà ông Obama và đội ngũ vận động tranh cử đã theo đuổi. Nếu như tại vòng tranh luận đầu tiên, thái độ nhún nhường thái quá, thể hiện sự sa sút phong độ đáng ngạc nhiên của đại diện đảng Dân chủ đã bị các phương tiện truyền thông tập trung phân tích mà bỏ qua những yếu kém trên thực tế trong chính sách điều hành kinh tế của ông.
 
Đến vòng tranh luận thứ 2 và thứ 3, ông Obama đã "lột xác" hoàn toàn và xây dựng nên một hình ảnh hoàn hảo của một nhà lãnh đạo có đủ bản lĩnh, tố chất để đảm nhiệm vị trí Tổng thống.