Hơn 2 thập kỷ qua, không biết bao nhiêu ông bầu đã đến với bóng đá chuyên nghiệp rồi đi. Bên cạnh những ông bầu gắn thương hiệu lên áo thi đấu của CLB, với vài dự án (chủ yếu là bất động sản) liên quan đến địa phương, khi đến thì trống, chiêng ầm ĩ rồi vài năm lặng lẽ ra đi không ai hay. Bóng đá đối với các ông bầu đó đơn thuần “Tình yêu như con chuồn chuồn/Khi vui thì đậu, khi buồn thì bay”, hết dự án là dừng bóng.
Tập đoàn giáo dục Văn Lang đã tiếp quản Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh PVF. |
Ghi nhận công lao
Nhưng người hâm mộ vẫn thấy còn đó những ông bầu mà dường như bóng đá là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ông Quách Thành Lai (bầu Hưng), người đã bỏ cả núi tiền để tạo dựng nên Trung tâm Thành Long, cụm sân hiện đại nhất Việt Nam và nằm trong top đầu khu vực Đông Nam Á với bốn sân bóng đá đạt tiêu chuẩn thi đấu có câu cửa miệng dành cho các tuyển thủ quốc gia đến đây tập luyện: “Ăn đi, no mới có sức thắng Thái Lan”. Ông đã ra đi nhưng những đóng góp của ông cho bóng đá Việt được người hâm mộ mãi mãi ghi công.
Bầu Đức, trước khi thực hiện động tác “đẩy lỗ” vô cùng ngoạm mục 5.000 tỷ đồng vào cuối năm ngoái vẫn vui vẻ thì đã cùng ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank, TPBank) kiêm nhà sáng lập tập đoàn Vàng bạc đá quý (VBĐQ) Doji móc hầu bao trả lương 20.000 USD/tháng (trước thuế) cho thầy Park trong vòng 2 năm trời. Tính ra bầu Đức đã trả tổng cộng 19,2 tỉ đồng tiền lương cho 2 năm với HLV Park Hang-seo mà không đòi hỏi quyền lợi gì, còn ông Phú “Doji” thậm chí tên tuổi còn không ai biết. Nể thật.
Sứ mệnh chung
Câu chuyện bầu Bình của Sài Gòn FC gần đây khiến cho 3 từ khoá “sứ mệnh chung” đối với nền bóng đá Việt lại được nhắc đến nhiều hơn nữa. Nếu như việc “J League hóa” Sài Gòn FC là việc nội bộ của CLB này, bầu Bình có tiền thì ông có quyền. Thậm chí trên thế giới, người ta chỉ thay đổi HLV trưởng chứ không bao giờ thay đổi cả đội bóng, nhưng mùa giải này có đến 21/28 cầu thủ Sài Gòn FC đã rời sân Thống Nhất, cũng chả có sao.
Nhưng cái việc bầu Bình chọn Trần Danh Trung, cầu thủ thuộc biên chế Viettel vốn “không có dính líu gì đến Sài Gòn FC” lại cùng Cao Văn Triền sang Nhật “học bóng đá và văn hóa của Xứ sở hoa anh đào” vào tháng 7 tới sẽ khiến nhiều người giật mình. Chấp nhận cho cầu thủ quan trọng bậc nhất của mình và một cầu thủ trẻ của lò khác đi ra nước ngoài nâng tầm, nâng trình thì đúng là điều xưa nay hiếm?
Việc bầu Trí, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục Văn Lang tiếp quản Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF tại tỉnh Hưng Yên với tâm niệm: “Với cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu Việt Nam và đội ngũ chuyên nghiệp của PVF, chúng tôi mong góp phần cung cấp nguồn cầu thủ chất lượng cao cho bóng đá Việt Nam trong đó có bóng đá TP.HCM” rất đáng được hoan nghênh.
Câu chuyện bầu Bình của Sài Gòn FC gần đây khiến cho 3 từ khoá “sứ mệnh chung” đối với nền bóng đá Việt lại được nhắc đến nhiều hơn nữa. Ảnh SGFC. |
Câu chuyện 3 doanh nhân 7x có tên lần lượt là bầu Trí, bầu Minh và bầu Bình của Sài Gòn FC trở nên hot hơn khi họ đã mua lại và tiến hành cải tạo, sửa sang các hạng mục công trình tại Trung tâm TDTT Thanh Long để phát triển bóng đá thành phố Hồ Chí Minh và lớn hơn là đội tuyển quốc gia.
Nếu như việc HLV Vũ Tiến Thành nhường ghế HLV trưởng cho cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Nhật Bản Shimoda Masahiro để nắm chức vụ mới là Giám đốc bóng đá PVF là công việc nội bộ thì việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, con người lớn thế ắt phải được hiểu là vì “sứ mệnh chung”.
Nếu như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Hiển và những doanh nhân yêu bóng đá khác đã chung tay đem về Việt Nam 2 tấm HCV AFF Cup và SEA Games thì giờ đây người ta trông chờ thế hệ ông bầu 7X, 8X sẽ làm được điều gì đó tương tự và lớn hơn.