Tính từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh, Masan đã huy động được gần 3,5 tỷ USD nguồn vốn dài hạn để tài trợ các dự án chiến lược giúp tăng trưởng công ty. Theo đó, hệ thống ngành hàng tiêu dùng của Masan Group ngày càng mở rộng với những tên tuổi như Vinacafé Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn, Masan MeatLife, Cholimex, Vissan, Công ty CP Bột giặt Net… Mỗi năm Masan Group nghiên cứu, phát triển, đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới. Masan vẫn không ngừng nghỉ trong việc tìm ra những sản phẩm mới nhằm làm hài lòng người tiêu dùng. Nhưng Masan Comsumer vẫn thiếu đi một mắt xích quan trọng: Không tiếp cận được trực tiếp với khách hàng. Chính vì vậy, việc sáp nhập VinCommerce vào Masan là bước đột phá của Masan Group, nhằm đẩy nhanh các chiến lược phát triển tập trung tạo ra những giá trị thiết thực phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Riêng 3.000 điểm bán hàng hiện đại của VCM sẽ giúp công ty rút ngắn vòng phản hồi giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng, từ đó giúp tăng tỷ lệ thành công của các sản phẩm cải tiến. |
Sứ mệnh của The CrownX - “Lá át bích” của Masan
Kinhtedothi - Khi thương vụ sáp nhập Vincommerce vào Masan (VCM), thông qua việc hoán đổi cổ phần giữa VinCommerce và VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup và Masan Consumer (MCH) - thành viên của Masan Group cuối năm 2019, đã có không ít nhà đầu tư lo ngại khoản lỗ mà Masan phải gánh từ báo cáo tài chính của Vincommerce.
Tiếp diễn thương vụ tỷ USD
Thực tế, hoạt động của Vincommerce, đơn vị vận hành hai chuỗi Vinmart và Vinmart+, đã lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ít nhất hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Còn trong báo cáo mới nhất của Masan, trong quý I/2020, công ty ghi nhận các chi phí tăng đột biến sau khi nhận sáp nhập VCM.
Doanh thu quý I/2020 của tập đoàn đã tăng thêm gần 9.500 tỷ đồng lên mức 17.638 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 116%; riêng giá vốn hàng bán tăng thêm gần 8.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng 140% so với cùng kỳ, điều này khiến lãi gộp chỉ tăng 60% so với cùng kỳ lên mức 3.962 tỷ đồng.
Trong khi đó, hàng loạt chi phí kèm theo đã tăng cao đột biến so với trước sáp nhập. Trong đó, chi phí tài chính, quản lý và bán hàng lần lượt ghi nhận mức 782, 3.107 và 802 tỷ đồng, tăng lần lượt 48%, 282% và 63% so với cùng kỳ năm trước. Sức nặng từ VCM đã khiến Masan lần đầu báo lỗ sau nhiều năm liên tục lãi lớn. Mức lỗ sau thuế thuộc về cổ đông Masan là 78 tỷ đồng so với con số lãi 865 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về kết quả kinh doanh quý I, ban lãnh đạo Masan vẫn tỏ ra tự tin với những gì đạt được. Đặc biệt, công ty đã có kế hoạch đưa hai chuỗi Vinmart và Vinmart+ tiến gần hơn đến điểm hòa vốn vào cuối năm nay.
Tổng Giám đốc Masan Group Danny Le cho hay, mặt bằng, nhân sự là chi phí lớn nhất của chuỗi siêu thị. Vấn đề lớn nhất cần giải quyết là tăng năng suất. Công ty đang ráo riết thực hiện loạt giải pháp tái cơ cấu bao gồm danh mục sản phẩm, tối giản chi phí, đóng bớt các cửa hàng kém hiệu quả và sắp xếp lại hoạt động logistics đồng thời đàm phán với chủ nhà mặt bằng để giảm chi phí mặt bằng xuống mức ngang đến thấp hơn bình quân của Việt Nam. Thực tế, đã có những tín hiệu tích cực tại các chuỗi cửa hàng khi tăng trưởng doanh số bán hàng cùng cửa hàng đạt mức hai chữ số tại Hà Nội, các TP cấp 1 và cấp 2.
Hoạt động của VinCommerce cũng đã có sự cải thiện đáng kể sau hợp nhất vào Masan, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao trong quý I/2020 đã đạt mức 5,1%. Dù chưa có kết quả chính thức, nhưng theo ông Danny Le, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ trong quý II đã là con số dương.
Mặc dù đang phải gánh lỗ từ VCM, lãnh đạo Masan vẫn rất tự tin vào sự thành công mà thương vụ này mang lại. Trước đó, ngày 12/6, HĐQT Masan công bố thông qua Nghị quyết HĐQT về tán thành việc thành lập Công ty TNHH The Sherpa và Công ty The CrownX. Trong đó, The CrownX sẽ là công ty con nắm giữ 83,74% cổ phần VCM (đơn vị sở hữu 100% vốn VinCommerce - vận hành chuỗi Vinamart, Vinmart+) và 85,71% vốn tại Masan Comsumer Holdings (Công ty sở hữu 95,24% vốn tại Masan Comsumer).
Theo báo cáo tài chính của Masan Group, đến cuối tháng 12/2019, giao dịch cơ bản đã được hoàn tất. Masan Group đã tiếp quản 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty mới - The CrownX ngày nay. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức sáng 30/6, các cổ đông Masan đã thông qua nghị quyết của HĐQT về việc mua thêm 15% cổ phần của The CrownX.
Sứ mệnh của The CrownX
Trong tiếng Anh, từ Crown nghĩa là vương miện, Masan cho biết đây là cách công ty nhìn nhận khách hàng giống như những vị vua, nữ hoàng. Chữ cái X đi kèm tượng trưng cho sự đổi mới, sáng tạo, nhấn mạnh vai vai trò của công nghệ như một nhân tố không thể thiếu hướng đến sự toàn diện.
Song, The CrownX cũng có một ý nghĩa nữa đó là hướng về đỉnh núi. Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang, cho biết: “20 năm qua, mục tiêu của Masan rất đơn giản, đó là con đường chúng ta chọn. Con đường Masan đó là phục vụ lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam. Đó là con đường mà Masan luôn tìm thấy ý nghĩa trên mỗi chặng đường đi”.
Tuy nhiên, chứng kiến công nghệ đang thay đổi cuộc sống, hành vi, thói quen tiêu dùng thay đổi, ông Quang cho rằng, trong kinh doanh, thứ duy nhất không thay đổi đó là ngọn hải đăng dẫn dắt mọi hành trình của chúng ta. Cũng giống như mục tiêu, lý tưởng trong cuộc đời của mỗi con người để theo đuổi. Và để đi đến đích, Masan cần có những sự thay đổi kịp thời. Theo lãnh đạo Masan, doanh thu hàng năm của MCH gần 1 tỷ USD nhưng vẫn chỉ chiếm một góc nhỏ trên thị trường.
Với The CrownX, Masan không chỉ tham vọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc và hỗ trợ cho hoạt động hiện tại của MCH, mà còn mong muốn hợp lực với các nhà sản xuất trong nước tạo nên nhãn hàng độc đáo riêng biệt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tạo lợi thế cạnh tranh so với nhà bán lẻ khác.
Theo nghiên cứu của Masan, chính các sản phẩm độc quyền là chiếc chìa khóa trong việc thiết lập danh mục hàng hóa hiện đại, độc đáo, khác biệt, giúp các nhà bán lẻ như Walmart giữ vững vị trí số 1 toàn cầu, Tesco số 1 tại Anh hay Marcadona đứng số 1 tại Tây Ban Nha.
Trong tương lai, chiến lược phát triển của Masan là sẽ tận dụng mạng lưới bán hàng kênh truyền thống của MCH và nền tảng của VCM để phát triển mô hình nhượng quyền, hướng đến 20.000 cửa hàng nhượng quyền với sự đóng góp đáng kể của sản phẩm độc quyền trong danh mục sản phẩm.
Dù vậy, lãnh đạo công ty vẫn tin rằng một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và sớm muộn cũng sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa và tầng lớp trung lưu có chiều hướng tăng nhanh. Theo đó, các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% thị trường bán lẻ trong tương lai gần so với mức khoảng 8% như hiện nay.
Có thể thấy, quyết định chi 1 tỷ USD tiền mặt để gom thêm cổ phần của MCH rõ ràng là một bước đi táo bạo của ban lãnh đạo công ty trong thời điểm hiện tại. Bởi sau một loạt thương vụ M&A, hiện dư nợ vay ngắn và dài hạn của công ty đã ở mức trên 39.000 tỷ đồng vào cuối quý I/2020, tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2019 và tăng thêm 14.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Masan cho rằng, để tăng trưởng bền vững trong một thị trường đang phát triển như Việt Nam đòi hỏi phải xây dựng các hoạt động kinh doanh tạo ra dòng tiền vững mạnh. Công ty không tham gia vào hoạt động mua bán tài sản như đầu tư bất động sản hoặc hoạt động đầu cơ ngắn hạn mà chỉ tham gia vào những lĩnh vực có nội lực tăng trưởng mạnh, có mô hình kinh doanh hiệu quả đã được chứng thực từ khối kinh tế tư nhân và có tiềm năng xây dựng DN quy mô lớn.
Năm 2020, Masan Group sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà sẽ nỗ lực để đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng quy mô. “Tôi tin rằng, nếu cùng thực thi quyết liệt và kiên định với chiến lược, chúng tôi không những sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận hai chữ số” - Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang nói.