Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sứ mệnh lớn của doanh nghiệp tư nhân

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Để thực hiện điều này không chỉ là quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành, địa phương mà rất cần sự đóng góp của cộng đồng DN nói chung, DN tư nhân nói riêng.

Phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu"

Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ đề ra gồm: hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…

Cùng với đó là những giải pháp như các địa phương, DN trong nước, ngoài nước, DN FDI phải đồng bộ tăng trưởng. Vì thế, ngay trong tuần qua, Thường trực Chính phủ đã gặp gỡ các DN tư nhân lớn, ngân hàng về nhiệm vụ, giải pháp để tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Phối cảnh Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh.
Phối cảnh Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh.

Thực tế, Việt Nam đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

Hòa vào công việc chung của đất nước, các DN tư nhân đã không đứng ngoài cuộc mà phát huy mạnh mẽ tinh thần "doanh nghiệp dẫn đầu". Ví như vừa qua Chính phủ đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (Thaco) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao. Hay như tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao; tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

Dù vậy, nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi cả hệ thống trong đó có các DN phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn như sự ra đời của các ngành công nghiệp mới; sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo dịch chuyển các dòng vốn đầu tư; sự điều chỉnh trong cấu trúc thương mại, gia tăng hàng rào thuế quan; xung đột vũ trang; đặc biệt là rủi ro về một "cuộc chiến thương mại" toàn cầu đang hiện hữu. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.

Cam kết cùng doanh nghiệp làm các dự án lớn

Tại cuộc gặp gỡ giữa Thường trực Chính phủ với DN về nhiệm vụ, giải pháp để DN tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong Kỷ nguyên mới được tổ chức ngày 10/2, nhiều DN đã hiến kế và đề xuất với Thủ tướng về việc tham gia các dự án lớn của đất nước. Nhất là tham gia đầu tư, thực hiện các dự án quan trọng, dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoáng sản thiết yếu, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…, tạo ra giá trị gia tăng, vươn tầm khu vực và quốc tế.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương mong muốn sản xuất toa tàu cho đường sắt đô thị, trong khi Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất ray và cung cấp thép chế tạo cho các dự án đường sắt. Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang đề xuất cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư vào sản xuất điện hay cơ chế để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng...

Chủ tịch điều hành Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển, chia sẻ về việc hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hàng không, bao gồm: sân bay, đô thị sân bay và tổ hợp hàng không, với việc nắm giữ 75% cổ phần Vietravel Airlines và làm việc với Boeing. Ông cũng kiến nghị đầu tư vào hạ tầng đường vành đai 4.

Trong khi đó, chủ tịch Tập đoàn BRG Lê Thị Nga cam kết xây dựng TP thông minh Bắc Hà Nội. Đây sẽ là TP trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. Vì vậy, bà kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, thuế phí và đề xuất có chương trình quốc gia về đổi mới sáng tạo... Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đề nghị "bình dân AI vụ”, nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. Chính phủ chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực HDBank, kiến nghị Chính phủ và NHNN thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn; giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho các chương trình ưu tiên; điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu. “Chính phủ đã tiên phong, DN phải đổi mới, ngân hàng phải đồng hành” - bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh.

 Còn ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, kiến nghị cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng và tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 như NHNN đặt ra hoàn toàn khả thi.

Xây dựng thể chế thông thoáng

Khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 45% GDP, hơn 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% lao động cả nước, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vì vậy, Thủ tướng kỳ vọng DN, doanh nhân tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đóng góp hiệu quả vào ba đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh và tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội… Chính phủ tái khẳng định cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Rà soát, hoàn thiện thể chế theo hướng thông thoáng, xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời xóa bỏ cơ chế xin - cho, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí tuân thủ.

Thủ tướng đã thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, đặc biệt là Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình làm trưởng ban.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu chính quyền các cấp phải tăng cường đối thoại với DN, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời. Sắp tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án phát triển DN dân tộc đóng vai trò dẫn dắt và đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Năm 2025, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ, ngành, các DN Nhà nước, các lĩnh vực. Ngoài đối thoại chính sách, Thủ tướng còn "huy động nguồn lực" một cách trực tiếp với lãnh đạo các DN, mời DN tham gia vào những dự án cụ thể, có quy mô, tầm vóc rất lớn. Với tất cả sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng của cộng đồng DN, toàn thể hệ thống chính trị, tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và đột phá trong thời gian tới.

 

Cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ và DN không chỉ thể hiện tinh thần đồng hành mà còn là động lực để xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và bền vững. DN đang rất trông chờ sự ổn định của các cơ chế, chính sách, và những cam kết thực thi. Họ cần cả sự thông thoáng, thuận lợi của môi trường kinh doanh chung. Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện và tin rằng, các yêu cầu, nhu cầu của DN có cơ sở để xem xét, đáp ứng sớm, nhất là khi các bộ, ngành đang sắp xếp, cắt giảm đầu mối..

Nguyễn Minh Thảo - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư