Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự nỗ lực cần từ nhiều phía

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/4, các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đồng loạt mở cửa đón trẻ tới trường. Đây là cấp học cuối cùng trong hệ thống giáo dục của Hà Nội trở lại trường trong điều kiện bình thường mới sau hơn một năm phải ở nhà do dịch bệnh.

Cũng bởi vậy, đây cũng thực sự là ngày hội không chỉ của cô và trò các trường mầm non trên địa bàn thành phố mà còn của mỗi gia đình có con ở độ tuổi này.

Để có ngày hội đến trường trong không khí tươi vui, hồ hởi này, Hà Nội, trước hết là ngành giáo dục, y tế và các cơ sở giáo dục mầm non đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo. Đến mức đã có đánh giá là Hà Nội đã quá thận trọng. Cần phải khẳng định rằng, sự thận trọng đó là cần thiết.

Hà Nội là một trong những địa phương đi qua đỉnh dịch khá muộn, lại là trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch… nên sự bảo đảm an toàn, khả năng kiểm soát dịch bệnh cần phải được đặt lên trên hết. Hơn nữa, với trẻ ở độ tuổi mầm non, năng lực tự bảo vệ, tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa cao nên càng cần được quan tâm chú ý.

Theo thống kê sơ bộ, ở hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ trẻ đến trường trong ngày đầu đạt hơn 80%, tương đương với tỷ lệ khảo sát ý kiến phụ huynh trước đó. Đây là kết quả của việc chuẩn bị công phu, chu đáo của các ngành hữu quan các cấp như Giáo dục, Y tế…, mà trực tiếp nhất là các nhà trường, cơ sở giáo dục mầm non. Việc bảo đảm an toàn cho trẻ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu với các công việc từ chuẩn bị điều kiện vệ sinh trường lớp, thực hiện các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh… đến bảo đảm từng bữa ăn, giấc ngủ, giờ học của trẻ.

Có thể nói, các cơ quan chức năng mà cụ thể, trực tiếp nhất là các trường mầm non đã làm mọi việc với cố gắng cao nhất để đón trẻ đến trường được an toàn.

Tuy nhiên, cần xác định đây chỉ là kết quả ban đầu. Để duy trì được kết quả này, còn là cả một quá trình phấn đấu dài hơi, điều đó không chỉ cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, mà còn cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Như hiệu trưởng một trường mầm non nhận định: Khác với cấp học phổ thông, trẻ mầm non còn nhỏ nên việc tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh khó khăn hơn, vì vậy ngoài sự ân cần, chăm chút, ý thức trách nhiệm của giáo viên, còn cần sự phối hợp của phụ huynh, mà trước hết là sự chuẩn bị thật tốt cho con em mình khi trở lại trường, cả về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.

Về việc này bà Trần Bích Chi - Hiệu trưởng trường Mầm non Việt - Bun chia sẻ, để bảo đảm an toàn cho trẻ, nhà trường tuân thủ nguyên tắc: Người chăm sóc trẻ và trẻ phải có sức khỏe bình thường mới đến trường. Hằng ngày, các cô giáo và phụ huynh trao đổi tình hình sức khỏe của từng trẻ, nếu trẻ có nhiệt độ từ 37,5 độ C trở lên hoặc có dấu hiệu bất thường thì chủ động nghỉ ở nhà.

Nếu các thành viên trong gia đình trẻ có dấu hiệu không bình thường về sức khỏe cũng cần được thông tin. Điều đó cũng nói lên vai trò rất quan trọng của sự phối hợp giữa phụ huynh với giáo viên, giữa gia đình và nhà trường, cũng là khẳng định trách nhiệm của mỗi phụ huynh về sự an toàn của con em mình khi đưa con em đến trường.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường cần sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương từ nhiều phía. Và điều đó không chỉ cần thiết với trẻ ở cấp học mầm non.