Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự ra đời của G7 taxi: Kỳ vọng mới cho taxi truyền thống

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự lớn mạnh của “ông kẹ” taxi công nghệ Grab, 3 hãng taxi truyền thống đã quyết định “bắt tay” để lập nên G7 taxi. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là động thái tích cực để taxi truyền thống phát huy nội lực, giành lại thị phần.

Việc cùng nhau hình thành các trung tâm taxi và phần mềm (App) sử dụng chung sẽ giúp các hãng taxi truyền thống không chỉ phát huy được tiềm lực nội tại để cạnh tranh với Grab mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.
Tham vọng cạnh tranh sòng phẳng với Grab

Câu chuyện bắt đầu từ cuối tháng 8/2018 khi 3 hãng taxi truyền thống tại Hà Nội là Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội thống nhất thành lập hãng G7 taxi. Hãng taxi công nghệ mới này đã chính thức hoạt động từ tháng 10/2019. Chủ tịch taxi Thành Công Nguyễn Anh Quân cho biết, việc tham gia vào G7 taxi của hãng không nằm ngoài mục tiêu tạo ra một thế lực mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với taxi công nghệ. Điều dễ nhận thấy nhất là thị trường taxi truyền thống của Việt Nam hiện nay vẫn đang tồn tại manh mún, nhỏ lẻ nên khó có sức cạnh tranh với Grab, đặc biệt khi “ông kẹ” này vẫn ngày một phát triển và chiếm lĩnh thị trường taxi công nghệ ở nước ta.
 Taxi G7 hoạt động tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Ông Quân cho hay, không ít các hãng taxi ở Hà Nội hiện nay chỉ có dưới 100 xe, dẫn tới tiềm lực tài chính và năng lực cạnh tranh bị hạn chế. Việc liên kết là xu hướng tất yếu để gia tăng sức mạnh. Chủ hãng taxi Thành Công nhận định, dù việc hợp nhất vào G7 taxi sẽ khiến hãng mất đi thương hiệu đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng bù lại, taxi Thành Công cũng như hai hãng còn lại được lợi từ việc tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, có môi trường kinh doanh với quy mô lớn hơn để phát triển.

Được biết, khi đồng ý tham gia vào G7 taxi, 3 hãng taxi truyền thống là Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội được cam kết đầu tư tài chính và công nghệ để phát triển taxi truyền thống. Mô hình mà G7 taxi sử dụng tương tự như mô hình quản lý taxi mà Hàn Quốc đang áp dụng. Đó là việc các hãng tham gia sẽ cùng sử dụng chung App của G7 taxi và trả tiền hàng tháng cho đơn vị này. Việc vận hành của các hãng được thực hiện trên nền tảng của G7 taxi và tuân thủ đúng quy định của G7 taxi. Ngược lại, các hãng cũng sẽ ủy quyền cho G7 taxi quản lý phương tiện và tài xế của họ. Các hãng cũng sẽ không còn các bộ phận nhận diện trước kia như logo, tem, mào.

"Việc hợp nhất các đơn vị nhỏ lẻ sẽ tạo sự cạnh tranh mang tính quy mô hơn để đẩy mạnh hoạt động vận tải bằng taxi, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đứng về người sử dụng dịch vụ, điều này đem lại sự tiện lợi, qua đó sẽ tạo được sự cạnh tranh mang tính công bằng, công khai." - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải

(Bộ GTVT) Nguyễn Xuân Thủy

Ông Phan Trọng Tuệ - đại diện G7 taxi cho biết, với 3 hãng cam kết tham gia cùng thì hiện đã có khoảng 3.000 xe taxi thỏa thuận hoạt động chung với G7 taxi. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm nhiều hãng taxi truyền thống nữa sẽ gia nhập “mái nhà” G7 taxi. Thậm chí, ông Tuệ rất tự tin về tương lai không xa, với sự tham gia của nhiều hãng taxi khác cùng số lượng phương tiện lớn, G7 taxi hoàn toàn có khả năng cạnh tranh được với Grab. “Hiện nay, Hà Nội có khoảng 70 hãng taxi với khoảng 17.000 phương tiện nhưng hãng lớn nhất cũng chỉ có hơn 1.000 xe, tức là chỉ chiếm chưa tới 7% thị phần. Đây chính là điểm yếu khiến các hãng taxi truyền thống khó cạnh tranh được với các hãng taxi công nghệ” - ông Tuệ phân tích.

Cần được khuyến khích

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm – Chuyên gia Kinh tế, Tài chính khẳng định, việc các hãng taxi truyền thống cùng nhau hợp nhất tạo thành G7 taxi là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường taxi Việt Nam. “Hiện nay chưa bàn đến việc hợp nhất này có mang đến hiệu quả cao hay không vì điều đó cần có thời gian để theo dõi, đánh giá về tất cả các mặt như chất lượng dịch vụ, giá cả, hiệu quả kinh tế... Tuy nhiên, việc hợp nhất này là một điểm tích cực cần được khuyến khích, tạo điều kiện để các hãng taxi truyền thống có cơ hội sáng tạo, tiếp cận xu thế phát triển hiện đại của thế giới” - ông Kiêm nói.

Nhận định về việc hợp nhất của 3 hãng taxi, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, để đi tới quyết định trên, đương nhiên các hãng đã có thời gian nhìn nhận, đánh giá sự vận động của thị trường cũng như xu thế phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0. Họ đã nhận ra cái gì cũ kỹ, lạc hậu cần thay đổi và cái gì tiên tiến cần tiếp cận. Xét về mặt khuynh hướng, việc liên kết các hãng lại thành một, sử dụng công nghệ hiện đại vừa giúp khắc phục những hạn chế của taxi truyền thống, vừa phát huy được những thế mạnh nội tại mà nếu làm riêng rẽ các hãng taxi truyền thống sẽ khó có thể làm được. Điều này giúp cho việc phục vụ khách hàng được tốt hơn, vừa tiếp cận được công nghệ mới.

Đồng quan điểm trên, TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc các hãng taxi liên danh, hợp nhất với nhau là một bước đi đúng hướng. Việc hợp nhất DN vận tải với quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình quản lý hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tính chuyên nghiệp... đem lại lợi ích cho khách hàng, cho người dân, đồng thời cũng tạo ra một đầu mối dễ nhớ, dễ nhận diện hơn cho người dân khi phải nhớ quá nhiều số điện thoại của từng hãng taxi. “Với cơ quan quản lý, quản lý một đầu mối đương nhiên sẽ đơn giản và hiệu quả hơn quản lý nhiều đầu mối. Việc phổ biến các văn bản pháp luật, thanh tra giám sát, xác định trách nhiệm cũng sẽ tinh giản, nhanh hơn” - ông Minh nói.