Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự thật về lỗ hổng bảo mật Zalo

Huyền Linh - Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, người dùng Zalo tỏ ra lo lắng vì tin tức một hacker rao bán cách chiếm đoạt tài khoản Zalo chỉ bằng một đường link. Theo các chuyên gia, nếu nội dung rao bán của tin tặc này là có thật, sẽ chỉ ảnh hưởng tới người dùng Zalo trên máy điện thoại chạy hệ điều hành Android.

99% nạn nhân có thể bị hack?

Trên diễn đàn trao đổi dữ liệu của hacker tên Raid***, một tài khoản mới lập vào tháng 8/2021 mang tên ilovevng đã đăng bài chào bán lỗ hổng 0-day (Zero day) giúp chiếm quyền kiểm soát bất kỳ tài khoản Zalo Chat hay Zalo Pay nào.
Cụ thể, tin tặc cho biết cần phải gửi một đường link tới nạn nhân thông qua ứng dụng Zalo. Chỉ cần nạn nhân nhấn vào đường link đó, tài khoản của họ sẽ thuộc về bạn mà không cần phải làm thêm bất kỳ thao tác nào khác. Nhân vật này cũng cam kết cung cấp mẹo để khi gửi link thì 99% nạn nhân sẽ nhấn vào mà không nghi ngờ gì. “Lỗ hổng này không để lại bất kỳ dấu vết nào, không cảnh báo… Nạn nhân có thể là bất kỳ ai...” - người rao bán thông tin.
Người mua cũng được hứa hẹn cung cấp video bằng chứng quá trình khai thác lỗ hổng bảo mật nói trên thành công trước khi thanh toán cho tin tặc. Phương thức thanh toán duy nhất được chấp nhận là tiền điện tử.
Cũng giống như nhiều bài rao bán dữ liệu khác được đăng tải trên diễn đàn này, chủ đề của thành viên nói trên được khá nhiều người quan tâm chỉ sau một ngày xuất hiện. Trong số này đã có những người liên hệ và nhận được bằng chứng từ người bán. Tuy nhiên, một thành viên diễn đàn từ năm 2019 lập tức phản hồi rằng quá trình khai thác lỗ hổng đó giống y hệt với lỗi từng được một hacker khác công khai trước đó.

Nên sử dụng dịch vụ internet an toàn

Theo chuyên gia an toàn thông tin mạng của hãng bảo mật F-Secure Corporation, cách hacker viết bài rao bán này rất lạ. Thông thường, người bán trong diễn đàn cung cấp thông tin về lỗ hổng bảo mật hoặc ảnh chụp màn hình như một cách để đảm bảo với người mua về mặt hàng rao bán của mình là chính xác. Tuy nhiên trên những diễn đàn này cũng rất nhiều các bài viết lừa đảo hoặc nhằm mục đích lợi ích khác.
Theo chuyên gia, ở ngay đoạn đầu quảng cáo của tin tặc, ta có thể thấy tin tặc viết là  "3 - 4 lỗ hổng khác nhau". Nó phải cụ thể là 3 hoặc 4.
  Dòng code báo lỗi (Nguồn: F-Secure)

Ngoài ra, tin tặc này có vẻ là người mới vì tài khoản đăng thông tin này là mới được tạo. Đồng thời trong bài viết có tiết lộ những thông tin không cần thiết như "Tôi biết nhiều kỹ sư bảo mật của VNG chơi CTF,..." Điều này có thể cho thấy người rao bán này tuổi còn trẻ và không có kinh nghiệm. Ở gần cuối bài đăng, người bán này nói rằng chuỗi khai thác đó không phải là lỗ hổng, ngược lại hoàn toàn nội dung ở đầu bài viết là điều còn khó hiểu hơn.
  Dòng code báo bẻ khóa (Nguồn: F-Secure)
"Những thông tin trên dẫn tới phán đoán của chúng tôi về người bán là người mới và không tự tin về những phát hiện của mình" - chuyên gia F-Secure cho biết.
Nội dung bài đăng gợi ý về việc khai thác có thể nhắm mục tiêu hệ điều hành trước (như lấy quyền truy cập root trong android) trên thiết bị di động và sau đó khai thác payload có thể ăn cắp cookie/thông tin đăng nhập của ứng dụng trò chuyện Zalo, điều này có thể được thực hiện trên cả facebook và gần như bất kỳ ứng dụng nào nếu bạn có quyền truy cập vào thiết bị dưới dạng root (ví dụ như một ứng dụng gián điệp / trojan gửi thông tin đăng nhập cho kẻ tấn công).
Nếu nội dung rao bán của tin tặc này là có thật, chúng tôi cho rằng nó sẽ chỉ ảnh hưởng tới người dùng Zalo trên máy điện thoại chạy hệ điều hành Android, vì với hệ điều hành iOS phiên bản mới nhất thì hiện chưa có lỗ hổng nào được biết đến để “bẻ khóa và giành quyền truy cập root”.
Vì vậy, F-Secure khuyến cáo người dùng hãy nâng cấp phiên bản hệ điều hành mới nhất cho thiết bi, sử dụng Firewall (tường lửa) để giám sát nguồn gốc và điểm đến của các kết nối ứng dụng, đồng thời cài đặt phần mềm bảo mật thiết bị trên máy tính hoặc máy điện thoại của mình, cũng như sử dụng dịch vụ internet an toàn để bảo vệ các truy cập ra internet. Tại Việt Nam, F-Secure hợp tác với FPT Telecom cung cấp dịch vụ Internet an toàn F-Safe để bảo vệ tất cả các thiết bị thông minh trong hộ gia đình không truy cập vào những trang web độc hại, giả mạo…