Sự thật việc chỉ nghe điện thoại cũng bị mất tiền

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, điện thoại người dùng sẽ không bị đánh cắp dữ liệu hay tiền từ tài khoản nếu chỉ nghe các cuộc gọi từ số lạ.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền các thông tin về việc người dùng nghe điện thoại từ số lạ (có đầu số (059, 093...) là sẽ mất ngay số tiền lớn. Những thông tin này đang được phát tán với tốc độ chóng mặt và gây hoang mang cho người dùng.

 Thông tin lan truyền trên mạng về việc người dùng bị mất tiền khi nhận cuộc gọi từ số lạ là hoàn toàn sai sự thật.
 Thông tin lan truyền trên mạng về việc người dùng bị mất tiền khi nhận cuộc gọi từ số lạ là hoàn toàn sai sự thật.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho hay, đây chỉ là những số điện thoại thông thường, và việc nhận cuộc gọi sẽ không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng với người dùng.

Trong trường hợp gọi lại hoặc thao tác theo hướng dẫn như bấm phím số 1, 2… từ cuộc gọi của một số thuê bao, người dùng có thể bị trừ cước viễn thông.

Trường hợp bị cuộc gọi dẫn dụ vào đường link lừa đảo, hoặc tải file có nguy cơ đánh cắp thông tin. Hay, bị dẫn dụ đầu tư tài chính hoặc thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn của cuộc gọi. Thì người dùng có thể bị đánh cắp dữ liệu hoặc tiền.

Tuy nhiên, các đối tượng không thể xâm nhập được điện thoại của người dùng khi chỉ thực hiện thao tác nhận cuộc gọi.

Tin giả về chuyện nghe điện thoại mất tiền đã xuất hiện trong vài năm qua. Về vấn đề này, Bộ TT-TT từng khẳng định: "Tại Việt Nam, không có dịch vụ điện thoại nào mà người nghe phải trả tiền. Việc gọi lại hoặc thao tác bấm số rồi bị sao chép thông tin liên lạc, ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản là không hề có cơ sở. Không thể xâm nhập được sim điện thoại của người dùng dù thực hiện thao tác như trên". 

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng nhiều lần đưa ra khuyến cáo người sử dụng nên tỉnh táo và không tiếp tay cho các vụ lan truyền đồn nhảm gây hoang mang cho những người khác. Với cảnh báo lừa đảo, thông tin không rõ ràng được chia sẻ trên diễn đàn, mạng xã hội, người dùng có thể phản ánh với bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng.

Hồi cuối năm ngoái, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng mạng Internet có kiến thức tổng quan, cần thiết để ứng phó và xử lý có hiệu quả tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng, Bộ TT-TT, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã ra mắt “Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”.

Bộ TT-TT cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm xử lý tin giả. Khi nghi ngờ nội dung thông tin trên mạng là tin giả, sai sự thật, người dùng Internet có thể gửi phản ánh tới Trung tâm này qua trang web tingia.gov.vn, thư điện tử online.abei@mic.gov.vn hoặc số điện thoại 18008108.