Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự trở lại của đồ chơi truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như những năm trước, các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc tràn ngập, thì năm nay, các loại đồ chơi tưởng chỉ còn trong ký ức bỗng "hồi sinh".

Ấy là trống ếch, trống bỏi, đèn kéo quân, đèn cù…, tất cả đều là đồ "handmade" mang đầy dấu ấn truyền thống. Điều đáng nói là không chỉ người lớn vui về độ an toàn của đồ chơi, về cách hướng trẻ về với truyền thống, mà trẻ nhỏ cũng thấy thú vị trước những món đồ chơi không hề đắt tiền này.

Rất nhiều chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Thành Công… cho biết, đồ chơi Trung Quốc năm nay bán rất chậm do mẫu mã không có gì mới, trong khi đồ chơi truyền thống Việt Nam lại đa dạng hơn nhiều, cách làm cũng tỉ mỉ, tinh tế hơn trước. Thế nên mặt nạ giấy bồi, trống cơm, lồng đèn xếp giấy… tràn ngập các gian hàng. Tuy không phải tất cả người dạo phố mua đồ chơi Trung thu đều chọn các mặt hàng truyền thống, nhưngđây là một dấu hiệu vui cho thấy trẻ nhỏ và người lớn đã ý thức hơn cho những lựa chọn mang tính khởi đầu của một Tết Trung thu mang màu sắc truyền thống.

Bắt gặp trong dòng người đi chọn lựa đồ chơi cho trẻ một số “ý nguyện” đi tìm những đồ chơi Trung thu làm bằng sắt tây. Ấy là ông Lã Vọng, con thỏ đánh trống, chiếc tàu thủy chạy lạch phạch trong chậu nước… - một trong những món đồ chơi truyền thống ngày nào, giờ không thường trực trong các gian hàng đồ chơi trên phố Cổ. Nhưng thật may là ký ức ấy đã được gợi lại trong những ngày đón Tết Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học. Chị Nguyễn Thị Thuyết (Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa hướng dẫn cho khách cách chơi tàu thủy làm bằng sắt tây tại Bảo tàng Dân tộc học vừa kể về câu chuyện giữ nghề của gia đình: "Hồi tôi về làm dâu, nhà đã có nghề làm đồ chơi dân gian này. Bố chồng tôi bảo, nghề có từ mấy đời rồi. Trước, cứ đến rằm tháng Tám là những người thợ làm đồ chơi bằng sắt tây của làng Khương Hạ, Khương Đình lại lên phố Hàng Thiếc đổ hàng, hết Tết Trung thu mới dọn về". Giờ làng lên phường, các loại đồ chơi truyền thống bị đồ chơi hiện đại lấn át khiến nhiều gia đình bỏ nghề, nhưng gia đình chị Thuyết vẫn quyết tâm bám trụ. Và in dấu trong ký ức về đồ chơi Trung thu không chỉ là các món quà bằng sắt tây, mà còn là những chiếc đèn lồng ngũ sắc, mặt nạ ông địa, ông tiến sĩ giấy, những đồ chơi làm bằng bột nếp… Những "ký ức" ấy đang được người hôm nay hướng về, tái hiện lại trong không gian của Bảo tàng Dân tộc học và hấp dẫn trẻ nhỏ.

Nhớ về đồ chơi dân gian, nhiều người vẫn nhắc đến: Bà Sửu ở Cầu Đông chuyên làm con giống, bà Quý ở Ô Quan Chưởng làm 12 con giáp và các loại ngựa, thuyền rồng, bà cụ Quang ở Lý Thường Kiệt chuyên làm ngũ quả… Hồi nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc còn sống, trong những câu chuyện về Hà Nội ông kể có cả những lưu luyến về những mùa Trung thu trên phố Cổ. Đó là mỗi độ Trung thu, phố Hàng Gai ngập sắc màu của đèn ông sao và ông tiến sĩ giấy, phố Hàng Mã nhộn nhịp với đầu cá chép, đèn thiềm thừ và con giống nặn bằng bột nếp, phố Hàng Thiếc tấp nập với đồ chơi bằng sắt tây…

Niềm lưu luyến của nhà Hà Nội học ngày nào cũng là nỗi niềm của biết bao người vẫn còn nặng lòng với đồ chơi dân gian một thuở. Và niềm vui về sự lên ngôi của đồ chơi truyền thống năm nay chứng tỏ nỗ lực hướng về bản sắc truyền thống đã có kết quả, mở đường cho sự trở lại của đồ chơi truyền thống Việt Nam ở những mùa Trung thu sau.