Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc ban hành Luật để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch tại các luật trên để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành. Đồng thời góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030. “Việc xây dựng luật này căn cứ trên việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể… đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành đảm bảo phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Luật Quy hoạch” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đề cập đến tính khả thi của luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả…Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác có các quy định liên quan đến quy hoạch và giải trình đầy đủ báo cáo thẩm định, các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này cần tuân thủ nguyên tắc chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định trong các luật có nội dung liên quan đến quy hoạch để bảo đảm đồng bộ và thống nhất với Luật Quy hoạch.Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng trong Luật Công chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc luật giao Chính phủ quy định chính là “đẻ” thêm thủ tục hành chính cho nên luật cần phải tránh. Một số ý kiến cũng cho rằng Luật Công chứng đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề của công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của Văn phòng công chứng. Tuy nhiên, luật này lại có 8 nội dung giao Chính phủ quy định, trong đó có cả điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng. Không nên quy định thêm các điều kiện khi chưa có đánh giá tác động về nội dung này.UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý, tiếp tục rà soát kỹ lượng các Luật liên quan; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Luật Quy hoạch vào cuộc sống sao cho đồng bộ, thống nhất, góp phần cải cách thủ tục hành chính.Chiều cùng ngày, trước khi bế mạc phiên họp thứ 24, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).