Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Hà Nội xứng tầm

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/6, Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) họp trực tuyến để đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô và nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) chủ trì hội nghị.

Báo cáo của Tổ công tác cho biết, nhìn chung, sau 8 năm thực hiện Luật Thủ đô (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013), thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tích cực triển khai thực hiện Luật Thủ đô, nhờ đó nhiều quy định của luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận hội nghị.
Nhiều cơ chế, chính sách trong luật đã nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trên cơ sở Luật Thủ đô, thành phố đã ban hành những chủ trương, giải pháp từng bước tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp…
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, nhiều quy định trong Luật Thủ đô vẫn chưa bảo đảm tính khả thi, khó triển khai vào thực tiễn. Trong đó, việc trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội” tại địa bàn ngoài nước còn gặp phải khó khăn, chưa huy động, phát hiện được hết tiềm năng đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực đời sống, xã hội. Ngoài ra, lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển chưa phát huy được vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nhiều lĩnh vực chưa theo kịp trình độ phát triển của khu vực.
Bên cạnh đó, chính sách trọng dụng nhân tài tuy đã được thành phố quan tâm, nhưng chưa thu hút được nhiều sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, cao đẳng, nhà khoa học trẻ có tài năng để tuyển dụng bố trí làm việc tại các cơ quan, đơn vị…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Tổ công tác cần tập trung nghiên cứu kiến nghị, sửa đổi bổ sung xung quanh 3 nhóm nội dung trụ cột, gồm: Chính quyền đô thị; tài chính - ngân sách đặc thù cho thành phố và quản lý đô thị, dân cư đô thị.
“Các nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung một mặt cần bám sát Luật Thủ đô hiện hành, một mặt mở rộng đánh giá theo hướng nhu cầu thực tế, trên cơ sở thực tế để xây dựng Thủ đô xứng tầm trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch đề nghị tổ công tác tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô, trong đó bổ sung nội dung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII.
Bên cạnh đó, trong báo cáo cần xây dựng các phụ lục về kiến nghị, đề xuất về sửa đổi Luật Thủ đô; đánh giá việc tổng kết các Nghị quyết của HĐND thành phố; tập hợp các chuyên đề của sở, ngành liên quan; báo cáo rà soát các văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Thủ đô.