Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, vào sáng thứ hai (18/11), đại biểu Quốc hội sẽ góp ý trực tiếp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.

Như vậy, phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo kế hoạch trước đây sẽ được thay thế bằng việc các đại biểu QH góp ý trực tiếp bằng văn bản.

Cũng theo thông báo thì ngày thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ không thay đổi. Theo đúng kế hoạch đã đề ra, vào sáng 28/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo này.

Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội

Trước đó, vào ngày 5/11, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN (Điều 4), tuyệt đại đa số ý kiến của ĐBQH đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng như dự thảo. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1; quy định rõ cơ chế để thực hiện “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào Điều 4.

 
Sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng - Ảnh 1

Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP), Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng tiếp tục ghi nhận: “Đảng CSVN là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trong toàn bộ Hiến pháp năm 1992 cũng như dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ có duy nhất Điều 4 quy định Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, ngoài Đảng CSVN thì không còn lực lượng nào khác được giao trọng trách này. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một đảng lãnh đạo ở VIệt Nam. Vì vậy, không bổ sung từ “duy nhất” vào Điều 4 Hiến pháp.

Về cơ chế để nhân dân giám sát Đảng, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, như các báo cáo đã giải trình trước đây, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là cơ sở hiến định, là một bảo đảm quan trọng về mặt pháp lý để nhân dân giám sát hoạt động của Đảng. Mặt khác, trong Điều lệ và các văn kiện khác của Đảng cũng đã có các quy định để nhân dân thực hiện cơ chế “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Do đó, cần thể hiện nội dung này như trong Điều 4 của dự thảo.  

Không thành lập Hội đồng Hiến pháp

Về một số thiết chế hiến định độc lập, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp để có cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp hiệu quả hơn và đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này. Có ý kiến đề nghị thành lập thêm một số cơ quan hiến định độc lập khác như Ủy ban thống kê quốc gia, Ngân hàng Trung ương, Hội đồng tư pháp quốc gia để tăng tính pháp quyền của Nhà nước ta, bảo đảm việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước được hiệu quả.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Phan Trung Lý, về cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp, như đã thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình QH tại phiên họp trước, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy: Việc bảo vệ Hiến pháp là một yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, phù hợp với nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã được xác định trong Cương lĩnh và các nghị quyết của đại hội Đảng. Trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị nghiên cứu quy định thành lập Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo Hiến pháp nhưng cần cân nhắc một số nội dung cụ thể về thẩm quyền, về tổ chức và hoạt động của cơ quan này, nhất là mối quan hệ giữa Hội đồng Hiến pháp với các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Do đó, cũng có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hệ thống chính trị của nước ta thì không thành lập Hội đồng Hiến pháp. Do đây là vấn đề mới, lại đang còn ý kiến khác nhau, Ủy ban DTSĐHP đề nghị QH không quy định việc thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp mà tiếp tục tăng cường năng lực và trách nhiệm của QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, nhất là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các thiết chế khác trong việc bảo vệ Hiến pháp.