Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi, hoàn thiện 10 nhóm chính sách trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hôm nay, 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bổ sung Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ rà soát lại toàn bộ các chính sách để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: daibieunhandan.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

Theo đó, 10 nhóm chính sách sẽ được chỉnh lý và hoàn thiện, trong đó có tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề; Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài; quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

10 nhóm chính sách này tập trung vào 5 giải pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân tại các vùng miền, công bằng giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân; Bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự Luật. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội hàm, cơ chế thực hiện và tính khả thi của một số nội dung dự kiến quy định được mở rộng so với luật hiện hành, như về điều trị dự phòng, về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp....

Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng chuẩn bị dự án Luật, nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, như: Bổ sung ý kiến của Bộ Tài chính, nhất là về vấn đề quy định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; làm rõ lý do của việc thu gọn, bổ sung một số chính sách mới; rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa nội dung đánh giá tác động của chính sách với phạm vi áp dụng của chính sách…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn

Về quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám chữa bệnh cho người Việt Nam phải thành thạo sử dụng tiếng Việt trong khám chữa bệnh, không được sử dụng phiên dịch; việc sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Việt trong khám chữa bệnh chỉ áp dụng trong một số trường hợp (ví dụ: khám chữa bệnh nhân đạo, chuyển giao kỹ thuật, khám cho người có cùng ngôn ngữ…) theo quy định của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng: Nội dung chính sách đề xuất này chưa phù hợp. Theo đó, không thu hút được các bác sĩ nước ngoài có trình độ cao đến làm việc, hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam, nhất là đối với một số lĩnh vực khám chữa bệnh mà nước ta còn yếu, cần tranh thủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn của các chuyên gia nước ngoài trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình thêm tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình thêm tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện có hơn 500 người nước ngoài hành nghề ở các chuyên khoa: Y học cổ truyền, thẩm mỹ, răng hàm mặt. Nhưng thực tế quản lý chất lượng rất khó nên có hiện tượng khi kiểm tra thì người hành nghề trốn; một số người phiên dịch lợi dụng để hành nghề mà không có khả năng hành nghề. Hầu như các quốc gia đều yêu cầu thông thạo ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên một số trường hợp không đòi hỏi yêu cầu này như đào tạo, phối hợp thực hiện ca mổ...

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ lý do của việc phải có giấy phép hành nghề (GPHN) đối với 6 nhóm chức danh (bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền) mà không áp dụng đối với những đối tượng khác cũng trực tiếp thực hiện công tác khám chữa bệnh (như y sĩ, cử nhân trị liệu tâm lý, cử nhân phục hồi chức năng...).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị xác định rõ ranh giới giữa y tế dự phòng (ngân sách Nhà nước đảm bảo chi) với khám bệnh, chữa bệnh (quỹ do người dân đóng) để thực hiện đúng, minh bạch, tránh sự xâm lấn. Đồng thời, làm rõ cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước gồm những loại gì, vì hiện có nhiều mô hình; cơ chế quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở tư nhân ai quyết định hay để họ tự quyết; cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh như thế nào...

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ra soát quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Làm rõ nội dung nào chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc để sau này Chính phủ linh hoạt ứng phó mà không cần dùng đến các nghị quyết đặc thù của Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội như phòng chống dịch Covid-19 vừa qua.

Dự Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, đây là Dự Luật rất quan trọng liên quan đến chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nên phải đầu tư công sức nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất, trên tinh  thần chuẩn bị kỹ thì mới trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua như dự kiến.