Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi hoàn thiện các quy định trong Luật báo chí 2016 là nhu cầu cấp thiết

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 15 tham luận cùng ý kiến của các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương và đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí đã được đưa ra trao đổi thẳng thắn, nhằm hoàn thiện pháp luật về báo chí trong thời gian tới, nhất là trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mic.gov.vn
Sửa luật để đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí
Sáng 4/12 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 nhằm đánh giá kết quả, qua đó chỉ ra những thuận lợi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật báo chí, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Có thể nói rằng chưa thời điểm nào mà hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí lại tương đối đầy đủ và thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị áp dụng thực hiện như hiện nay.
Tuy nhiên trải qua 3 năm triển khai thì một số quy định của Luật báo chí 2016 đã có những hạn chế bất cập, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu trong thực tiễn của lĩnh vực báo chí nhất là vấn đề xu hướng phát triển công nghệ hiện nay. Đặc biệt, những diễn biễn mới trong thực tế đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Việc sửa đổi hoàn thiện các quy định trong Luật báo chí 2016 là nhu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Qua đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu trong hội nghị cần tập trung đóng góp ý kiến để làm rõ những vấn đề, những quy định còn bất cập của Luật Báo chí hiện hành liên quan đến mối quan hệ giữa các nhóm chủ thể gồm: Nhóm thứ nhất, quan hệ giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí với một bên là các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí; Nhóm thứ hai là, giữa cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và công dân, tổ chức; Nhóm thứ ba là, những quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương; Nhóm thứ tư là, những quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương và địa phương và các bộ, ngành có liên quan ở trung ương và địa phương; Nhóm thứ năm là, những quan hệ giữa cơ quan báo chí và công dân, tổ chức; Nhóm thứ sáu là, quan hệ giữa cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí và ngược lại.
Nhà báo Vũ Văn Tiến - Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham luận tại hội nghị. Ảnh: Hà Vân.
Sửa luật theo hướng sẽ đưa ra tòa án phân xử
Hội nghị đã có 15 tham luận của các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương và đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp… nhằm hoàn thiện pháp luật về báo chí trong thời gian tới.
Trong đó, nhà báo Vũ Văn Tiến - Trưởng ban Tuyên giáo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa ra 3 đề nghị liên quan đến vấn đề tác nghiệp của phóng viên; siết quy định cấp thẻ nhà báo; tình trạng gỡ, sửa tin bài phổ biến tại các tòa soạn hiện nay.
Trưởng ban Tuyên giáo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị trong Luật báo chí sửa đổi nên có quy định cụ thể hơn, là ngoài thẻ nhà báo thì các cơ quan báo chí được lưu hành thẻ ra vào hoặc thẻ cơ quan như thế nào để quá trình tác nghiệp được nghiêm túc hơn. Thêm vào đó, nhà báo Vũ Văn Tiến cũng đề nghị quy trình cấp thẻ nhà báo phải chặt chẽ, công khai hơn nữa, tránh ảnh hưởng đến uy tín của người làm báo.
Góp ý tại hội nghị, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam Phan Hữu Minh nhấn mạnh, cần làm rõ một số nội hàm quy định trong Luật Báo chí 2016 như quy định về Văn phòng đại diện; Hiệp y bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí; Liên kết trong hoạt động báo chí; Tạp chí Điện tử... Nhà báo Phan Hữu Minh cũng lưu ý cần chú trọng đến công tác nghiên cứu, dự báo các vấn đề phát sinh trong hoạt động báo chí, truyền thông thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 để cập nhật điều chỉnh các nội dung quy định trong Luật Báo chí cho phù hợp với thực tiễn.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mic.gov.vn
Các tham luận khác tại hội nghị cũng đề cập đến nhiều vấn đề còn tồn tại hiện nay như: Bản quyền báo chí, nộp lưu chiểu báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử...
Đánh giá cao những tham luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều đóng góp thêm nữa.
Theo Thứ trưởng, việc thực thi Luật Báo chí 2016 về cơ bản được triển khai tích cực, tuy nhiên có một số trường hợp khi thực thi luật nhưng không hiểu hoặc không nắm rõ luật nên trong khi ứng xử với báo chí không chuẩn. Thậm chí cứ nghe đến báo chí là né, là thoả hiệp.
Bởi vậy, từng cơ quan, đối tượng liên quan của Luật Báo chí từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, ở địa phương cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Báo chí để kịp thời xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Hướng sửa Luật Báo chí tới đây sẽ đưa ra tòa án để phân xử. Các địa phương cần khuyến khích các tổ chức kiện ra toà nếu thông tin sai sự thật, bước đầu đã có doanh nghiệp kiện cơ quan báo chí…
Thứ trưởng khẳng định, việc tiến hành sửa đổi Luật Báo chí tới đây phải khắc phục được những bất cập, những hạn chế mà Luật Báo chí 2016 cũng như thực tiễn đang đặt ra, dự báo được xu hướng phát triển trong thời gian tới.