Đáng chú ý, đề xuất mới nhất là người tham gia BHXH khi luật có hiệu lực sẽ không được hưởng rút một lần.
Những điểm mới đối với đề xuất lao động tham gia BHXH
Bộ LĐTB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Điểm mới đáng chú ý của dự luật trình lần này là Ban soạn thảo đưa ra 3 phương án về hưởng BHXH một lần để xin ý kiến các thành viên Chính phủ.
Trong đó, phương án 1, người lao động (NLĐ) sau khi nghỉ việc 12 tháng không tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, thời gian đóng BHXH dưới 20 năm được hưởng BHXH một lần (như quy định hiện hành).
Phương án 2, sau 12 tháng nghỉ việc, không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, thời gian đóng BHXH dưới 20 năm được hưởng BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% thời gian đã đóng quỹ hưu trí và tử tuất; thời gian đã đóng BHXH còn lại bảo lưu để đóng tiếp sau, hoặc hưởng các chế độ khi hết tuổi lao động.
Phương án 3, không áp dụng chế độ BHXH một lần với người tham gia mới sau khi luật này có hiệu lực (dự kiến từ sau ngày 1/1/2025). Phương án cuối này theo hướng người đã và đang tham gia BHXH vẫn được hưởng chế độ BHXH một lần (hơn 17,5 triệu người đang tham gia), còn người mới tham gia khi luật mới có hiệu lực sẽ không còn áp dụng chế độ BHXH một lần.
Theo Bộ LĐTB&XH, về ưu điểm, phương án này dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần thời gian qua. Theo dữ liệu thống kê giải quyết thời gian qua với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng không giảm nhiều nhưng các năm sau giảm càng nhiều. Từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng so với giai đoạn vừa qua.
Chính phủ phân tích phương án này dần khắc phục tình trạng rút BHXH một lần thời gian qua. Về ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH song về dài hạn sẽ tối ưu hơn, đồng thời ít gây phản ứng. Tuy nhiên, quy định này có nhược điểm là chỉ áp dụng cho NLĐ tham gia BHXH từ khi luật có hiệu lực nên hơn 17,5 triệu lao động đang đóng bảo hiểm vẫn có quyền hưởng một lần. Việc này tạo sự so sánh giữa những người đóng trước và đóng sau.
Với phương án 2, Chính phủ nhận định đây là phương án bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của T.Ư về cải cách chính sách BHXH, hài hòa quyền lợi NLĐ và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Tuy vậy, phương án này có nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần. NLĐ không được hưởng toàn bộ thời gian đóng, đồng thời có thể xuất hiện tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần.
Căn cứ lựa chọn phương án cụ thể
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu (ĐB) Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, phương án 3 là phương án hoàn toàn mới chưa có trong các dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Vì là phương án mới nên cần có đánh giá tác động kỹ. Bởi những NLĐ tham gia BHXH trước ngày 1/1/2025 có thể sẽ được hưởng chính sách khác so với NLĐ tham gia sau ngày 1/1/2025.
Với phương án 2 đã được nêu ra trong dự thảo trước đây song chưa thực sự thuyết phục. ĐB Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, cần tính đến với phần tiền chủ sử dụng lao động, NLĐ đóng vào quỹ hưu trí nên tách thành hai phần (phần cứng và phần mềm). Đối với phần cứng, NLĐ sẽ không được rút. Còn phần mềm coi như một khoản tiết kiệm của NLĐ, sẽ được rút bất cứ lúc nào.
Do vậy, ĐB đề xuất nên tính quy định việc rút BHXH một lần theo lứa tuổi. Trong đó, với những người trên 40 tuổi có thể tính xem xét lại điều kiện rút BHXH một lần. Cụ thể, trong vòng 6 tháng sau khi nghỉ, mất việc không tìm được việc làm lại có thể rút BHXH một lần.
Thực tế những người ở nhóm tuổi này rất khó quay trở lại thị trường lao động, nhất là với lao động giản đơn, không có trình độ, kỹ năng... Còn với những người dưới 40 tuổi cần kéo dài thời gian ra để khuyến khích họ quay trở lại thị trường lao động. Đồng quan điểm, PGS.TS Giang Thanh Long - Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc hạn chế rút BHXH một lần là hoàn toàn chính xác. Bởi ở đây cần làm rõ việc không phải hạn chế quyền rút BHXH một lần của NLĐ mà muốn bảo vệ NLĐ trong dài hạn chứ không phải trước mắt.
Đề cập đến phương án dự kiến người bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2025 không được nhận BHXH một lần, PGS.TS Giang Thanh Long đánh giá để xử lý các nhóm đang có sự giao thoa giữa các quy định khác nhau, trong đó, sẽ đưa một mốc thời gian để thực hiện và nhóm NLĐ sau 1/1/2025 sẽ không được rút BHXH một lần. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc đề xuất quy định như vậy cần đánh giá một cách rất kỹ càng, chi tiết.
Với phương án 2, theo PGS.TS Giang Thanh Long đây là phương án đã được trình trước đó và nếu thực hiện được cũng tốt. Bởi sẽ giải quyết được nhu cầu ngắn hạn của NLĐ gặp khó khăn và vẫn cho họ được có tên trong hệ thống BHXH.
Theo đánh giá của Thường trực Chính phủ, dự án luật BHXH có nhiều nội dung khá phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và NLĐ nên có thể đưa ra nhiều phương án về quy định rút BHXH một lần để xin ý kiến Quốc hội. Tuy nhiên trong đó cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể, nghiên cứu bổ sung các biện pháp khuyến khích NLĐ hạn chế rút BHXH một lần.