Sửa đổi Luật, bổ sung quy định để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Chiều 25/5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã nghe tờ trình và thẩm tra Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình Tờ trình Dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình Tờ trình Dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp.

Do đó, mục tiêu là xây dựng Luật sửa đổi nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Trong Dự Luật, một trong những điểm đáng chú ý là bổ sung một điều quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho người bệnh, người nhà người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế. Cụ thể là thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ gây mất an ninh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế tại các địa điểm khác dễ xảy ra xung đột giữa nhân viên y tế với người bệnh và thân nhân của người bệnh. Cùng với đó ứng dụng các giải pháp công nghệ cao để quản lý người bệnh, thân nhân của người bệnh, người hành nghề.

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, Dự Luật đã bổ sung các quy định: Cho phép các tổ chức có tên gọi như cơ sở giám định y khoa, trung tâm y tế huyện, viện nghiên cứu có giường bệnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tên gọi khác được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật này. Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Về giá khám bệnh, chữa bệnh, quy định giá khám bệnh, chữa bệnh gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Tờ trình nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc; Căn cứ khung giá của Bộ Y tế, HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của UBND cùng cấp…

Hai phương án về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề

Liên quan đến thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề cùng với các ưu, nhược điểm.

Quang cảnh Kỳ họp
Quang cảnh Kỳ họp

Thẩm tra Dự Luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, theo phương án 1, Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại dự thảo, tức là thực hiện chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong khi chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là chưa phù hợp.

Có ý kiến đề nghị chưa quy định nội dung này vào Dự Luật mà nên ‟Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề” như Nghị quyết 20-NQ/TW và tiến hành tổng kết làm cơ sở để  luật hóa

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2, theo đó, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Tờ trình của Chính phủ cũng đưa ra 2 phương án quy định về việc sử dụng ngôn ngữ khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.

Dưới quan điểm của Ủy ban thẩm tra, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với phương án 1, theo đó, người hành nghề khám chữa bệnh phải biết tiếng Việt thành thạo và không sử dụng phiên dịch khi hành nghề, trừ một số trường hợp đặc biệt. Song đề nghị xác định rõ tiêu chí “biết tiếng Việt thành thạo” và “cùng ngôn ngữ mẹ đẻ”; cần nghiên cứu quy định lộ trình đáp ứng điều kiện sử dụng tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài xin cấp mới Giấy phép hành nghề để đảm bảo sự bình đẳng giữa những người hành nghề.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Xã hội đồng tình với phương án 2 là giữ quy định hiện hành, theo đó, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài và cho rằng, để khắc phục các tồn tại hiện nay, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về tài chính y tế, đặc biệt là về cơ chế xã hội hóa nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong quản lý bệnh viện và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo chương trình làm việc, Dự Luật được Quốc hội thảo luận tổ vào ngày 26/5 và thảo luận hội trường vào ngày 13/6.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần