Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sửa đổi Luật, thêm quy định về sàng lọc công chức, xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”

Kinhtedothi- Ngày 28/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Trong đó, sẽ xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự thảo Luật quy định chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự. Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.

Nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đang đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.

Về tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về công vụ và cán bộ, công chức, đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Dự thảo Luật quy định việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật.

Các quy định của Dự thảo Luật đã bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Thông tin thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ bổ sung quy định về vị trí việc làm. Khi thiết kế vị trí việc làm, cơ quan soạn thảo xác lập rõ vị trí việc làm là trung tâm để quản lý công chức, ngạch chỉ là công cụ để phân biệt thứ, bậc, thực hiện trách nhiệm trong nền công vụ. Bộ cũng sẽ làm rõ thêm về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Làm rõ các ý kiến về hợp đồng có thời hạn với chuyên gia, nhà khoa học, Bộ trưởng cho hay, trong tất cả các luật công vụ của các nước trên thế giới, đều không quy định về biên chế mà quy định theo hợp đồng công chức để linh hoạt. Nếu công chức đáp ứng được yêu cầu thì sẽ được sử dụng, nếu không sẽ bị mời ra khỏi hệ thống công vụ. Từ cơ sở này, cơ quan soạn thảo bổ sung thêm cơ chế hợp đồng có thời hạn với chuyên gia, nhà khoa học với điều kiện đáp ứng được chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng với một số vị trí mà các công chức hiện hành không đáp ứng được, từ đó tạo cơ chế linh hoạt để thu hút người tài.

kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội hồ sơ dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9; tán thành sửa đổi quy định liên thông cán bộ từ cấp xã đến tỉnh; thống nhất chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành bỏ quy định kiểm định chất lượng đầu vào của công chức, song đề nghị cần nêu rõ trong báo cáo thẩm tra đây là quy định nhằm thể chế hóa chủ trương mới nhất của Đảng.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 5/5

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 5/5

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: cần thiết nâng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm đất đai, môi trường 

Hà Nội: cần thiết nâng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm đất đai, môi trường 

28 Apr, 03:58 PM

Kinhtedothi-Theo ý kiến phản biện xã hội của các chuyên gia, việc ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội nhằm thay thế, bổ sung Nghị quyết số 19 của HĐND TP năm 2021 về nâng mức tiền phạt cao hơn mức trước đây đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP là hết sức cần thiết.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ