70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa đổi Luật Thủ đô: Bảo đảm tính minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các luật sư cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất cần phải bảo đảm lấy ý kiến cộng đồng. Điều này cần phải được thể hiện rõ trong Luật Thủ đô và đảm bảo thực hiện trên thực tế.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội và luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội chủ trì hội thảo.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội và luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội chủ trì hội thảo.

Ngày 21/8, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cân nhắc việc quy hoạch các cơ sở giáo dục

Tham gia ý kiến, luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp, phân quyền rất nhiều, có nhiều điều mang tính đặc thù. Để đạt mục tiêu kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô, phải ban hành rất nhiều nghị quyết, quyết định.

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp, phân quyền rất nhiều, có nhiều điều mang tính đặc thù
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp, phân quyền rất nhiều, có nhiều điều mang tính đặc thù

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), luật sư Mai Bích Ngân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội. Tại Điều 21 dự thảo Luật, luật sư Mai Bích Ngân đồng tình với tinh thần của điều Luật về các biện pháp bảo đảm quy hoạch, tuy nhiên, cũng cần cân nhắc cụ thể tính hợp lý của việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm.

“Điều luật mới đề cập đến việc phát triển giáo dục - đào tạo chất lượng cao, liên kết với nước ngoài, trong khi đào tạo phổ thông cơ bản và đào tạo trong nước cũng là mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo bền vững. Hiện nay, hệ thống trường công lập vẫn đang thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, nên cần có sự điều chỉnh, quy hoạch cụ thể cho vấn đề này” - luật sư Mai Bích Ngân nêu quan điểm.

Hiện nay, vấn đề người dân đặc biệt quan tâm là bảo vệ môi trường và giảm phát thải, cần đưa ra những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trên thực tế. Điều luật đề cập đến kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông… chưa phải là giải pháp triệt để. Do đó, cần bổ sung các giải pháp căn cơ hơn nữa.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Theo luật sư Mai Bích Ngân, khoảng 1/3 lượng bụi PM2.5 có trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong đó phát thải từ giao thông là nguyên nhân đầu tiên. Các số liệu đo đạc cũng cho thấy, nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí nằm ở yếu tố bên ngoài. 2/3 lượng bụi mịn có nguồn gốc từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm các nhà máy điện và công nghiệp lớn cũng như các làng nghề.

Ban hành thời gian cho thuê đối với quỹ đất công ích

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An góp ý về khoản 5 Điều 30 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định giao trách nhiệm quản lý, khai thác quỹ đất của Thủ đô cho một hoặc nhiều doanh nghiệp chưa phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 hiện hành. Bởi lẽ, đất đai từ trước tới nay do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, đồng thời Nhà nước quản lý mọi mặt của đất đai, trong đó có xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch sử dụng đất.

Theo đó, luật sư Phạm Thị Bích Hảo đề xuất UBND TP Hà Nội ban hành thời gian cho thuê đối với quỹ đất công ích dựa trên đề xuất của UBND xã, phường, thị trấn theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, phê duyệt.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo đề xuất UBND TP Hà Nội ban hành thời gian cho thuê đối với quỹ đất công ích...
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo đề xuất UBND TP Hà Nội ban hành thời gian cho thuê đối với quỹ đất công ích...

Quan tâm đến vấn đề quản lý đất đai trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), luật sư Nguyễn Ngọc Lan - Công ty Luật TNHH LS Ngọc Lan và Cộng sự cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, công tác quản lý, sử dụng đất còn có những bất cập. Nguyên nhân chủ yếu không thể không kể đến là giá đền bù thường thấp hơn giá thị trường.

“Hiện nay, vẫn tồn tại cơ chế hai giá trong việc tính toán bồi thường giải phóng mặt bằng và hạch toán chi phí đất đai đầu vào đã dẫn tới nhiều khó khăn, mâu thuẫn trong bồi thường, thu hồi đất. Việc quy hoạch sử dụng đất cần phải bảo đảm lấy ý kiến cộng đồng. Điều này cần phải được thể hiện rõ trong Luật Thủ đô và đảm bảo thực hiện trên thực tế. Việc làm này còn đảm bảo tính dân chủ và minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về đất đai” - luật sư Nguyễn Ngọc Lan nêu quan điểm.

Trong khi đó, liên quan đến công tác hỗ trợ di dời, luật sư Mai Bích Ngân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt cho biết, ngân sách thành phố Hà Nội cần được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Đây là cơ sở hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của dự thảo Luật.

“Bên cạnh đó, các giải pháp về phát triển nhà ở cần được Ban soạn thảo đưa ra cụ thể, quy định trách nhiệm cho đơn vị được giao nhiệm vụ. Biện pháp hỗ trợ đầu tư phát triển quỹ nhà tái định cư, bao gồm cả biện pháp đặt hàng trong các dự án nhà ở thương mại nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư, tạo sự đồng thuận của người dân” - luật sư Mai Bích Ngân đặt vấn đề.