Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi Luật Thủ đô: Đề xuất đưa vào những vấn đề Hà Nội đang cần nhất

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, chuyên gia đề xuất, trong quan điểm khi sửa đổi, nên coi Luật Thủ đô là cơ chế đặc thù cao, toàn diện nhất, tận dụng đưa vào hết những vấn đề Hà Nội đang cần nhất; những vấn đề có thể xử lý bằng thẩm quyền thì nên cân nhắc.

Tại Tọa đàm “Một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)” do TP Hà Nội tổ chức hôm nay, 28/2, đã có nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học thể hiện rất trí tuệ, trách nhiệm, đều với mong muốn khi sửa đổi Luật Thủ đô, các cơ chế chính sách sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong phát triển KT-XH Thủ đô cũng như phát huy tốt hơn vai trò của Thủ đô đối với cả nước.

Quang cảnh Tọa đàm "Một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)''
Quang cảnh Tọa đàm "Một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)''

Hệ thống y tế Thủ đô nên hướng tới “gần dân hơn”

Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Tập đoàn Medlatec Group góp ý vào nhóm chính sách thứ 12 trong Luật Thủ đô về phát triển hệ thống y tế Thủ đô. Đại biểu cho rằng, về xây dựng hệ thống tổ chức y tế ở Hà Nội cần đảm bảo 4 nguyên tắc: Gần dân hơn, tập trung hơn, chuyên sâu hơn và phát triển mạnh mẹ khám chữa bệnh từ xa. Nếu làm được 4 tiêu chí này trong chính sách y tế thì hệ thống y tế Thủ đô sẽ nổi bật, phát huy hiệu quả hơn.

Trong đó, lý giải về tiêu chí “gần dân hơn”, đại biểu lưu ý lâu nay trong đầu mọi người kể cả người làm quản lý y tế ở cấp cao vẫn quan niệm rằng nói đến y tế là nói trước hết đến bệnh viện, y tế phát triển là phải có hệ thống bệnh viện thật to, tính theo số giường bệnh/số dân. Điều đó cũng đúng, nhưng đúng hơn và đặc biệt đúng trong thời điểm dịch bện này là phải là có những phòng khám gần dân nhất. “Cần có những phòng khám tại các khu phố, đạt được chỉ số là người dân trong vòng 10 -15 phút phải đến được điểm khám bệnh đầu tiên, thậm chí bế đứa con bị bỏng hay bị sốt chạy nhanh là đến ngay được phòng khám. Đồng thời, thời gian chờ đợi khám bệnh càng ngắn càng tốt, cố gắng không quá 30 phút. Tức là, để tránh quá tải cơ sở khám chữa bệnh thì cần triển thêm các phòng khám, kể cả tư nhân kể cả nhà nước, bao gồm các trạm y tế” - GS.TS Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

GS.TS Nguyễn Anh Trí đóng góp ý kiến tại tọa đàm
GS.TS Nguyễn Anh Trí đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Bên cạnh đó, tiêu chí “tập trung hơn” được đại biểu cho biết, thể hiện ở việc Thủ đô có hơn 10 triệu dân, nếu tính cả số người đến khám chữa bệnh thì còn hơn con số đó, từ đó quy ra số người bị ốm, và nơi nào chữa bệnh giỏi thì người dân đến, nên Thủ đô cần có 2 trung tâm y tế có chất lượng rất cao, trình độ rất giỏi. Muốn có được điều đó thì TP cần có phối hợp với các bệnh viện của Bộ Y tế...

Về tiêu chí “chuyên sâu hơn”, theo đại biểu, hiện nay xu hướng sự phát triển của y tế là không tính theo số giường bệnh nữa mà tính theo độ chuyên sâu. Như tại nhiều nước trên thế giới hiện nay, các trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm xét nghiệm… được đầu tư sâu, với sự tham gia của một số giáo sư giỏi; việc xét nghiệm được tiến hành bằng cách đến tận nhà người dân lấy máu…

Còn với tiêu chí “khám chữa bệnh từ xa”, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần được Thành phố cụ thể hóa bằng văn bản. Nếu được làm tốt thì giải quyết tốt vấn đề tắc đường và đỡ tốn kém hơn nhiều, Hà Nội sẽ xứng đáng trở thành trung tâm y tế lớn không chỉ phục vụ người dân Thủ đô mà khắp cả nước.  

Quan trọng nhất là "giữ chân" nhân tài

Bày tỏ nhất trí với bản báo cáo của UBND TP về kết quả thực tiễn triển khai Luật Thủ đô và sự cần thiết sửa đổi Luật trong tình hình hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần coi Thủ đô là một trung tâm về chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là một trung tâm kinh tế trong định hướng phát triển, để trong những ưu tiên phát triển sẽ có phù hợp, dù không coi nhẹ kinh tế. Đặc biệt, trong quan điểm khi sửa đổi, nên coi Luật Thủ đô là cơ chế đặc thù cao nhất, toàn diện nhất, nên cần tận dụng đưa vào hết những vấn đề Hà Nội đang cần nhất; những gì có thể xử lý bằng thẩm quyền thì nên cân nhắc có cần đưa vào hay không. Cùng đó, ngoài vấn đề “quan hệ vùng”, cần đưa vào những vấn đề liên quan mối quan hệ với các tỉnh/TP trong cả nước; quan tâm xử lý mối quan hệ của các cơ quan, tổ chức đang đóng trụ sở trên địa bàn Thủ đô…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại tọa đàm
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại tọa đàm

Riêng về giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng đề nghị, chính sách thu hút phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cần được tích hợp với nhóm chính sách phát triển giáo dục đào tạo. “Với Thủ đô quan trọng nhất không phải là “thu hút” mà là chính sách “giữ chân”, phát triển và sử dụng nhân tài. Trong quy hoạch, các trường đại học tại TP đang rất phân tán, khiến khung cảnh giáo dục đại học rất tản mạn, cần được quy hoạch lại, sao cho thuận tiện trong giao thông. Vấn đề bố trí đủ trường, lớp nhất là cho những khu đông dân, khu đô thị ven đô cũng cần được có chế tài mạnh. Đồng thời, cần có cơ chế ưu tiên đất đai cho phát triển các trường học tư, trường quốc tế trên địa bàn Thủ đô” - Bộ trưởng nêu.

Học hỏi kinh nghiệm các địa phương đi trước

Với kinh nghiệm khi từng là một thành viên tham gia sửa đổi Luật Chính quyền địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng: Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại một số địa phương trong đó có Hà Nội với việc không tổ chức HĐND ở cấp phường, cơ chế quản lý cán bộ công chức có một số thay đổi cho phù hợp. Đó là cán bộ công chức đặc biệt cấp phường không có sự phân biệt với cấp quận nữa, Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án cán bộ công chức cấp xã liên thông với CBCC cấp huyện. Đến thời điểm này TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng không có ý kiến vướng mắc về mô hình chính quyền đô thị, nhưng Hà Nội còn một số băn khoăn, như cơ chế về tài chính, do vướng Luật Ngân sách, từ đó Bộ Tài chính đã phối hợp 3 thành phố xây dựng quy định chi tiết.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu ý kiến
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu ý kiến

Theo Thứ trưởng, trong sửa đổi Luật Thủ đô có 16 chính sách rất quan trọng, để thực hiện tốt thì vai trò bộ máy chính quyền Thủ đô, cơ chế quản lý CBCC ở Thủ đô cần có những đổi mới theo đúng chủ trương của Đảng, những quy định của T.Ư liên quan đến hoàn thiện bộ máy, làm sao đổi mới nhưng vẫn bám sát chủ trương của Đảng. TP khi đề xuất sửa Luật Thủ đô lần này cần cân nhắc không nên đi sau các luật chuyên ngành khác mà nên đi tiên phong theo đúng chủ trương của Đảng, vừa phù hợp thực tiễn phát triển hiện nay vừa phù hợp xu hướng cả nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, đổi mới chế độ công vụ công chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử và chuyển đổi sang chính quyền số…

"Các cơ chế chính sách trong xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi vì vậy nên có những bước đột phá, hoặc ít nhất cũng nên học hỏi kinh nghiệm của các địa phương đi trước, để tổ chức tham mưu các cấp lãnh đạo về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô vừa phù hợp xu hướng phát triển vừa đúng chủ trương của Đảng và tạo căn cứ rất quan trọng để giúp TP thực hiện tốt các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP trong nhiệm kỳ và cả quá trình dài sau này” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất.