Sửa đổi Luật Thủ đô: Tăng thêm tỷ lệ đại biểu chuyên trách cho HĐND TP

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô tại phiên thảo luận tại hội trường, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, đặc biệt cần tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách để đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) phát biểu thảo luận- Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) phát biểu thảo luận- Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 27/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với các nội dung trong Dự thảo Luật trình Kỳ họp, đồng thời cho rằng, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện khá đầy đủ, toàn diện các nhóm chính sách trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nêu rõ, Thủ đô là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa cả nước, nên việc xây dựng đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Đại biểu bày tỏ thống nhất với các nội dung như Tờ trình.

Về tổ chức chính quyền đô thị kế thừa Nghị quyết 92 nêu cụ thể rõ ràng, tuy nhiên đại biểu đề nghị nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh về không tổ chức HĐND cấp quận để đạt hiệu quả hoạt động cao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhất trí tăng số lượng đại biểu HĐND TP, đồng thời đề nghị cần đề xuất nêu rõ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, cân đối giữa các ngành. Về cơ cấu cần xem xét quy định cứng trong luật về việc Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP là Thường trực HĐND.

Về tăng biên chế, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần để cấp có thẩm quyền quyết định. Về nhiệm vụ quyền hạn, cần có quy định cụ thể, rõ ràng, rành mạch.

Về chính sách thu hút nhân tài, đại biểu Phạm Văn Hòa nhất trí cao như Dự thảo Luật đã nêu, tuy nhiên đại biểu cho rằng, vẫn còn nội dung quy định chung. Ví dụ như quy định việc hỗ trợ đào tạo, đại biểu đề nghị quy định rõ ràng về đối tượng và việc đào tạo cần có ràng buộc trách nhiệm của đối tượng tham gia.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) phát biểu thảo luận
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô. Đồng thời cho biết, từ thực tiễn triển khai cơ chế chính sách đặc thù tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng… việc tổ chức mô hình thành phố trong thành phố sẽ tạo bước đột phá cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại Hà Nội lên từ 25-30%; đồng thời bố trí đội ngũ lãnh đạo HĐND phù hợp; có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của HĐND TP; HĐND quận, thị xã tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường không tổ chức HĐND...

Về quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND TP Hà Nội, tại khoản 4 Điều 9 của Dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể, đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 27/11
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 27/11

Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu HĐNĐ TP Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) bày tỏ thống nhất với Dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 đại biểu, bởi khi không còn HĐND quận, phường, vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND TP đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP là hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong Dự thảo Luật đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND TP Hà Nội. Do vậy, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND TP.

Đồng thời ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND TP trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND TP trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội.