Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo cơ chế để tiếp tục nâng chất lượng giáo dục

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia đề xuất, Luật Thủ đô cần tạo điều kiện, có cơ chế để giáo dục đào tạo Hà Nội đi đầu cả nước xây dựng cơ chế tự chủ theo tinh thần mỗi trường học phải là những nhà trường “tự chủ, dân chủ, nhân văn và sáng tạo”.

Tiệm cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới

Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô nhằm mục tiêu hướng tới xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, trình độ đào tạo; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mở rộng quy mô hợp tác quốc tế.

Theo các chuyên gia giáo dục, giáo dục đào tạo Hà Nội trong nhiều năm qua luôn đạt nhiều thành tích, được Bộ GD&ĐT đánh giá là TP dẫn đầu cả nước về nhiều mặt, song trước giai đoạn phát triển mới, thực hiện những mục tiêu đổi mới của Thành ủy, UBND TP cho giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến 2045, ngành giáo dục đào tạo Thủ đô phải có những cách làm mới, quyết tâm mới để có thể cất cánh, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế của Hà Nội trong công cuộc công nghệ 4.0 của Thủ đô hiện nay.

Giáo dục đào tạo Hà Nội trong nhiều năm qua luôn đạt nhiều thành tích, được Bộ GD&ĐT đánh giá là TP dẫn đầu cả nước về nhiều mặt. Ảnh chụp tại Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân)
Giáo dục đào tạo Hà Nội trong nhiều năm qua luôn đạt nhiều thành tích, được Bộ GD&ĐT đánh giá là TP dẫn đầu cả nước về nhiều mặt. Ảnh chụp tại Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân)

Góp ý vào việc nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đánh giá, việc cho phép TP được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù sẽ góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao hiểu biết và lưu truyền những kiến thức, giá trị, nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Đoài đặc trưng riêng có. Đây là những thông tin, kiến thức văn hóa chưa có điều kiện để phản ánh đầy đủ trong khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, việc điều chỉnh, bổ sung với một số môn học phù hợp với điều kiện đặc thù, góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới.

“Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình này còn góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Điều này phù hợp với thực tế TP Hà Nội đang giữ vị trí đứng đầu cả nước về khoa học, giáo dục, về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Việc bổ sung, nâng cao chương trình dạy học một số môn để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thủ đô...” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn nhận xét.

“Tự chủ, dân chủ, nhân văn và sáng tạo” trong trường học

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) đánh giá, để góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, Luật Thủ đô cần tạo điều kiện, có thể để giáo dục đào tạo Hà Nội đi đầu cả nước xây dựng cơ chế tự chủ cho mỗi trường học của Thủ đô theo tinh thần mỗi trường học phải là những nhà trường “tự chủ, dân chủ, nhân văn và sáng tạo”.

Các chuyên gia đề xuất, Luật Thủ đô cần tạo điều kiện, có thể để giáo dục đào tạo Hà Nội đi đầu cả nước xây dựng cơ chế tự chủ theo tinh thần mỗi trường học phải là những nhà trường “tự chủ, dân chủ, nhân văn và sáng tạo”
Các chuyên gia đề xuất, Luật Thủ đô cần tạo điều kiện, có thể để giáo dục đào tạo Hà Nội đi đầu cả nước xây dựng cơ chế tự chủ theo tinh thần mỗi trường học phải là những nhà trường “tự chủ, dân chủ, nhân văn và sáng tạo”

Hiện nay, Bộ GD&ĐT mới tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo cho phép các trường đại học, cao đẳng được quyền tự chủ toàn diện. Hà Nội phải được hưởng cơ chế đặc thù cho phép các nhà trường phổ thông (tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm, giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề) được quyền tự chủ về xây dựng chương trình và thực hiện chương trình đáp ứng mục tiêu cấp học, ngành học đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn lực chất lượng cao của xã hội, của Thủ đô.

Trong đó, các trường có quyền tự chủ về chọn lọc, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của mỗi cơ sở; quyền tự chủ về chi tiêu tài chính phù hợp pháp lệnh tài chính nhà nước và đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nhà trường. Mọi thành viên được đáp ứng nhu cầu phát triển chính đáng, được tự do sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về kết quả công việc được giao; được quyền tham gia xây dựng nhà trường, được bày tỏ những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp.

Cùng với đó, mọi thành viên đều được tôn trọng, có quyền bình đẳng trước mọi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ tất cả vì mục đích giáo dục toàn diện dạy thật, học thật, kiểm tra thật không dạy thêm học thêm, chạy theo bệnh thành tích, không có bạo lực học đường. Thầy dạy sáng tạo, học trò sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số của trường học thông minh, áp dụng sáng tạo này công nghệ tiên tiến của cách mạng 4.0 trong dạy và học.

Theo đề xuất của TS Nguyễn Tùng Lâm, Luật Thủ đô tạo hành lang pháp lý để môi trường học Thủ đô thân thiện tốt chương trình xã hội hóa giáo dục, chương trình phối hợp chặt chẽ, gia đình, nhà trường, xã hội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh Thủ đô.

Trong điều kiện kinh phí nhà nước chưa bù đắp đầy đủ, kịp thời cho việc các trường tự chủ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Luật Thủ đô cần cho phép các Hội đồng trường (chứ không phải Hiệu trưởng) có kế hoạch huy động nguồn nhân lực xã hội hóa trên tinh thần vận động trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các mạnh thường quân trên địa bàn đóng góp, hỗ trợ các nhà trường có thêm kinh phí thực hiện các chương trình giáo dục chất lượng cao.

Bên cạnh đó, có thể cho phép các trường công lập thực hiện quy chế công tự chủ chất lượng cao đang thực hiện thí điểm giai đoạn 2015-2020 nhưng không thực hiện việc rút tiền ngân sách nhà nước sau 3 hoặc 5 năm, biến các trường công tự chủ thành như các trường ngoài công lập như hiện nay là không phù hợp, không công bằng giữa các trường công lập.

“Ngoài ra, Luật Thủ đô mới cần tạo điều kiện cho cơ chế nhà nước xây các trường ngoài công lập và cho đấu thầu giao cho tập thể các nhà giáo tâm huyết sáng tạo cùng nhau làm chủ các nhà trường này và cam kết thu học phí thấp nhất nhưng đảm bảo chất lượng giáo dục cao cho con em người lao động không có điều kiện thi đỗ các trường công được tiếp tục học tập ở các trường ngoài công lập đặc biệt này” - TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.