70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa đổi Luật Thủ đô, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì Toạ đàm chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) số 8 với chủ đề: Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, quy mô lớn, công nghệ cao.

Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Trọng Tùng.
Khuyến nghị giải pháp phát triển nông nghiệp Thủ đô
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao thành quả phát triển nông nghiệp của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua. Nông nghiệp đã trở thành bệ đỡ quan trọng, nhất là trong thời điểm TP chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, nông nghiệp Thủ đô vẫn còn đó những hạn chế, cần phải thay đổi.
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng Hà Nội cần xác định rõ đặc thù và định hướng cho phát triển nông nghiệp trong tương lai. TP nên đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghệ cao, trong đó, chú trọng khâu trước và sau nuôi trồng. Đặc biệt, cần tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực, trí tuệ từ các chuyên gia, nhà khoa học…
Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, khuyến nghị Hà Nội cần nghiên cứu, có chính sách để giải quyết triệt để 3 bài toán: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu kiểm soát trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thiếu hệ thống kiểm soát và đánh giá chất lượng đủ tốt, minh bạch. Đây là nhóm những vấn đề lớn, cần thể chế chính sách hiệu quả để giải quyết; chỉ khi đó nông nghiệp Hà Nội mới thực sự xanh - sạch.
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham góp ý kiến tại buổi tọa đàm.
Lo ngại sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội sẽ khó cạnh tranh được với nông sản từ các địa phương khác, TS Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho rằng TP cần định vị và định hướng sản xuất cho nền nông nghiệp, bảo đảm phù hợp. Theo TS Đặng Kim Sơn, Hà Nội cần tập trung nghiên cứu chính sách trong Luật Thủ đô, hướng đến phát triển mạnh hơn lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi.
“Trong 10 - 20 năm tới, mức độ cạnh tranh nông sản tại Hà Nội sẽ rất lớn. Dù lúa gạo của nông dân Thủ đô có chất lượng cao đến mấy thì cũng khó cạnh tranh được với sản phẩm từ Sóc Trăng, Điện Biên… Do đó mô hình nông nghiệp của TP phải hoàn toàn khác, có đặc thù thì mới mong có sức cạnh tranh…” - TS Đặng Kim Sơn nhìn nhận. 
Tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển nông nghiệp
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, làm thế nào để nông nghiệp Thủ đô có sự phát triển khác biệt so với các địa phương khác là vấn đề Hà Nội hết sức băn khoăn, trăn trở thời gian dài qua.
“Hiện nay, ngành nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở trồng cây gì, nuôi con gì? Một mặt chúng ta hô bà con dồn điền đổi thửa, nhưng xong rồi thì lại chưa có cơ chế để khuyến khích phát triển. Nông dân loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì” - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội cần phát huy được lợi thế rất lớn sẵn có, đó là trí tuệ của nguồn nhân lực. Hà Nội cũng có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng đặc thù, nhưng “phải đầu tư cái gì cho ra tấm ra món, mà các tỉnh thành khác mơ ước cũng không có được” đang là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, nông nghiệp Thủ đô rộng lớn khi tỷ lệ đô thị hóa còn thấp. Thời gian tới, vấn đề đô thị hóa sẽ được đẩy mạnh. Ở đó, Hà Nội cần định hình sự phát triển nông nghiệp, bảo đảm phù hợp định hướng xây dựng Thủ đô.
“Hà Nội không cạnh tranh với các tỉnh thành về nông sản. Thay vào đó, sẽ chú trọng phát triển những tiềm năng, lợi thế sẵn có trên cơ sở tận dụng tốt nhất quỹ đất hiện nay…” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở ngành tiếp thu đầy đủ các nội dung kiến nghị của các đại biểu tại cuộc tọa đàm để có đóng góp ý kiến vào việc đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô. Trước mắt, cần nghiên cứu quy hoạch không gian về phát triển nông nghiệp; từ đó có chính sách tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, Luật Thủ đô cung sẽ cần các nhóm chính sách về đất đai, tạo quỹ đất để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững.
“Trong định hướng chính sách sửa đổi Luật Thủ đô, Hà Nội nên nghiên cứu tập trung hỗ trợ cho vùng sản xuất trọng điểm tuân thủ quy hoạch không quan; kiểm soát sản xuất thông qua đăng ký, quản lý chặt chẽ vùng sản xuất. Đồng thời, tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng; đừng để tình trạng kiểm soát nhiều mặt hàng thì chặt, nhưng miếng ăn vào mồm thì lơi là, buông lỏng…” - TS Nguyễn Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.