70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa đổi Luật Thủ đô: thu hút, trọng dụng nhân tài từ cơ chế đặc thù

Hồng Thái. Ảnh: Huy Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại Hội thảo “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tổ chức chiều 25/4, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm thu hút người tài.

Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng một số ý kiến của các đại biểu là cán bộ đang công tác tại Đại học Luật Hà Nội trao đổi tại Hội thảo. Qua đó, làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay. Đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

TS Đoàn Thị Tố Uyên: có chế độ, chính sách đặc thù, thu nhập cao

Tôi đồng tình với cách thể hiện trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời, để chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao có tính khả thi và đem lại hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô cần quan tâm đến một số nội dung. 

Cụ thể, tiêu chuẩn, điều kiện của nhân lực chất lượng cao; vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương và thu nhập đảm bảo ổn định của nhân lực chất lượng cao so với các cán bộ, công chức, viên chức khác; chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp cho nhân lực chất lượng cao; quy trình, thủ tục tuyển dụng và bổ nhiệm cần đơn giản hơn.

TS Đoàn Thị Tố Uyên phát biểu tại hội thảo
TS Đoàn Thị Tố Uyên phát biểu tại hội thảo

Cùng đó, quan tâm quyền và nghĩa vụ của nguồn nhân lực chất lượng cao khi trở thành cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (quyền được hưởng chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm, nhà ở, thu nhập...). 

Ngoài ra, để thu hút, sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Thủ đô, cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ họ làm việc lâu dài. 

TS Lại Thị Phương Thảo: thực hiện đồng bộ các giải pháp 

Để giải quyết các thách thức trong hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, tôi cho rằng, có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tăng cường đầu tư và nguồn lực cho giáo dục và đào tạo: Chính phủ cần tăng cường đầu tư và cung cấp nguồn lực đủ cho hệ thống giáo dục và đào tạo. 

TS Lại Thị Phương Thảo phát biểu tại hội thảo
TS Lại Thị Phương Thảo phát biểu tại hội thảo

Đồng thời, tạo liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và doanh nghiệp; cải thiện quản lý và chính sách. Chính phủ cần tăng cường quản lý và thúc đẩy việc thực thi chính sách trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Điều này bao gồm việc xây dựng các chính sách linh hoạt và cập nhật để phản ánh các thay đổi trong nhu cầu của thị trường lao động và xã hội. 

Ngoài ra, tăng cường ý thức và nhận thức, tổ chức các chương trình và chiến dịch để nâng cao ý thức và nhận thức của giáo viên, sinh viên và cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng giáo dục và đào tạo. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp đào tạo và hướng dẫn, cũng như thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục. 

TS Tạ Quang Ngọc: linh hoạt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Chính quyền Thủ đô Hà Nội cần phải xây dựng và thực hiện một quy trình khoa học trong việc tuyển dụng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài. Quy trình này phải hướng tới việc xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài cho cả thời kỳ dài, đảm bảo tính kế thừa, tính liên tục; tạo cơ hội để người tài được tuyển dụng và thể hiện năng lực và sự tâm huyết của họ. 

TS Tạ Quang Ngọc phát biểu tại hội thảo
TS Tạ Quang Ngọc phát biểu tại hội thảo

Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài cần phải linh hoạt, chủ động, kịp thời, dân chủ, công minh; không phân biệt loại hình đào tạo, lý lịch cá nhân hay dân tộc, tôn giáo, giới tính... Bảo đảm tạo đột phá và tăng sức hấp dẫn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.

TS Trần Hồng Nhung: quan điểm “sống lâu lên lão làng” ngăn cản nhân tài đóng góp cho đất nước

Theo tôi, cần tạo cơ hội và tạo môi trường để thu hút nhân tài. Nếu như trước kia, qua các cuộc thi như thi Hội, thi Hương, thi Đình, nhà vua tuyển chọn được người tài trên khắp cả nước, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, người nào tài giỏi đỗ cao sẽ được giữ các chức quan cao thì ngày nay chúng ta nên mở rộng nguồn nhân lực sang khu vực tư nhân để tuyển chọn cán bộ, thông qua thi tuyển để bố trí người tài đức vào giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan nhà nước. 

TS Trần Hồng Nhung phát biểu tại hội thảo
TS Trần Hồng Nhung phát biểu tại hội thảo

Chính tư tưởng “sống lâu lên lão làng” phải đi từng bước từ nhân viên, chuyên viên lên lãnh đạo theo quy trình rập khuôn, máy móc đã ngăn cản nhiều nhân tài có cơ hội đóng góp cho đất nước. 

Ngoài ra, quan trọng nhất trong gây dựng và bồi đắp nhân tài là chính sách xây dựng và thiết lập hệ thống giáo dục, với mạng lưới trường càng rộng càng tốt, gồm các trường công và trường tư từ trung ương đến các địa phương trong toàn quốc. Phát triển mạnh giáo dục là việc hệ trọng và cơ bản nhất để có nguồn nhân tài cho đất nước… 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy phát biểu tại hội thảo
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy phát biểu tại hội thảo

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy: thu hút Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước

Theo tôi, Hà Nội cần đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm... để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức những đối tượng này. 

Bên cạnh đó, cũng cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người nước ngoài cống hiến cho thành phố và đất nước bằng các chính sách phù hợp. Singapore được đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài bài bản nhất thế giới…

 

Phát biểu tại hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, chủ đề hội thảo là một trong 9 chính sách mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến.

TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo
TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Theo TS Chu Mạnh Hùng, đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng là những khâu đột phá đang được TP Hà Nội chú trọng thực hiện. Ý nghĩa của hội thảo nhằm đề cập đến 2 trong 3 chính sách đột phá của Đảng bộ TP Hà Nội là thể chế và làm thế nào để thu hút, trọng dụng nhân tài. Trong đó, các chính sách, cơ chế về thu hút, trọng dụng nhân tài, nên nhìn ở hai lĩnh vực công và tư. Dù là người sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội hay người từ nơi khác đến làm việc tại Hà Nội, người nước ngoài đến Thủ đô làm việc, chúng ta đều nên tạo cơ chế để thu hút, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội.

Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến của các nhà khoa học, đại biểu đã đề cập đến nhiều khía cạnh trong vấn đề này. Ban tổ chức hội thảo sẽ tập hợp, gửi đến các cơ quan chức năng, đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua đó, sẽ tham góp để Ban soạn thảo cùng hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trước khi tiếp tục trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.