Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi Nghị định 86/NĐ - CP: Kỳ vọng xử lý triệt để xe khách “trá hình”­­

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian dài tồn tại, những lỗ hổng trong quản lý vận tải đang được Bộ GTVT hứa hẹn sẽ lấp đầy bằng việc xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/NĐ - CP.

Trong đó, những quy định đối với “xe hợp đồng” là vấn đề thu hút được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Muộn còn hơn không
Quy định quản lý “xe hợp đồng” trong Nghị định 86 đang tồn tại một số kẽ hở, đặc biệt đối với loại xe dưới 10 chỗ ngồi; khiến tình trạng núp bóng xe hợp đồng vận chuyển khách liên tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường vận tải hành khách và xã hội nói chung. Đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội nhận định: “Việc cho phép các xe dưới 10 chỗ ngồi được thực hiện hợp đồng vận chuyển mà không phải báo cáo trước với Sở GTVT địa phương về lộ trình, danh sách hành khách… đã vô tình tạo điều kiện cho vi phạm tồn tại và phát triển nhanh”.

Xe khách “trá hình” hoạt động trên đường Giải Phóng bị Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai phát hiện, xử lý. Ảnh:  Ngọc Hải

Xe khách “trá hình” không còn là “nỗi khổ” của riêng Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà đã lan tới hầu như các tỉnh, thành trên toàn quốc, lấn sân xe khách liên tỉnh. Thực tế này khiến các DN làm ăn chân chính ngày càng bức xúc và có xu hướng dần từ bỏ cách thức kinh doanh truyền thống để tranh đua làm “xe hợp đồng”.
Vấn đề này cuối cùng cũng đã được Bộ GTVT nhìn nhận một cách thực tế. Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho rằng, xe “dù”, bến “cóc” bản chất chủ yếu là xin phù hiệu xe hợp đồng nhưng lại chạy như xe khách tuyến cố định, gây bức xúc trong dư luận, mất trật tự ATGT. “Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 sẽ được nghiên cứu để bổ sung quy định giúp phân biệt giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng. Đồng thời sẽ có chế tài xử phạt mạnh mẽ với vi phạm kiểu này” - ông Trần Bảo Ngọc khẳng định.
Cần nhanh hơn nữa
Theo phân tích của lãnh đạo Vụ Vận tải: “Xe hợp đồng trá hình hiện lách luật bằng cách, đi từ điểm A tới điểm B đều đặn hàng ngày. Đây là điều rất vô lý, vì không thể đều đặn hàng tuần, hàng tháng vận chuyển hành khách theo hợp đồng trên cùng 1 tuyến như vậy. Tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 quy định, những trường hợp này là vi phạm, sẽ bị xử lý”. Cơ quan quản lý sẽ thu thập dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tính toán số lượng chuyến đi được lặp lại trên lộ trình cố định. Mỗi tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau.
Ông Trần Bảo Ngọc thông tin thêm, ngoài ra, xe hợp đồng trước khi chở khách phải gửi danh sách hành khách về Sở GTVT địa phương. Các Sở không cần kiểm tra, giám sát hàng ngày mà căn cứ vào tài liệu lưu trữ để hậu kiểm, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý thật nghiêm. Bên cạnh đó, Dự thảo sửa đổi lần này cũng sẽ không chấp nhận việc xe hợp đồng đón khách dọc đường, sau đó mới đưa cho khách một hợp đồng khống. Hợp đồng phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi.
Đánh giá cao những nội dung được đưa vào Dự thảo sửa đổi Nghị định 86, tuy nhiên, Phó trưởng Phòng Quản lý Vận tải Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển chia sẻ: “Để sớm có chế tài xử lý vi phạm, chấn chỉnh tình trạng xe khách “trá hình”, xe “dù” hiện nay, Bộ GTVT cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng Dự thảo, trình Chính phủ phê duyệt. Đó cũng là mong muốn chung của các DN vận tải làm ăn chân chính”.