Sửa Luật Chứng khoán: Tăng hiệu quả kênh hút vốn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình, việc sửa đổi phải tạo ra được kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sửa đổi là cần thiết
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Luật Chứng khoán năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2010. Sau gần 10 năm thực hiện, thị trường chứng khoán đã phát triển mạnh mẽ và ổn định, tạo kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn, góp phần phát triển nền kinh tế của đất nước.
Như thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2018 đã có 1.553 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 3.961.000 tỷ đồng, tương đương 71,6% GDP. Giá trị huy động vốn của DN thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu năm 2018 đạt gần 64,9 nghìn tỷ đồng, tăng 35,4% so với năm 2017.
 Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Kho bạc Nhà nước đã phát hành trái phiếu huy động vốn trên thị trường với kỳ hạn ngày càng tăng, bình quân năm 2018 đạt 12,55 năm và kỳ hạn dài nhất 30 năm. Dư nợ trái phiếu Chính phủ niêm yết đạt 1.121 tỷ đồng (20,3% GDP). Giá trị danh mục của các nhà đầu tư nước ngoài tính đến 25/12/2018 ước đạt 32,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện thị trường chứng khoán đã thay đổi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhưng hệ thống quy định pháp luật chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Và trong bối cảnh nhu cầu vốn hóa của thị trường ngày càng cao và thời gian qua nhiều luật liên quan đến hoạt động của DN đã được sửa đổi, việc sửa đổi Luật Chứng khoán năm 2010 là cần thiết để tránh vướng mắc trong triển khai thực hiện; bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Việc sửa đổi cũng liên quan đến nhiều nội dung quan trọng đối với công tác quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán như: Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước, thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, thẩm quyền, thủ tục tạm dừng, đóng cửa, khôi phục thị trường chứng khoán, trách nhiệm của sở giao dịch chứng khoán, thành viên thị trường...
Phải đảm bảo tính cụ thể của quy định
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tán thành việc cần thiết sửa đổi Luật, nhưng nhiều vấn đề cũng được đặt ra với những quy định cụ thể. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề, đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Dự Luật nâng điều kiện về vốn góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng thì có phù hợp không khi DN nước ta chủ yếu nhỏ, siêu nhỏ? Hay có nên giữ nguyên mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính như hiện nay hay quy định cơ quan này trực thuộc Chính phủ để bảo đảm vị thế độc lập và tăng thẩm quyền...
Sự quan tâm của Ủy ban Kinh tế còn liên quan đến quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ của các DN khởi nghiệp sáng tạo, về thị trường giao dịch chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài, quản trị công ty đại chúng... Đây đều là những vấn đề mới cần nghiên cứu thấu đáo và có những phương án cụ thể.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đặt vấn đề về tiếp cận thông tin, phải hài hòa giữa bảo đảm bí mật thông tin của DN vừa kiểm soát được hành vi vi phạm; sự cần thiết quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán; vẫn thiếu vắng các quy định về Hội nghề nghiệp trong Luật. Đồng thời đề nghị rà soát lại các quy định của Dự Luật để bảo đảm tính cụ thể bởi còn số lượng lớn các quy định giao Chính phủ quy định chi tiết (toàn bộ Dự Luật có đến 39 khoản giao cho Chính phủ quy định).
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 4/2019 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 khai mạc tháng 5 tới.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 135 điều, cụ thể hóa 8 nhóm chính sách như hàng hóa trên thị trường chứng khoán, thị trường giao dịch chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công bố thông tin…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần