Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Đất đai để phòng tránh nguy cơ tham nhũng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Các ý kiến cho rằng, cần thiết sửa Luật Đất đai để phòng tránh nguy cơ tham nhũng.

Cần thiết sửa Luật Đất đai để tránh nguy cơ tham nhũng
Cần thiết sửa Luật Đất đai để tránh nguy cơ tham nhũng

Bộ TN&MT vừa có báo cáo về những nội dung đề xuất đổi mới trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, so với Luật Đất đai hiện hành, dự thảo sửa đổi, bổ sung 152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều. Theo Bộ TN&MT, trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XI và thi hành Luật Đất đai cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, phải tăng cường quản lý đất đai về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, hoàn hiện các chế định thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.

Cùng với đó, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, tăng cường giám sát, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thạc sĩ – luật sư Dương Thị Bích Hạnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, vấn đề tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn đang thuộc nhóm có tham nhũng lớn ở nước ta mà nguy cơ tham nhũng lớn nhất phát sinh từ cơ chế Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng để giao cho các dự án đầu tư vì lợi ích của nhà đầu tư và việc định giá đất không phù hợp thị trường gắn với việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

Cùng với đó, vấn đề thực thi pháp luật trên thực tế rất yếu kém, tạo nên khoảng cách khá xa giữa quy định của pháp luật và thực tế thực hiện; định giá đất là một ví dụ cụ thể. Việc định giá đất không phù hợp thị trường chính là nguyên nhân gây nên tham nhũng lớn và khiếu kiện nhiều…  Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần xem xét để giải quyết tất cả các bức xúc nêu trên.

Theo luật sư Dương Thị Bích Hạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có điểm mới quan trọng là bỏ khung giá đất, sửa quy định về bảng giá đất, giá đất. Bỏ khung giá đất - điểm mới quan trọng được luật hóa theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành T.Ư. Chủ trương này được xem là tính đột phá quan trọng. Luật Đất đai 2013 hiện quy định khung giá đất bám giá thị trường nhưng thực tế luôn có khoảng cách lớn giữa giá đất thị trường và giá nhà nước quy định. Khoảng cách này vô hình trung tạo ra kẽ hở cho tham nhũng và trục lợi đất đai. Do đó, Dự thảo lần này đã bỏ khung giá đất, kỳ vọng sẽ bỏ được sự chênh lệch giá trị thực và giá trị ảo, giúp phòng chống tiêu cực tham nhũng và hạn chế giảm mạnh khiếu nại từ đất.

“Đất đai là yếu tố quan trọng, là nơi ở của tất cả mọi người và là nguồn lực có thể làm cho đất nước phồn thịnh, tuy nhiên cũng có thể là nhân tố làm xã hội bất ổn. Xây dựng pháp luật đất đai là việc cần phải làm rất thận trọng khi tham nhũng trong quản lý đất đai và khiếu kiện của dân về đất đai vẫn đang ở mức rất nóng” - luật sư Dương Thị Bích Hạnh nêu quan điểm.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, việc sửa Luật Đất đai là nhiệm vụ rất khó khăn. Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh một số nội dung trong quản lý đất đai như phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực đất đai…