Sửa Luật Đất đai: Quan tâm, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người dân

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo các chuyên gia luật, cần đặc biệt quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người dân trong lần sửa đổi này.

Ngày 11/8, Hội Luật gia TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến chủ trì hội nghị.

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai

Nhất trí cao với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Tô Thị Thanh Hương nhận xét, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2013 có một số điểm mới nổi bật như bỏ khung giá đất, tính giá đất cụ thể cho từng vị trí (Điều 19, Điều 131); việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ (Điều 96); bổ sung các quy định về thời hạn sử dụng đất (Điều 140)...

Theo Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến, các ý kiến góp ý sẽ được Hội Luật gia TP Hà Nội tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến, các ý kiến góp ý sẽ được Hội Luật gia TP Hà Nội tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Việc bổ sung, thay đổi, sửa đổi một số điều của Dự luật đã phần nào tháo gỡ được một số điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai trong 8 năm qua. Việc bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định giá đất sát thực với giá đất thị trường, đạt được mục tiêu hoàn thiện cơ chế giá đất. Nhà nước xác định giá đất sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong công tác bồi thường, GPMB khi thu hồi đất và làm tăng thu thuế, phí và lệ phí từ đất cho Nhà nước.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Tô Thị Thanh Hương cũng kiến nghị bổ sung điều luật: Đánh thuế lũy tiến với bất động sản được sở hữu nhằm khắc phục tình trạng đầu cơ đất như hiện nay, để người có nhu cầu thật sự có điều kiện có nhà để ở.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức nhận định, sở dĩ hiện nay còn có những ách tắc bởi những quy định, nhất là giá đất chưa phù hợp với giá thị trường. Người dân và nhà đầu tư đều kỳ vọng những tồn tại, hạn chế và bất cập trong Luật Đất đai 2013 sẽ được các cơ quan chức năng và Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi. Đề nghị phải bỏ khung giá đất, giá đất cần phải được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp theo giá thị trường chứ không thể dựa vào khung giá đất. Bảng giá đất phải được cập nhật thường xuyên, phù hợp với tình hình thị trường.

Theo các luật gia, cần đặc biệt quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người dân trong lần sửa đổi này
Theo các luật gia, cần đặc biệt quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người dân trong lần sửa đổi này

Đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Theo Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức, khi cấp có thẩm quyền là chính quyền cho phép doanh nghiệp được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì giá đất tăng lên gấp nhiều lần. Giá trị tăng đó cần phải quay trở lại bồi hoàn cho người dân bị thu hồi đất và đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề mấu chốt khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Luật Đất đai 2013 là vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, việc chậm tiến độ tại 3 khâu này dẫn đến dự án sẽ bị kéo dài, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

“Do đó, phải quan tâm đến quyền lợi của người dân, đảm bảo đời sống và sinh kế của người dân nhất là người nông dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “chỉ được thu hồi đất sau khi đã hoàn thành tái định cư”” - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang phát triển mạnh là do dựa vào nguồn lực đất đai, được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, trong khi người dân được hưởng lợi ít, thậm chí không được hưởng lợi, nhất là người nông dân gắn với đất một cách thỏa đáng, giá đền bù đất luôn được quy định thấp hơn giá thị trường.

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải ban hành cụ thể cho hoạt động đền bù GPMB theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư với việc xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và không ai bị bỏ lại phía sau, khi đó sẽ giảm được lãng phí, tiêu cực, giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Do chính sách về đất đai còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ nên thị trường đã xuất hiện tình trạng bất động sản có 2 giá, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước
Do chính sách về đất đai còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ nên thị trường đã xuất hiện tình trạng bất động sản có 2 giá, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước

Do chính sách về đất đai còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ nên thị trường đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, thổi giá, kê khai nộp thuế mua bán, chuyển nhượng bất động sản có 2 giá, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Do đó, ngoài việc cần có các quy định cụ thể, chặt chẽ, thống nhất của các văn bản pháp luật về thuế, về đất đai, kinh doanh bất động sản, về hoạt động công chứng…, thuế phải trở thành công cụ để điều tiết sử dụng tài nguyên phù hợp, tránh lãng phí, sai mục đích. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phải được tăng cường và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.

“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất hàng năm, nhưng vấn đề cốt lõi là làm sao xác định được chính xác giá đất phổ biến trên thị trường bằng cách nào, trong khi giá đất thường xuyên biến động. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ về các phương pháp xác định giá đất. Thành lập cơ quan chuyên trách chuyên môn tư vấn xác định giá đất phải độc lập; Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh phải là Hội đồng độc lập với UBND cấp tỉnh, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà cần phải được quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi)” - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo luật gia Trần Văn Duy (Hội Luật gia quận Tây Hồ), việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư (Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai về đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất) sẽ không phát huy, tối đa hóa các lợi ích, mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế xã hội của dự án như trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Thực tế, khung giá đất của Nhà nước chưa phù hợp với giá đất thị trường, chỉ bằng 20-30% giá thị trường. Nếu chỉ đưa ra nguyên tắc, quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thì không làm rõ được bởi đất giáp ranh giữa tỉnh giàu và tỉnh nghèo có giá đất khác nhau. Điều đó tạo ra sự bức xúc và tiềm ẩn các xung đột, cơ chế định giá đất thực sự chưa rõ ràng, minh bạch.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến tiếp thu các ý kiến đóng góp của các luật gia; các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của Luật. Các ý kiến góp ý sẽ được Hội Luật gia TP Hà Nội tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

Trên địa bàn quận Hoàng Mai có một số trường hợp đất, nhà không xác định được là đất loại gì, không cấp được sổ đỏ. Các trường hợp đất, nhà này thuộc sở hữu Nhà nước, TP Hà Nội giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, không bàn giao cho quận, huyện. Có những trường hợp đất, nhà bán trao tay qua nhiều chủ; có trường hợp chủ nhà qua đời, con ở nước ngoài, không làm thủ tục. Nếu có thể giao đất về quận, huyện, chính quyền có thể xác định được loại đất để quản lý…

Luật gia Nguyễn Anh Thư – Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Hoàng Mai