Sửa luật để “đánh thức” đầu tư vào lĩnh vực dầu khí

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh mới đòi hỏi dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải có cách nhìn mới để “đánh thức” đầu tư, vừa bảo đảm tính đặc thù, vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế…

Chiều 5/8, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức tọa đàm “Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí”.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Cấp thiết hoàn thiện

Tại tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đã tập trung làm rõ tổng quan về quá trình hoàn thiện và xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi; Các chính sách ưu đãi để khôi phục lại tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư lĩnh vực dầu khí; Cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí...

Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Đỗ Chí Thanh cho biết, Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.

Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan. Ảnh: Hoàng Anh
Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan. Ảnh: Hoàng Anh

Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ mét khối khí. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Petrovietnam đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, chiếm 18 - 25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, Petrovietnam đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5 - 6%).

Những số liệu đó đã cho thấy vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế. Ngoài ra, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại. 

Tuy nhiên, thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn. Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Sản lượng khai thác dầu thô ở các mỏ truyền thống qua nhiều năm đã suy giảm tự nhiên. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp…

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.

Phó Trưởng Ban tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí (Petrovietnam) Phan Giang Long chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Trưởng Ban tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí (Petrovietnam) Phan Giang Long chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Trưởng Ban tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí (Petrovietnam) Phan Giang Long đã trình bày đề xuất của Petrovietnam về việc hoàn thiện Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan trình Quốc hội dự thảo.

Dự thảo đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, và hiện Ban soạn thảo đang nỗ lực chỉnh sửa để dự kiến trình tại phiên họp tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Theo ông Phan Giang Long, trong hoạt động điều tra cơ bản - khâu đầu tiên và quan trọng để tìm kiếm dòng dầu cho quốc gia, quy định tại dự thảo quy định việc nộp mẫu vật, thông tin, dữ liệu kết quả điều tra cơ bản về dầu khí đã được phê duyệt về Bộ Công Thương; đồng thời nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí về Bộ TN&MT để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản. Tài liệu, mẫu vật và báo cáo kết quả điều tra cơ bản chỉ được giao nộp về Bộ Công Thương và Bộ TN&MT.

“Petrovietnam là đơn vị tìm kiếm, thăm dò để tiến tới khai thác dầu khí phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Nếu chỉ nộp dữ liệu điều tra cơ bản về hai bộ nêu trên có nghĩa Petrovietnam không được quản lý các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản sẽ gây khó cho việc sử dụng kết quả điều tra này và không thuận lợi để phục vụ công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu” - ông Phan Giang Long nhấn mạnh về bất cập trong quy định này.

Quan trọng cho sự phát triển

Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, trải qua rất nhiều hội thảo, ý kiến, Dự án Luật đã có tiếp thu, chỉnh sửa… về cơ bản đây là sản phẩm rất khoa học, công phu phần nào đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số băn khoăn nghi ngại và cần có tính kỹ thuật để có được một luật sát với thực tiễn. Hội Dầu khí rất mong thống nhất sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, bởi nhiều hợp đồng đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài để hút nhà đầu tư, phù hợp với hội nhập. Mục tiêu là dẫn dắt để thu hút đầu tư.

Đi thẳng vào vấn đề, TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, giải thích rõ việc sửa đổi luật, và khi được thông qua kỳ vọng đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành dầu khí.

Cảng Dầu khí PTSC. Ảnh: Khắc Kiên
Cảng Dầu khí PTSC. Ảnh: Khắc Kiên

Theo TS Phan Đức Hiếu, từ năm 2008 đến nay, luật thay đổi nhiều và thực tiễn cũng vậy. Thứ nhất, hoạt động dầu khí rất rủi ro, do đó cần phải thể chế hóa để giảm thiểu rủi ro. Thứ hai, thông lệ quốc tế hay ngôn ngữ của hợp đồng chi phối rất nhiều hoạt động dầu khí. Thứ ba, hoạt động dầu khí mang tính đặc thù.

“Việc sửa đổi Luật Dầu khí chỉ tập trung điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí (hoạt động dầu khí thượng nguồn), với mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động dầu khí…” - TS Phan Đức Hiếu chỉ ra.

 

Nút thắt lớn cần được tháo gỡ ngay đối với các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí như Petrovietnam và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) là vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư. Vướng mắc này nảy sinh từ các quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước.

Do đó, việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về chính sách pháp luật dầu khí cần được ưu tiên, chú trọng để tạo hàng lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý có thẩm quyền và các nhà đầu tư, trong đó Petrovietnam và PVEP là những nhà đầu tư chủ lực triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí. Đồng thời, cải thiện hiệu quả đầu tư cho các dự án dầu khí đang triển khai và thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư mới nhằm hỗ trợ cho công cuộc phục hồi kinh tế quốc dân sau đại dịch Covid-19, ngăn chặn và đẩy lùi các dấu hiệu của suy thoái kinh tế.

Phó Tổng Giám đốc PVEP Hoàng Ngọc Trung

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần