Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật này để phù hợp với thực tế, góp phần phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả theo đúng tinh thần của Đảng. Theo đại biểu, nhiều kiến nghị đã được Ban soạn thảo tiếp thu, giải quyết được nhiều tồn tại, vướng mắc của Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó thay đổi được thành viên HTX, trong đó thành viên liên kết có thể góp vốn hoặc không góp vốn mà chỉ phải trả phí liên kết, như vậy tạo điều kiện cho thành viên được linh hoạt hơn.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng tháo gỡ khó khăn cho HTX quy mô nhỏ, phù hợp với đơn vị kinh tế hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng thay đổi về chính sách hỗ trợ, đi kèm với điều kiện để được thụ hưởng chính sách, như vậy HTX hoạt động tốt được hưởng nhiều chính sách hơn, đây là điều linh hoạt.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng đây là luật lớn, liên quan nhiều đối tượng, do đó để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi “Luật Hợp tác xã”. Đối với quy định về góp vốn của thành viên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ thêm bởi điều này chưa rõ là áp dụng cho một thành viên chính thức hay một nhóm thành viên chính thức. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cho viên chức được tham gia điều hành HTX để tạo sự khác biệt giữa doanh nghiệp và HTX.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, nên để tên gọi là Luật Hợp tác xã. Về nội dung cụ thể, đại biểu đề xuất hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư nên giao cho các tổ chức hợp tác để giảm tải cho các cơ quan nhà nước, để cơ quan nhà nước tập trung vào quản lý.
Với Dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh thống nhất tên gọi Luật Hợp tác xã. Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng Dự thảo Luật đang để thành viên sáng lập so với Luật hiện hành thì bỏ hộ gia đình, đề nghị nên cân nhắc và giữ nguyên hộ gia đình, bởi hiện nay việc giao đất để sản xuất nông nghiệp thì vẫn giao cho hộ gia đình. Về liên minh hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã, đại biểu cho rằng hai khái niệm này đang tương đồng, nên cân nhắc kỹ.
Đại biểu Phạm Đức Ấn băn khoăn về kết quả hoạt động, phát triển của các HTX thời gian vừa qua và cho rằng, số lượng HTX tăng nhưng quy mô HTX thì nhỏ, thành viên giảm dần, do đó nên xem xét kỹ để tạo điều kiện phát triển HTX một cách thực chất, trong đó cần chú trọng vấn đề đất đai bởi với người dân thì đất đai là vô cùng quan trọng.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Khuất Việt Dũng cho rằng, đây là Luật mới nên trong quá trình soạn thảo có nhiều vấn đề cần quan tâm, cần phải rà soát kỹ vì liên quan đến nhiều luật khác. Về một số nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng nên bỏ cụm từ cấp độ đánh giá rủi ro.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần tách riêng thảm hoạ hạt nhân ra thành đầu mục riêng vì vấn đề này hiện nay đang rất hiện hữu.
Đại biểu Lê Nhật Thành nhất trí với sự cần thiết của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Góp ý kiến cụ thể, đại biểu nêu, tại khoản 4, điều 4 đề nghị xác định rõ nội hàm lực lượng chuyên trách gồm những lực lượng nào để có chính sách, trang bị cho phù hợp, tránh chung chung, giàn trải gây lãng phí. Về tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng đây là khái niệm mới, chưa phân biệt được tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự, quân sự, thảm hoạ,… vì vậy đề nghị cần làm rõ về nội hàm này. Ngoài ra, cần bố cục lại chương 6 về chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành để rõ trách nhiệm phòng thủ dân sự của từng cơ quan.
Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng 10 ý kiến phát biểu của đại biểu đã thể hiện trí tuệ, trách nhiệm, sự nghiêm túc trong nghiên cứu, tham góp ý kiến với các dự thảo Luật. Trong đó, đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải ban hành Luật, thống nhất với các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Đối với các ý kiến đóng góp cụ thể, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội giao bộ phận thư ký tổng hợp, báo cáo cơ quan soạn thảo của Quốc hội.