Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa luật để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 17 năm có hiệu lực, Luật Giao dịch điện tử đã dần bộc lộ những hạn chế, thậm chí là rào cản cho sự phát triển số ở Việt Nam. Do đó đã đến lúc cần những chế tài pháp luật mới nhằm thay thế, tạo điều kiện thích hợp để xây dựng quốc gia số.

Để đẩy mạnh cải cách hành chính, nhiệm vụ cấp bách và quan trọng là tập trung thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh: Hải Linh  
Để đẩy mạnh cải cách hành chính, nhiệm vụ cấp bách và quan trọng là tập trung thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh: Hải Linh  

Cần thiết phải sửa luật

Nói về một trong những vướng mắc lớn đối với hoạt động kinh doanh của DN nhiều năm qua, đại diện Mercedes-Benz Việt Nam Trần Thị Lan Anh cho biết, đó là chưa được sử dụng chữ ký điện tử cho các hợp đồng với đối tác nước ngoài. Mọi giao dịch dạng này đều phải sử dụng chữ ký bằng mực sống, nếu thay thế bằng chữ ký điện tử thì việc ký kết hợp đồng sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn nhiều.

Nguyên nhân tình trạng trên được lý giải là do những quy định không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại của Luật Giao dịch điện tử. Theo đó, để có hiệu lực về mặt pháp lý cũng như được các cơ quan thuế hoặc hải quan công nhận thì chữ ký điện tử của DN nước ngoài phải được chứng nhận tại Việt Nam. Mà điều này gần như không DN nào lựa chọn bởi sẽ rất mất thời gian để thực hiện so với sử dụng trực tiếp chữ ký tươi.

“Cần có cơ chế tự động công nhận chữ ký điện tử nước ngoài nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện cũng như độ tin cậy, việc yêu cầu chứng thực hợp đồng đối với đối tác ngoại là rất khó để áp dụng trong thực tế. Đây hiện là vấn đề không chỉ Mercedes-Benz Việt Nam mà các DN có ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài đang rất quan tâm”- bà Lan Anh chia sẻ.

Một ví dụ thực tế khác, trong những năm gần đây, việc gia tăng giao dịch điện tử trong mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội đã dẫn tới việc định danh điện tử như sử dụng tên người dùng - mật khẩu (username/password), mật khẩu dùng một lần (OTP), sinh trắc học (vân tay, mống mắt)… đã trở nên phổ biến. Nhưng tại Luật Giao dịch điện tử lại chưa có quy định rõ ràng về vấn đề trên, do đó đã tạo tâm lý chưa thực sự tin tưởng của các bên tham gia, đồng thời cũng kìm hãm phương thức xác thực giao dịch đang rất phổ biến này trên thế giới tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, là một trong những bộ luật được xác định là hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số quốc gia nhưng Luật Giao dịch điện tử vẫn đang bị bó hẹp, chưa hiện diện trong nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống. Có thể kể đến như luật này không được áp dụng với hàng loạt hoạt động cần số hóa như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử…

Từ những nhu cầu bức thiết trên, ngay từ năm 2020, Bộ TT&TT đã tiến hành xây dựng và lấy ý kiến các đơn vị có liên quan về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Với 8 chương và 56 điều, dự thảo luật này dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới đây.

Một trong những bước tiến lớn của dự thảo luật là bỏ đi các trường hợp không áp dụng của luật năm 2005. Theo đó, dự thảo luật sẽ mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội, từ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản, đăng ký kết hôn cho đến hối phiếu và các giấy tờ có giá trị khác. Nhưng điều này là không bắt buộc, với các lĩnh vực chưa phù hợp áp dụng giao dịch bằng phương tiện điện tử theo quy định của luật chuyên ngành liên quan thì áp dụng theo quy định tại luật đó.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại cũng như bổ sung các quy định về chứng thư điện tử. Đây được xem là bước đột phá để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.

Đối với dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, dự thảo luật bổ sung 5 dịch vụ tin cậy. Đây là cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo các giao dịch điện tử được thực hiện. Đồng thời cũng được xem là yếu tố cốt lõi để người dân cũng như DN thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số.

Khách hàng tìm hiểu giải pháp FPT.AI tại Diễn đàn Vietnam-ASIA DX Summit 2022. 
Khách hàng tìm hiểu giải pháp FPT.AI tại Diễn đàn Vietnam-ASIA DX Summit 2022. 

Doanh nghiệp cần gì ở luật mới ?

Được biết, trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét về luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào hôm 19/9 vừa qua, dự thảo Luật này đã được Bộ TT&TT gửi tới nhiều chuyên gia, các nhà quản lý cũng như cộng đồng DN nhằm tham vấn ý kiến đóng góp xây dựng.

Góp ý về dự thảo luật, Giám đốc Marketing Công ty VINADES Phạm Đức Tiến cho rằng cần bổ sung khái niệm về dữ liệu mở, cũng như quy định về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng cho dữ liệu mở để DN và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước và phát triển kinh tế số. Đây là điều mà các quốc gia phát triển trên thế giới đã thực hiện từ lâu như Mỹ vào 2009, Anh vào 2013 hay Hàn Quốc vào 2014.

Theo xu hướng chung của thế giới về dữ liệu mở, Việt Nam cũng cần có quy định về mặt pháp lý nhằm yêu cầu tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải lập danh mục và phân loại dữ liệu mở của cơ quan mình, từ đó sẽ tạo ra được dữ liệu mở mang tính hệ thống, phân loại chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo các quyền để sử dụng dữ liệu đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu mở phát triển, toàn dân cũng như cộng đồng có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu mở vào hoạt động kinh tế - xã hội, ông Phạm Đức Tiến nói.

Được biết, nguyên nhân khiến VINADES đưa ra góp ý nói trên là do chính DN đã phải ngừng hoạt động một sản phẩm của mình là website khai thác và cung cấp thông tin mời thầu dauthau.info . Trong khi đó dữ liệu về đấu thầu vốn được công khai theo Luật Đấu thầu và được tiếp cận theo Luật Tiếp cận thông tin.

Là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng từ sự thay đổi của Luật Giao dịch điện tử, đại diện VINADES cho rằng việc thay đổi của luật này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trong bản dự thảo hiện chỉ đề cập và có các quy định đối với chữ ký điện tử và chữ ký số, trong khi thực tế giao dịch của ngân hàng hiện tại đang chấp nhận các biện pháp xác thực như mật khẩu, SMS OTP, Token OTP, Digital OTP, nhận dạng sinh trắc học. Từ đó nảy sinh vấn đề là các giao dịch không được ký với chữ ký điện tử mà sử dụng các biện pháp xác thực khác thì tính pháp lý của chứng từ trong trường hợp này hiện chưa được quy định cụ thể.

Mặt khác, trong quy định tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử mới chỉ đề cập chung về chữ ký số, trong khi chữ ký số có nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử như chữ ký từ xa (Cloud CA) có thể đăng ký trực tuyến (online). Vậy các chữ số đăng ký online được như Cloud CA thì khách hàng thực hiện giao dịch sẽ có giá trị ở mức nào? Đại diện MB đặt ra vấn đề mà dự thảo Luật cần quy định rõ.

 

Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet, không gian mạng. Đồng thời cũng khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành của luật này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng