Sửa Luật phải thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 25/10, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nhiều ý kiến đồng tình, đây là thời điểm rất cần sửa đổi Luật, để làm cho thị trường bảo hiểm có thể trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội.

Dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm còn rất lớn
Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã ban hành được 20 năm. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, các quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất lớn. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bảo hiểm cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn. Mặt khác, bảo hiểm là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Chủ trương, mong muốn của chúng ta là tốc độ tăng trưởng của các loại hình dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt chú trọng vào các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, khoa học, công nghệ...
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần rà soát lại nội dung lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát đảm bảo phát triển cân đối hài hoà, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ; bảo hiểm và tái bảo hiểm... Trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. "Phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho nông, lâm, ngư nghiệp rất khó khi tính toán chi phí nhưng không thể không làm để giúp cuộc sống của người nông dân an tâm"- Chủ tịch Vương Đình Huệ cho hay.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, kinh doanh bảo hiểm là một ngành rất quan trọng, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Việc có quy định pháp luật cụ thể phù hợp với thực tiễn sẽ tạo thuận lợi phát triển thị trường bảo hiểm. 
Nhất trí với việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bởi đây là công cụ giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi xảy ra rủi ro, song phải cần bảo đảm quyền lợi cho khách hành, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, dù coi khách hàng là cần bảo vệ, song nếu bảo vệ quá mức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Vì thế, việc sửa đổi một số điều khoản cần cân nhắc kỹ để không bảo hiểm một cách quá mức không cần thiết cho khách hàng, và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Dự Luật cần tính đến các hình thức giao dịch mới, không theo truyền thống; tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp, không phù hợp với Luật doanh nghiệp.
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Đoàn tỉnh Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Đoàn tỉnh Yên Bái), hiện nay tổng doanh thu từ thị trường bảo hiểm nước ta đang thấp, đóng góp cho nền kinh tế trong nước từ lĩnh vực này cũng còn rất hạn chế, mặc dù đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi này, cần nghiên cứu bổ sung những quy định thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, an toàn, minh bạch và công bằng, tạo ra nguồn thu lớn đóng góp cho nền kinh tế. Đồng thời, hoàn thiện sớm các quy dịnh về kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm những quy định can thiệp để can thiệp sớm đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia.

Bảo hiểm vi mô, một nội dung mới

Liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát vấn đề này theo hướng bình đẳng quyền giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng (hưởng thụ các dịch vụ). Xác lập một mối quan hệ hợp đồng đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của kinh doanh bảo hiểm, bao gồm kể cả xử lý các vấn đề khi tranh chấp. Ngoài ra Luật kinh doanh bảo hiểm cần phù hợp với môi trường không gian mạng, môi trường số, môi trường điện tử…  
Liên quan đến nội dung quản trị kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có vai trò quan trọng, nhưng thực tế là hiện nay thị trường bảo hiểm này đang đứng trước thách thức, cạnh tranh lớn. Đó là các tập đoàn, công ty bảo hiểm lớn đến từ nhiều nước trên thế giới, đang thu hút nguồn lực rất lớn ở thị trường Việt Nam vì họ có bề dày kinh nghiệm, sản phẩm dịch vụ phong phú hấp dẫn nên người có tiền tham gia tích cực. Đây là vấn đề rất lớn cần phải suy nghĩ, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể mất thị trường trong nước, giống như thị trường bán lẻ. “Chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc để sửa luật cho đúng, thích ứng với những thay đổi hiện nay”- đại biểu nêu. Đồng thời cho rằng, cần có sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý cho các cá nhân của Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm.
 Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận. 
Quan tâm đến các quy định về bảo hiểm vi mô, một nội dung mới được đưa vào Dự Luật, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, quy định còn sơ sài, không quy định tổ chức nào được phép và tổ chức nào không được phép tham gia. Bảo hiểm vi mô cũng chứa nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, từ quản lý tài chính đến quản trị tài chính, cần kiểm soát chặt, Dự Luật cần nghiên cứu theo hướng thay vì tạo ra các tổ chức bảo hiểm vi mô, thì cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên nghiệp họ làm sẽ hiệu quả hơn. Theo đại biểu, với điều kiện đặc thù hiện nay, nhiều đại lý, nhiều môi giới chỉ quan tâm bán được bảo hiểm mà không quan tâm đến quyền lợi của người mua nên vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp, phức tạp, đây cũng là vấn đề cần lưu ý.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, bảo hiểm vi mô là một hình thức có tính đặc thù. Đối với hình thức bảo hiểm này số lượng người tham gia đông, nhưng chủ yếu là những người yếu thế.
Theo Bộ trưởng, quy mô của mỗi hợp đồng bảo hiểm này khoảng tầm 50 triệu đồng, là con số nhỏ. Nhưng lực lượng làm không chuyên nghiệp, lợi nhuận thấp nên ít tham gia mà chủ yếu là dùng số lượng cán bộ, công chức kiêm nhiệm để thực hiện hình thức này; để hạch toán riêng biệt chi phí, trả lương đầy đủ thì việc hoạt động khó hiệu quả. Tuy nhiên, điều này mang lại lợi ích cho người nghèo, người yếu thế rất tốt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần