Sơn La họp khẩn, triển khai ứng phó bão số 3
Kinhtedothi - Sáng 22/7, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Sơn La đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về giải pháp ứng phó với bão số 3. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các sở, ngành và lãnh đạo 75 xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Sơn La, từ chiều 21 đến sáng 22/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều nơi trong tỉnh ghi nhận mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 10-60 mm, một số điểm cao hơn như Km46 (xã Vân Hồ) 77,2 mm và xã Xuân Nha 69 mm.
Dự báo, bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền lúc 10 giờ sáng nay. Trong thời gian tới, Sơn La có khả năng xảy ra mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 80-150 mm, có nơi vượt 200 mm. Riêng khu vực Đông Nam tỉnh, gồm Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên và Phù Yên, có thể mưa tới 250 mm, thậm chí vượt 300 mm. Từ ngày 24 đến 26/7, ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp sau bão có thể gây mưa tiếp tục kéo dài, lượng mưa từ 50-100 mm, nơi cao có thể vượt 150 mm.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh đề xuất nhiều biện pháp ứng phó. Trong đó, ưu tiên lực lượng thường trực tại cơ sở, sẵn sàng sơ tán người dân ở các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Các hồ chứa, công trình thủy lợi đã được xả điều tiết, duy trì mức nước ở khoảng 40% dung tích để đón lũ. Đồng thời, các địa phương tiếp tục củng cố Ban Chỉ huy cấp xã, khơi thông dòng chảy, chủ động phương án chống úng ngập và dịch bệnh sau lũ.

Sơn La họp triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3. Ảnh: Khải Hoàn
Ông Nguyễn Thành Công yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát, kiện toàn hệ thống chỉ huy phòng thủ dân sự. Một đường dây nóng sẽ được thiết lập để tiếp nhận và xử lý thông tin xuyên suốt trong công tác chỉ đạo. Trong ngày 22/7, các địa phương phải hoàn thành việc kiểm tra, di dời dân khỏi các điểm nguy cơ cao như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Lực lượng điện lực cũng được yêu cầu trực chiến, xử lý sự cố nhanh để đảm bảo cấp điện trở lại sớm nhất. Các ngành, địa phương tổ chức ứng trực 24/24 trong suốt thời gian ảnh hưởng của bão và mùa mưa 2025.
Trước đó, từ chiều 19 đến sáng 20/7, mưa kèm gió lốc đã gây thiệt hại tại một số xã của tỉnh Sơn La. Theo thống kê ban đầu, 12 nhà dân tại các phường Thảo Nguyên, Mộc Sơn và xã Chiềng Sơn (thị xã Mộc Châu cũ) bị tốc mái. Một số diện tích ngô, lúa, cà phê, ao nuôi thủy sản bị hư hại; nhà kính, nhà lưới trồng chanh leo, cà chua, rau tại các xã Chiềng Sơn, Thuận Châu bị sập. Công trình thủy lợi Co Cại (xã Thuận Châu) bị bồi lấp khoảng 30m.
Đặc biệt, tại bản Dẹ (xã Thuận Châu), mưa lớn gây nguy cơ đá lăn với khối lượng 300-400 m³, đe dọa hai hộ dân. Tại bản Thôm I, gần khu núi đá, 4 hộ sống dọc sườn núi cũng đối mặt với nguy cơ sạt lở, rất may chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động tụ tập ngoài trời, lễ hội, sản xuất khi thời tiết bất lợi; yêu cầu người dân không di chuyển qua các suối, ngầm tràn hoặc khu vực có nguy cơ sạt lở. Chính quyền các xã đang chủ động kiểm tra, chằng chống nhà cửa, di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Duy Dũng, Bí thư xã Mường Sại, cho biết địa phương đã hoàn tất việc sơ tán các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nhà văn hóa bản và trường mầm non. Các lực lượng dân quân, công an, chính quyền hỗ trợ vận chuyển, đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời cấp phát nhu yếu phẩm và tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời ứng phó.
Các địa phương cũng được yêu cầu thống kê thiệt hại để làm căn cứ đầu tư khắc phục hậu quả. Ngành Công Thương chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm, sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống. Các cơ quan báo chí địa phương sẽ cập nhật liên tục tình hình mưa lũ để người dân chủ động phòng tránh.

Sơn La có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Kinhtedothi - Ngày 8/7, UBND tỉnh Sơn La cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa Lễ hội Xên Lẩu Nó, Lễ hội Púng Hiéng và Nghề làm giấy vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sơn La di dời khẩn cấp các hộ dân khỏi vùng sạt lở
Kinhtedothi - Mưa lớn kéo dài tại các xã Mường Chiên và Chiềng Mai, tỉnh Sơn La đã gây sạt lở đất, buộc lực lượng chức năng di dời khẩn cấp nhiều hộ dân đến nơi an toàn.

Sơn La xây dựng vùng cà phê đặc sản truy xuất tận gốc
Kinhtedothi - Với chiến lược bài bản từ vùng nguyên liệu đến chế biến, Sơn La đang từng bước đưa cà phê đặc sản vươn ra thế giới bằng tiêu chuẩn minh bạch và bền vững.