Tại cuộc làm việc, đại diện các sở ngành, đơn vị đã đóng góp các ý kiến nhằm bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật. Trong đó, đáng chú ý, liên quan Điều 21 “Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch”, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho hay, Sở thống nhất với quy định của Dự thảo Luật mới: “Không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có trong khu nội đô lịch sử…”. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 9 Luật Thủ đô 2012: “Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có…”.
“Dự thảo Luật mới đã có sửa đổi, giới hạn trong khu nội đô lịch sử, trong 4 quận, không mở rộng diện tích sử dụng đất vì hiện không còn đất, mà các bệnh viện chỉ nâng cấp cơ sở vật chất. Các bệnh viện tuyến Trung ương cũng cam kết không tăng quy mô giường bệnh, chỉ nâng cấp cơ sở vật chất để cải thiện môi trường khám, chữa bệnh” - đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc thông tin; đồng thời đề xuất bỏ “quy mô giường bệnh” trong quy định này tại Điều 21 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong khi đó, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay, do quá trình lịch sử để lại, các bệnh viện hạng 1, chuyên khoa đầu ngành của Thủ đô chủ yếu tập trung tại 4 quận nội thành, như Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ sản, Tim, Ung bướu… Trong khi, theo chủ trương của Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thì yêu cầu phải xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, và quan trọng nhất là gần dân.
Chính vì vậy, đối với những bệnh viện này là những bệnh viện hạng 1, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, có hai chức năng đối với Hà Nội. Chức năng đầu tiên là chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đấy, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của Hà Nội còn thực hiện luôn chức năng khám, chữa bệnh cho người dân trên toàn thành phố và cả người dân ở các tỉnh, thành khác, do yếu tố thông tuyến.
“Việc mở rộng diện tích sử dụng đất cho các bệnh viện không khả thi, nhưng quy mô giường bệnh hoàn toàn có thể tính toán tăng lên. Như Bệnh viện Ung bướu từng là một khoa của Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), có diện tích chật hẹp; tuy nhiên, đây là một trong những bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của Việt Nam về ung bướu, tập trung đông bệnh nhân, nên nếu tăng quy mô giường bệnh sẽ rất phù hợp” - đại diện Sở Y tế nêu quan điểm.
Trao đổi tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay, các bệnh viện không cải tạo sẽ rất nhếch nhác. Dẫn chứng Bệnh viện Ung bướu có đông bệnh nhân, quá tải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị các sở ngành nghiên cứu, tính toán quy mô giường bệnh của thành phố Hà Nội để đạt được Nghị quyết của Đại hội Đảng. Đồng thời đề nghị làm rõ, các bệnh viện tuyến 1 của Hà Nội có chất lượng không kém các bệnh viện tuyến Trung ương, hiện có tình trạng quá tải như thế nào…
Bố cục của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành).
Nội dung dự thảo Luật bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.
Dự thảo Luật đang được đăng tải công khai lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/9/2023.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6; xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.