Sửa Luật Thủ đô: Lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, tạo đột phá cho Hà Nội

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) giải trình rõ phạm vi thực hiện phân cấp, phân quyền; lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm, gắn với điều kiện đặc thù khi quy định phân cấp, phân quyền để tạo sự đột phá cho Thủ đô.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì phiên họp.

Thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Theo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), Luật Thủ đô năm 2012 là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các chính sách đặc thù theo quy định của Luật đã giúp Hà Nội thiết lập các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì phiên họp
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì phiên họp

Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông của Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm, được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô; nhiều khu đô thị mới mang tầm vóc của một đô thị hiện đại; các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn một số tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành; quản lý, sử dụng đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội; cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng...

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là cần thiết nhằm thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; từ đó từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới; phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Có cơ chế giám sát việc thực hiện phân cấp, phân quyền

Tại phiên họp, các thành viên đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung cụ thể tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền cho HĐND TP Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý và tăng tính chủ động, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Thủ đô Hà Nội. Về nội dung này, hiện dự thảo Luật đã thiết kế 2 phương án để xin ý kiến Chính phủ.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Một số đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để việc thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặt thù sát nhu cầu thực tế của Hà Nội. Theo đó, nên quy định HĐND TP Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Sở Môi trường; Ban Quản lý khu công nghệ cao và Đội Quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã.

Đại diện Văn phòng Chính phủ nhất trí với phương án thứ 2 của dự thảo Luật, cụ thể “HĐND TP Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Sở Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hà Nội thuộc UBND TP Hà Nội, Đội quản lý trật tự xây dựng là tổ chức hành chính tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã khi bảo đảm tiêu chí thành lập theo quy định, không chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn”. Đại diện Văn phòng Chính phủ đánh giá phương án này sẽ khả thi hơn trên thực tế vì Hà Nội có thể thành lập được ngay cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù; tuy nhiên cũng cần đánh giá kỹ lưỡng việc thành lập, tổ chức, giải thể các đơn vị nêu trên.

Đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không nên phân cấp, phân quyền tối đa, chỉ nên phân cấp một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho TP Hà Nội, đối với nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội chỉ phân cấp đối với các trường hợp thật sự cần thiết, đáp ứng tiêu chí chặt chẽ. Còn đại diện Bộ Công an cho rằng HĐND quận, thị xã được quyết định chủ trương đầu tư một số loại chương trình, dự án đầu tư công, song cần loại trừ những chương trình, dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Trong khi đó, đại diện Bộ Xây dựng nhận định, dự thảo quy định việc UBND TP Hà Nội được phép phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thủ đô, Quy hoạch chung thành phố thuộc thành phố Hà Nội, quy hoạch khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh là phù hợp, tạo thế chủ động cho Hà Nội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc tới các trường hợp thuộc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch đô thị để phục vụ lợi ích cộng đồng, tăng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người trong khi kế hoạch phát triển nhà ở của TP vẫn được bảo đảm.

Tạo đột phá cho Thủ đô

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, các ý kiến từ thành viên Hội đồng đã nhận định, hồ sơ thẩm định dự án Luật sửa đổi cũng được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tuân thủ theo đúng quy trình của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.  
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.  

Nội dung dự thảo dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ phạm vi thực hiện phân cấp, phân quyền; lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm, gắn với điều kiện đặc thù, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội khi quy định phân cấp, phân quyền để tạo sự đột phá cho Thủ đô; đồng thời nghiên cứu, bổ sung các cơ chế để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu rà soát, bổ sung một số vấn đề được các thành viên Hội đồng thẩm định chỉ ra như: tính toán các điều kiện về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của Dự án Luật; các vấn đề về ủy quyền lập pháp…