Sửa Luật Thủ đô: Phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm cụ thể cho Hà Nội

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện, tăng tính chủ động cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt hơn; tuy nhiên, cũng cần gắn trách nhiệm cụ thể, có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Triệu Quang Huy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn:

Phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm cụ thể

Tôi đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô nhằm nâng cao vị thế Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Nội dung của dự thảo Luật đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách, nhiều nội dung nhằm phát huy vị trí, vai trò quan trọng, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô.

Đại biểu Triệu Quang Huy
Đại biểu Triệu Quang Huy

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng củng cố địa vị pháp lý, thúc đẩy Hà Nội trở thành Thủ đô thông minh, hiện đại, xanh sạch đẹp, văn minh, an toàn thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước phát triển. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các chính sách theo hướng bám sát cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn hoàn thiện chính sách, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Đặc biệt, cần thể hiện rõ trong dự thảo Luật các cơ chế chính sách đặc thù, có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội có điều kiện thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các điều kiện kèm theo cũng cần nêu rõ hệ thống chính sách phát triển nhân lực, nguồn lực tương xứng, trong đó làm rõ cơ chế phân cấp, phân quyền, chế độ trách nhiệm cụ thể.

Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh:

Phân quyền toàn diện, có cơ chế kiểm soát quyền lực

Tôi cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.

Đại biểu Trần Thị Vân
Đại biểu Trần Thị Vân

Cùng đó, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt. Các nội dung về chính sách đặc thùcủa Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm…

Về phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô (Điều 23), tôi đề nghị bổ sung 1 khoản: “UBND TP Hà Nội quy định việc tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch, triển lãm mang tầm quốc tế trên địa bàn Thủ đô.” Quy định này nhằm phân quyền, giúp Hà Nội có thể chủ động quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế trên địa bàn thành phố nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, từ đó thu hút được các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô quốc tế đến Hà Nội.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk:

Để Hà Nội phát triển đúng tầm của Thủ đô văn hiến, thành phố vì hòa bình

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, trái tim có đập nhịp đập mạnh mẽ, vững vàng, cơ thể cả nước mới phát triển khỏe mạnh và thịnh vượng.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân

Người dân Tây nguyên luôn hướng về Thủ đô với tình yêu, niềm tin sâu sắc và thiêng liêng; như lời của một bài hát “Em hỏi cây kơ-nia, gió mày thổi về đâu, về vùng mặt trời mọc, rễ mày uống nước đâu, uống nước nguồn miền Bắc”.

Ngoài ra, tôi cũng đề nghị các quy định của dự thảo Luật thể hiện rõ sự phân quyền mạnh mẽ hơn, giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền của thành phố Hà Nội. Nội dung, phạm vi, cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền cần gắn với trách nhiệm cụ thể. Cùng với đó, cần quy định tính đặc thù cao hơn để Hà Nội phát triển đúng tầm của Thủ đô văn hiến, thành phố vì hòa bình.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị):

Phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô

Tôi tán thành mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng
Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Về quy định thẩm quyền quyết định biên chế của HĐND TP Hà Nội, theo tinh thần và chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô;đồng thời trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cần có chính sách mạnh mẽ, có tính đột phá. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nên lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học đã phát biểu trên truyền hình, truyền thông trong thời gian vừa qua, cũng như đề nghị của TP Hà Nội.

Tôi cũng tán thành ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là giao cho HĐND TP Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan trung ương trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một điều vào dự thảo Luật về quy định cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư quốc tế để phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Thủ đô Hà Nội.