70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa Luật Thủ đô: Rà soát tiêu chí, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ nhân tài

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát về tiêu chí, điều kiện thực hiện cũng như đối tượng thuộc diện thu hút, trọng dụng nhân tài để quy định phù hợp, đáp ứng được mục tiêu xây dựng và phát triển của Thủ đô...

Sau khi tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quy định chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng nhân tài

Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17): Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện thực hiện và giao cho chính quyền Thành phố quy định cụ thể mức độ đãi ngộ phù hợp với từng đối tượng được thu hút; bổ sung đối tượng được thu hút, trọng dụng nhân tài là người có khả năng tham mưu, đề xuất, thực hiện những vấn đề lớn đang đặt ra đối với Thủ đô (như vấn đề về bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm dòng sông, ùn tắc giao thông,…) mà không phụ thuộc vào bằng cấp chuyên môn; thủ khoa xuất sắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các Thủ khoa xuất sắc năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các Thủ khoa xuất sắc năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát về tiêu chí, điều kiện thực hiện cũng như đối tượng thuộc diện thu hút, trọng dụng nhân tài để quy định phù hợp, đáp ứng được mục tiêu xây dựng và phát triển của Thủ đô; việc quy định đối tượng thu hút theo nguyên tắc không trùng lặp với các chính sách chung đã được quy định.

Đồng thời để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật giao HĐND Thành phố Hà Nội quy định chi tiết để có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, từ đó quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

Tăng thu nhập giúp cán bộ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài

Theo Bộ Tư pháp, về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong dự thảo Luật để phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương. Đồng thời, rà soát quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tại điều này để phù hợp với lộ trình cải cách tiền lương; cân nhắc đối tượng được chi thu nhập tăng thêm là cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn.

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình như sau: Việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân, viên chức, gắn với các cải cách về đánh giá năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả công việc tại khu vực công, chất lượng dịch vụ công, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.

Tăng thu nhập gắn với cải cách về đánh giá năng lực, vị trí việc làm cũng góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Hồng Thái
Tăng thu nhập gắn với cải cách về đánh giá năng lực, vị trí việc làm cũng góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Hồng Thái

Tăng thu nhập gắn với cải cách về đánh giá năng lực, vị trí việc làm cũng góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, học sinh trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, góp phần bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, trong bối cảnh đang chuẩn bị thực hiện chế độ cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện quy định này.

Cơ chế tài chính, ngân sách cho Thủ đô

Về cơ chế tài chính, ngân sách cho Thủ đô (Điều 35, Điều 36), một số ý kiến tán thành với nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách tại dự thảo Luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách thu của thành phố Hà Nội để tạo nguồn lực; quy định mức trần nợ vay của thành phố (tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh), cho phép thành phố phát hành trái phiếu quốc tế; về để lại tiền thu từ đất, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể tỷ lệ, có ý kiến đề nghị cho phép Hà Nội giữ lại toàn bộ nguồn thu này.

Một số ý kiến cơ bản nhất trí với quy định tại dự thảo Luật, nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định cơ chế đặc thù để giúp cho thành phố Hà Nội chủ động sử dụng hiệu quả nhất nguồn cải cách tiền lương còn dư; quy định tiêu chí cụ thể khi sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện dự án cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở đã có, khi thực hiện nội dung này không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đối tượng được hỗ trợ tại điểm d khoản 1 Điều 36 dự thảo Luật là quá rộng, cân nhắc về thời hạn được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính; rà soát để bảo đảm nguyên tắc “không cho phép dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ cấp khác và không được dùng ngân sách địa phương này để chi cho địa phương khác”…

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình: Dự thảo Luật quy định dư nợ vay của thành phố không phụ thuộc vào hạn mức trần, tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Quy định này nhằm giúp thành phố có thể huy động được nguồn lực đầu tư từ vốn vay để tập trung phát triển các dự án quan trọng. Đặc biệt trong thời gian tới, TP đẩy mạnh phát triển các tuyến đường sắt đô thị, nhu cầu về vốn có thể lên đến 1 triệu tỷ đồng và xa hơn là mục tiêu phát triển kết nối đường sắt đô thị đến các đô thị trong Vùng Thủ đô.

Từ đó, giúp thành phố triển khai nhanh, làm đồng bộ về mặt hạ tầng, đồng bộ về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tránh tình trạng manh mún, chậm tiến độ do phụ thuộc vào nguồn vốn, không đồng bộ về kỹ thuật như hiện nay tại các dự án đã triển khai theo hình thức vay ODA và vốn từ ngân sách.

Việc vay vốn sẽ được thành phố cân nhắc kỹ, xây dựng rõ ràng, khả thi về phương án sử dụng vốn, phương án trả nợ vay, được báo cáo, thông qua tại Thành ủy, HĐND Thành phố, báo cáo trình Quốc hội và Chính phủ quyết định. Vì vậy, vẫn bảo đảm sự kiểm soát đối với nợ công quốc gia của Trung ương.

Để tiếp tục hoàn thiện, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện được thuận lợi (như: có thể xác định khoản được giữ lại cho ngân sách; thời hạn tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính…) nhưng đồng thời tạo được cơ chế giúp Hà Nội có thêm nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ trọng điểm, cụ thể do thành phố đề xuất.

Trong đó, có cả việc chi cho di dời, hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở của Trung ương và thành phố theo quy hoạch; quy định cụ thể hơn về cho phép áp dụng một số phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí; sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện dự án cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở đã có…