Giải toả được những điểm nóng về giao thông
Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Mai Thị Mai (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho hay, Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nội dung đề cập phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD - Transit Oriented Development) trong Dự thảo Luật cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Hà Nội đã được định hướng xây dựng theo TOD - định hướng có tính bền vững cao.
Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD - Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Từ nhiều năm nay TOD đã trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị ở các nước phát triển. Đối với nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, việc vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị không chỉ mang lại những lợi ích và hiệu quả thuyết phục kể trên mà còn giải toả được những điểm nóng về giao thông, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Trên thực tế, Hà nội đã và đang xác định đây là một định hướng tốt có thể tham khảo cho sự phát triển trong tương lai. Bằng cách ghi nhận các nội dung về TOD trong nội dung các điều khoản, có thể thấy Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, phát triển quản lý hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô, cũng như cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược để có thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.
Về cơ bản, các nội dung để tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) của Hà Nội ghi nhận trong Dự thảo Luật Thủ đô đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, qua phân tích ở trên có thể thấy, nếu xác định TOD là một giải pháp quy hoạch cho Hà Nội trong việc hướng tới người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường thì các quy định về TOD nên được nhấn mạnh hơn, trở thành một trong những trọng tâm cần được lưu ý trong chính sách phát triển đô thị của Thủ đô.
Do đó, các nội dung điều chỉnh về TOD trong Dự thảo luật Thủ đô cần được tách riêng ra thành một điều khoản độc lập với nội dung về - Xây dựng phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Trong điều khoản này sẽ tập hợp toàn bộ các điều khoản quy định về TOD nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau về quản lý hạ hầng, huy đồng tài chính, huy động nhà đầu tư...
“Hà Nội đang có tốc độ gia tăng dân số cơ học rất cao, người dân từ khắp nơi đổ về học tập, kinh doanh, làm việc, tập trung rất lớn ở khu vực lõi. Việc xây dựng chính sách quy hoạch đô thị về giao thông công cộng gắn với mô hình TOD có thể là “lời giải” giúp Hà Nội phát triển theo xu hướng hình thành đô thị nén, biến khó khăn thách thức thành cơ hội thực sự cho hiện tại và cả tương lai. Do đó, việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những quy định trực tiếp về TOD là rất đáng ghi nhận” - TS Mai Thị Mai nêu quan điểm.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, Luật Thủ đô (sửa đổi) với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, tạo ra hành lang pháp lý giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra cho Hà Nội. Để triển khai cần có các giải pháp cụ thể như: Giảm khối lượng giao thông tại khu vực nội thành với các giải pháp chính là: Hình thành các đô thị vệ tinh và dịch chuyển một phần các đơn vị, cơ quan, công ty, xí nghiệp khỏi nội thành; Quy hoạch xây dựng theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để định hình, phân phối lại một cách hợp lý luồng giao thông trong đô thị.
Theo đó, Hà Nội phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông – vận tải trong đô thị, trong đó, định hướng chung là phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn, với cốt lõi là hệ thống đường sắt đô thị, bus, BRT; giảm phương tiện cá nhân; thúc đẩy giao thông xanh, giảm phát thải. Trong đó, cấp bách là nhu cầu xây dựng nhanh, hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; luật hóa những chính sách hỗ trợ người đi bộ, người xe đạp và người khuyết tật trong giao thông đô thị.
Cùng với đó, tổ chức giao thông hiệu quả trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Hoàn thiện cơ chế tài chính huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước, nhà nước, xã hội hóa đầu tư cho các dự án giao thông và cơ chế thực hiện các dự án giao thông đặc thù cho Hà Nội.
Ngoài ra, tổ chức tốt vận tải hành khách và hàng hóa trong đô thị, quy hoạch và định hình các trung tâm Logistic lớn cho Thủ đô để thay thế hệ thống logistic tự phát bằng phương tiện cá nhân đang phổ biến ở Hà Nội hiện nay. Về cơ bản, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề cập và kiến tạo các hành lang pháp lý cơ bản cho các nhóm giải pháp nêu trên…