Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Thủ đô: tạo “hệ sinh thái” để phát triển công nghiệp văn hóa

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ được TP Hà Nội tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ này. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tháo gỡ các quy định pháp luật để Hà Nội tạo đà phát triển công nghiệp văn hóa.

Phát triển công nghiệp văn hóa bền vững

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV cho rằng, mong muốn của chúng ta, Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước là có cơ sở. Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Chính vì thế, chúng ta mong muốn cụ thể hóa nội dung này vào trong Luật Thủ đô. Tuy nhiên, có khá nhiều vướng mắc...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn
PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chắc chắn chúng ta sẽ tháo gỡ các quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân, Nhà nước không thể nào làm hết được và cũng không nên làm. Trong chủ trương của chúng ta, Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm, Nhà nước đóng vai trò điều tiết thôi, ví dụ như chính sách đối với nghệ nhân mà tư nhân không tham gia, thì Nhà nước cần phải điều tiết.

Hay trong lĩnh vực điện ảnh, có các loại phim về thị trường, nhiều nhà sản xuất tư nhân đã vào cuộc, thì những phim tuyên truyền về kỷ niệm, Nhà nước phải đứng ra làm để tạo ra sự đa dạng, cân bằng cho điện ảnh. Từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật đó, có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân, chúng ta mới tạo ra một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa - đó là những cái chúng ta cần phải giải quyết.

Như vậy, chúng ta phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển... và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói.

Chúng ta quan tâm đến công nghiệp văn hóa bằng chính các hoạt động hết sức cụ thể; từ đó sự phát triển của công nghiệp văn hóa mới trở nên bền vững được, không chỉ dừng lại ở phong trào nữa. Trong đó, giai đoạn đầu tiên, vai trò của Nhà nước rất lớn, chúng ta tạo ra vốn, tạo ra sự định hướng, tạo ra hành lang pháp lý để trên cơ sở đó chúng ta mới huy động được sự tham gia của các thành phần tư nhân.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tháo gỡ các quy định pháp luật để Hà Nội tạo đà phát triển công nghiệp văn hóa
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tháo gỡ các quy định pháp luật để Hà Nội tạo đà phát triển công nghiệp văn hóa

“Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau này, để bền vững, chúng ta phải có sự tham gia của thành phần tư nhân vào đó, Nhà nước không thể làm mãi được. Chính vì thế, sự tham gia của thành phần tư nhân vào phát triển công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo cho sự phát triển văn hóa của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và bền vững hơn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Vấn đề văn hóa ngày càng được chú trọng

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong xu thế chung, vấn đề văn hóa ngày càng được chú trọng. Ở cấp địa phương, Hà Nội chính là Thủ đô, là trung tâm mà chúng ta mong muốn văn hóa được phát triển mạnh mẽ nhất. Vì Hà Nội là tấm gương cho cả nước, truyền cảm hứng cho những địa phương khác. Chính vì thế các đại biểu Quốc hội rất tán thành có những cơ chế đặc thù để phát triển văn hóa Hà Nội.

Các đại biểu đã rất tâm đắc khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có rất nhiều điều khoản cho phát triển văn hoá, thậm chí mọi người còn mong muốn không chỉ dừng ở những quy định đã được ban soạn thảo thể hiện trong Dự Luật mà còn phải có nhiều hơn nữa các cơ chế đầu tư.

Ví dụ trong Dự thảo Luật lần trước chỉ đưa ra một số lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hoá, trong khi đó công nghiệp văn hóa gồm 12 lĩnh vực. Khi đưa ra vấn đề, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao không phải tất cả 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được đưa vào Luật. Vì thế lần này chúng ta tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và đưa tất cả 12 lĩnh vực cho ngành công nghiệp văn hóa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình ra tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV lần này.

Sự kiện Born Pink tour tại Mỹ Đình hồi cuối tháng 7/2023 đã thu hút khoảng 67.000 khán giả
Sự kiện Born Pink tour tại Mỹ Đình hồi cuối tháng 7/2023 đã thu hút khoảng 67.000 khán giả

Văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Chúng ta tự hào Hà Nội ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ, kết tinh văn hoá tiêu biểu của con người Việt Nam. Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hoá, đây là thế mạnh của Thủ đô, và Hà Nội phải có sự điều tiết, dẫn dắt văn hoá của đất nước. Khi xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hóa, trong đó nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Đặc biệt, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hoá. Quốc hội vừa thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh rằng, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa phải nhấn mạnh đến công nghiệp văn hóa, Hà Nội chúng ta đã đi tiên phong trong lĩnh vực này.

“Trên thực tế, những quan điểm chỉ đạo của Hà Nội về văn hóa đã giúp lĩnh vực này gặt hái được nhiều thành quả. Hà Nội đã tham gia vào thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019, tham gia vào các không gian sáng tạo, các sự kiện công nghiệp văn hoá… Những điều đó chứng minh sự quan tâm của TP Hà Nội đối với văn hóa, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển văn hóa” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.